Sáng thứ sáu, giáo sư Nguyễn Trí Phương, 42 tuổi, không phải đến Đại học Quebec tại Trois-Rivieres, Canada, giảng dạy vì Covid-19. Sau khi hoàn thành tiết dạy online, thầy Phương dành thời gian chơi cùng hai con, điều mà những ngày thường bận bịu chưa làm được nhiều.
Sinh trưởng trong gia đình nghèo có bốn anh chị em tại huyện Quốc Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội), là con trai duy nhất, cậu bé Phương được bố mẹ nuông chiều. Suốt những năm tháng tiểu học, Phương mải chơi, thường xuyên trốn học đi bắt cua, lươn và rắn ngoài cánh đồng. Nhiều khi mải mê, Phương không để ý đã men theo bờ ruộng đến gần cổng trường. Ngẩng đầu lên nhìn thấy bạn bè, bị trêu chọc khi đang lấm lem bùn đất, Phương xấu hổ vứt giỏ cua bỏ chạy.
Những năm tháng chơi nhiều hơn học của Phương tiếp diễn đến lớp 11. Thời điểm đó, thấy bác là giáo viên dạy Hóa kiêm hiệu trưởng trường THPT dạy giỏi, con trai bác đỗ bốn đại học, Phương ao ước được như vậy. "Lúc đó tôi đã lớn, biết suy nghĩ và không còn mải mê với những trò trẻ con. Từ tấm gương của các anh, tôi nghĩ cần thay đổi để có tương lai tốt hơn", anh Phương nhớ lại.
Sau hơn hai năm chuyên tâm học hành, Phương trở thành tân sinh viên khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Quốc Oai lúc đó vẫn là huyện nhỏ của tỉnh lẻ, Phương ý thức "mình ở quê nên càng phải xác định mục tiêu rõ ràng hơn các bạn". Anh kết bạn với hai người cùng lớp là Thảo (nay là GS Nguyễn Tiến Thảo, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Minh (hiện là TS Nguyễn Đức Minh, Đại học Twente, Hà Lan). Ba nam sinh tự nhận "nghèo nhất trong khóa nhưng quyết tâm phải được bằng giỏi và đi nước ngoài".
Ra trường, anh Phương làm việc tại Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, có cơ hội gặp giáo sư Decker, chuyên gia đầu ngành về quang hóa polymer. Nghe những bài giảng hấp dẫn của thầy, anh Phương nhen nhóm ý định sang Pháp tiếp tục theo đuổi ngành hóa học.
Để biến giấc mơ thành hiện thực, mỗi buổi nghỉ trưa hai tiếng, anh lại đi 10 km từ Hoàng Quốc Việt lên trung tâm tiếng Pháp tại Yết Kiêu để học ngoại ngữ rồi quay về. Nhiều hôm không có thời gian, anh nhịn ăn để tiếp tục làm việc vào buổi chiều. Miệt mài 2-3 năm, anh Phương trở thành một trong những người may mắn nhận học bổng 322 của Chính phủ, lên đường du học Pháp.
Đặt chân đến Pháp năm 2003, anh Phương lại nghĩ sẽ không bao giờ quay lại đây. Thành phố Mulhouse, nơi anh học thạc sĩ nhỏ và buồn. Đại học Hóa Mulhouse nằm trên một quả đồi, sinh viên ít, lại chủ yếu là người bản địa nên cuối tuần về nhà hết. "Thứ bảy, chủ nhật nằm ở ký túc xá, không có Internet, tôi thấy cô đơn khủng khiếp. Để bớt buồn, tôi thường cho quạ ăn", anh Phương kể.
Chàng du học sinh Việt Nam cũng phải đối mặt với áp lực học tập khi phải học hơn 10 môn trong một năm. Các kỳ thi diễn ra liên tục, sinh viên Pháp phải dùng từ "kinh hoàng" để diễn tả, vì thế đôi lúc anh đã suy sụp tinh thần. Tuy nhiên, nghĩ lại những buổi trưa nắng nóng đi hơn 10 km học ngoại ngữ cùng người thầy đã truyền cảm hứng năm xưa, anh không cho phép mình dừng lại.
Với lợi thế ngoại ngữ tốt, anh Phương dành toàn bộ thời gian để học, ôn lại tất cả kiến thức chưa nắm rõ. Được sự quan tâm của giáo sư Christian Decker, anh nhanh chóng lấy lại phong độ trong nửa sau của khóa học thạc sĩ. Ngày tốt nghiệp, anh vượt qua nhiều bạn bè người Pháp, đứng thứ hai của lớp. Các kết quả nghiên cứu trong thời gian ngắn giúp anh có hai bằng sáng chế quốc tế do Cục sở hữu trí tuệ Mỹ và Cục sở hữu Trí tuệ thế giới cấp.
Quay về Việt Nam làm việc 2 năm, anh Phương trở lại Paris học tiến sĩ tại Học viện CNAM năm 2006. Thời điểm này, giáo sư Gilbert Villoutreix và vợ (cũng là phó giáo sư cùng trường) thấy chàng trai chất phác, ham học hỏi nên rất quý mến, tận tình giúp đỡ cả về chuyên môn lẫn cuộc sống hàng ngày.
