Tại buổi gặp mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 15/11 ở Hà Nội, cô Vân Nhi, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Tô Hiệu (huyện M’Đrăk, Đăk Lăk) thướt tha trong tà áo dài, gương mặt luôn rạng rỡ. Không nhiều người đoán được cô giáo đã trải qua 8 năm bám bản dạy học vất vả.
Sinh ra tại thị trấn M’Đrăk, huyện M' Đrăk, một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Đăk Lăk, cô Vân Nhi đến với nghề giáo như là cái duyên. Mẹ là giáo viên, ngày nhỏ mỗi dịp hè là Nhi theo mẹ đến các vùng sâu, nơi học sinh không có điều kiện đi học để dạy tăng cường chương trình phổ cập.
Trong lớp học ở góc nhà sàn, hình ảnh lũ trẻ mặt mũi lấm lem nhưng đôi mắt sáng long lanh khi học đã in sâu, hình thành trong cô bé Vân Nhi ước mơ về một ngày không xa chính mình sẽ mang lại niềm vui ấy cho trẻ nghèo.
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang năm 2012, Vân Nhi khi đó 22 tuổi, không do dự mà đến Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện TP Nha Trang (Khánh Hòa) mua hồ sơ, đăng ký đi Trường Sa. Tuy nhiên, đợt tuyển giáo viên ra đảo đã đủ, Vân Nhi lựa chọn trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu của huyện nhà, khi ấy mới thành lập được hai năm.
"Được về đây, tôi vui lắm vì đã phần nào thực hiện mong muốn từ nhỏ. Trước ngày đi làm chính thức, tôi háo hức chuẩn bị đồ đạc, ngóng chờ buổi đi dạy đầu tiên", cô Vân Nhi nhớ lại.
Thế nhưng, dù chuẩn bị kỹ càng đến đâu, cô giáo sinh năm 1989 chưa bao giờ lường được hết những khó khăn mình phải đối mặt.
7h sáng 6/2/2012, một thầy giáo chở cô đến ngôi trường nằm bên bờ suối, lọt thỏm giữa rừng keo. 10 km đầu tiên, đường khá ổn nhưng quãng tiếp theo lầy lội với vô số ổ voi, ổ gà, bánh xe liên tục chệch hướng. Suốt hai tiếng, thầy cô chỉ đi được gần 30 km và bắt đầu phải dắt bộ, lúc đến trường đã 11h trưa.
Khi đã quen, cô Vân Nhi một mình vượt 50 km từ nhà đến trường và thường xuyên ngã. "Nhẹ thì tôi tự đứng dậy, dắt xe đi tiếp; nặng thì cứ ngồi đó, chờ có người đi qua rồi nhờ giúp. Nhiều khi chờ mãi không thấy ai, tôi gượng dựng xe lên, vừa làm vừa khóc vì tủi thân", cô giáo kể và cho biết từng có lần lăn xuống suối, đầu đập vào đá vỡ cả mũ bảo hiểm.
Năm 2014, cô kết hôn với một đồng nghiệp dạy cùng trường, có tin vui vào năm 2015. Lúc đó, cô Vân Nhi không biết mình có thai vì mới được 5 tuần, đi lại bình thường giữa nhà và trường. Đến khi có hiện tượng dọa sảy, cô đi khám, bác sĩ nói không giữ được vì thai bị động liên tục. "Tôi có lỗi với con. Đó là đứa con đầu lòng của vợ chồng", cô Nhi rớm nước mắt kể.
Cô Nguyễn Vân Nhi kể về lần bị sảy thai do đi lại đường xa. Ảnh: Thanh Hằng |
Thấy cô suy sụp, đồng nghiệp động viên: "Con cái đến với mình là cái duyên, chưa đủ duyên thì chưa ở lại. Em phải vượt qua và phấn chấn lên, để đứa con kế tiếp thật khỏe mạnh, tinh thần tốt". Cô Vân Nhi hiểu ra, giấu nỗi đau vào lòng.