"Tôi may mắn gặp được nhiều người thầy tốt, đặc biệt là hai giáo sư Decker và Villoutrexi. Họ không chỉ truyền cảm hứng cho tôi, giúp tôi hoàn thiện về học thuật mà còn dạy cách trở thành nhà nghiên cứu tốt", anh Phương kể. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2009, anh được Học viện CNAM giữ lại làm giảng viên. Công tác tại đây 2 năm, anh đến Canada theo đuổi đam mê nghiên cứu.
Lúc mới đặt chân đến Canada năm 2011, anh Phương nhận thấy người Việt định cư tại đây đông nhưng hầu hết làm khác nghề do không cạnh tranh được với người bản địa. Anh càng ý thức mình may mắn khi được làm công việc đúng chuyên môn, chuyên tâm vào công tác nghiên cứu, giảng dạy tại Khoa cơ khí, sau là khoa Hóa, Đại học Công nghệ Montréal.
GS Robert Prud’home, người làm việc cùng anh Phương tại Đại học Montréal, chia sẻ: "Ngay từ những ngày đầu làm việc cùng tôi, Phương đã thể hiện là nhà nghiên cứu xuất sắc, có kiến thức chuyên môn vững và khả năng biện luận tuyệt vời".
Sau 8 năm tích lũy kinh nghiệm, được nhiều bạn bè và đồng nghiệp động viên, anh Phương nộp hồ sơ thi giáo sư tại Đại học Quebec ở Trois-Rivieres. Theo quy định, để trở thành giáo sư, ngoài thành tích nghiên cứu cùng kinh nghiệm giảng dạy, giảng viên phải tham dự kỳ thi.
Vượt qua vòng hồ sơ, ứng viên phải dạy thử để hội đồng nghe và chất vấn, sau đó tiếp tục lên ý tưởng, xây dựng đề cương cho đề tài nghiên cứu khoa học, đồng thời phải vượt qua vòng phỏng vấn gắt gao của hội đồng tuyển chọn gồm các giáo sư đầu ngành. Mỗi hội đồng chỉ tuyển một giáo sư trong một lần thi, đồng nghĩa ứng viên phải có kết quả tốt nhất trong khoảng 150-180 người cùng nộp hồ sơ. "Tôi run lắm vì nghĩ làm sao đến lượt mình. Khi nộp hồ sơ cũng chỉ nghĩ vào đến vòng phỏng vấn, không ngờ là người đứng đầu", thầy Phương nhớ lại.
Tháng 6/2019, thầy giáo Việt Nam trở thành một trong những giáo sư gốc Việt trẻ nhất tại Đại hoc Quebec. Theo bảng xếp hạng QS, Đại học Quebec xếp thứ 19 trong số trường tốt nhất Canada năm 2020. Thầy Phương cho rằng, điểm mạnh giúp mình vượt qua hàng trăm đối thủ là chuẩn bị hồ sơ chi tiết về định hướng nghiên cứu cùng số lượng lớn đề tài đã hoàn thành trong hơn 15 năm qua.
GS Vũ Khánh Toàn, giảng viên Đại học ETS (Canada), cũng là người động viên anh Phương đến Canada tiếp tục nghiên cứu, bày tỏ: "Tôi làm việc cùng Phương trong 4 năm. Cậu ấy rất thông minh, sáng tạo và có ý chí phấn đấu".
Ngay sau khi được công nhận giáo sư, thầy Phương bắt tay viết và xây dựng các dự án nghiên cứu. Chỉ trong 10 tháng, thầy nhận được số tiền tài trợ với tổng trị giá khoảng 350.000 CAD, tương đương 5,8 tỷ đồng. Số tiền này để mua hóa chất, thiết bị cho phòng thí nghiệm và một phần lớn tài trợ học bổng cho du học sinh có đam mê nghiên cứu.
"Hiện đã có ba nghiên cứu sinh, một thạc sĩ và nhiều thực tập sinh đã nhận được tài trợ từ quỹ học bổng của tôi, trong đó một em Việt Nam. Nếu suôn sẻ, tháng 9 này tôi tiếp tục hỗ trợ cho ba nghiên cứu sinh Việt Nam khác đến Canada học tập", thầy Phương kể.
Mới đây thầy Phương vinh dự là một trong bốn giáo sư tiêu biểu được Đại học Quebec tại Trois-Rivieres bổ nhiệm là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về vật liệu tiên tiến sử dụng cho y tế và an toàn lao động với những cơ chế hoạt động đặc biệt. Trường cũng trao giải thưởng trị giá 120.000 CAD cho giáo sư Phương để hỗ trợ nhóm thực hiên các nghiên cứu chuyên sâu.
Thời gian tới, giáo sư Phương sẽ tiếp tục kêu gọi tài trợ, dự kiến nâng tổng giá trị học bổng lên tối thiểu 650.000 CAD (gần 11 tỷ đồng), đồng thời tập trung phát triển công việc nghiên cứu tại hai phòng thí nghiệm, cải thiện phương pháp giảng dạy để tạo hứng khởi cho sinh viên.
"Thông qua quỹ học bổng và các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu tại Canada, tôi hy vọng hỗ trợ càng nhiều sinh viên Việt Nam càng tốt. Vì biết đâu tôi sẽ giúp được một em từng trốn học đi bắt cua thực hiện được ước mơ vươn ra thế giới như mình năm nào", giáo sư Phương nói.
Thanh Hằng