Khoảng một năm sau, cô giáo mang bầu con thứ hai. Được ban giám hiệu tạo điều kiện, cô nghỉ ở nhà đến khi thai ổn định rồi vào trường, ở liền vài tháng đến khi gần sinh mới về. Tới khi mẹ tròn con vuông và hết thời gian nghỉ, cô gửi bé gái cho ông bà ngoại, trở lại ngôi trường bán trú cạnh bờ suối.
Con gái sức khỏe yếu, hay bị ốm, có những lần 9h tối cô giáo vẫn từ trường về nhà. Dù quen với con đường, cô Vân Nhi vẫn rùng mình khi một mình băng rừng giữa đêm tối, chỉ biết "cắn răng chạy về".
Chồng và người thân nhiều lần phản đối, muốn cô chuyển về dạy gần nhà để tiện chăm sóc con, nhưng cô không muốn rời đi. "Mỗi năm, đến dịp làm đơn chuyển công tác, vợ chồng lại căng thẳng, nhưng tôi thật sự muốn ở lại ngôi trường này, gắn bó với lũ trẻ nghèo", cô Vân Nhi nói.
Mẹ là người hiểu, mong cô được làm điều mình thích và sẽ hỗ trợ trông con. Dần dần mọi người cũng thông cảm cho quyết định của cô Vân Nhi. Hiện tại, vợ chồng cô ở lại trong phòng tổng phụ trách đội, vốn là nơi làm việc của cô, 2-3 ngày về thăm con một lần.
Một đoạn đường từ nhà đến trường của cô Vân Nhi. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Ở trường cô Vân Nhi dạy Mỹ thuật, kiêm công tác đoàn, hội. Cô luôn theo đuổi phương pháp dạy học truyền cảm hứng, tạo hứng khởi học tập bằng việc chia nhóm, hay xuống lớp tương tác với học sinh. Với cô, lớp ồn ào một chút cũng được, sau giờ học các em hiểu và làm được gì mới quan trọng. Nếu giữ lớp trật tự, nhưng học sinh không hiểu bài và chán học thì không nên.
Ở lại trường, cô Vân Nhi dành thời gian đến thăm hỏi gia đình học sinh, đặc biệt những em người dân tộc Dao và H’Mông có hoàn cảnh khó khăn. Cô thường xin mạnh thường quân tài trợ tiền và hiện vật cho các em.
Chia sẻ về ngày 20/11, cô Vân Nhi nhớ ngày lễ cách đây ba năm khi nhận được món quà đầu tiên kể từ khi ra trường. Một nữ sinh lớp 7 tặng cô ba bông hoa hồng làm từ giấy tô màu, buộc bằng chỉ, thỏ thẻ nói "Cô ơi em tặng cô này".
"Giáo viên trong đó đã quen với việc không hoa, không quà vì học sinh rất khờ, nghĩ 20/11 là ngày nghỉ vì thầy cô đi dự mít tinh. Thế nên khi nhận được món quà đó, tôi hạnh phúc lắm, giữ gìn cẩn thận cho tới bây giờ", cô Vân Nhi kể.
Cô Vân Nhi rạng rỡ bên học trò. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Khi được hỏi 8 năm dạy học ở trường heo hút, bản thân đã thay đổi những gì, cô giáo chia sẻ hôm nay có thể vẫn khóc vì sợ khi phải băng rừng về nhà vào lúc 9h tối, nhưng tràn đầy hứng khởi để trở lại trường vào 5h sáng hôm sau. Vì cô biết đó là nơi mình được sống trọn vẹn nhất với ước mơ làm giáo viên.
"Đường dài và lầy lội khiến tôi ngã rất nhiều. Nhưng lựa chọn đi trên con đường này chưa bao giờ tôi hối hận", cô Nhi nói.
Thầy Bùi Viết Luyện, Hiệu phó trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu, bày tỏ trân trọng trước sự hy sinh của cô Vân Nhi. "Cô giáo rất tâm huyết với nghề, được học sinh và đồng nghiệp yêu mến. Nhiều lần, cô xin được tài trợ nhưng thông qua và tặng học sinh dưới danh nghĩa trường", thầy Luyện nói.
Giữa tháng 11, cô Vân Nhi được mời đến dự chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" và "Tuyên dương Nhà giáo trẻ tiêu biểu" do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.
Thanh Hằng