Nhớ lại thử thách năm xưa, thầy Nguyễn Văn Hòa (người sáng lập Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, Hà Nội) mỉm cười bảo "khó khăn là tất yếu, quan trọng là mình kiên định".
Như thường lệ, 7h45 sáng ngày đầu tháng 11, chiếc xe chở thầy Hòa đậu trước sân trường. Bước xuống trong bộ vest xanh sậm màu, mái tóc và đôi chân mày bạc phơ, thầy Hòa đứng lại, nhìn khắp trường một lượt. Lũ học sinh tiểu học ùa tới. Trong tiếng Con chào thầy vang lên không ngớt, mấy đứa trẻ liên tục đập tay "high-five" với thầy. Một số níu chặt lấy cánh tay của thầy giáo già.
Thầy Hòa cười tươi rói, giọng nói không còn vang khỏe như cách đây mấy chục năm nhưng sự gần gũi, thân thiện vẫn hiện hữu. "Ngay từ khi thành lập trường, tôi đã nghĩ về những hình ảnh này, về trường học thân thiện, học sinh được yêu thương để tiến bộ từng ngày", thầy Hòa nói.
Sinh năm 1945 tại Hà Nội, khi mới 12 tuổi, cứ chiều tối cậu bé Hòa lại bắt tàu điện đi từ nhà ở Dịch Vọng, Cầu Giấy lên ngõ Cẩm Văn, phố Hàng Bột để dạy bổ túc cho những người buôn thúng bán mẹt theo phong trào thiếu nhi. Được các bà, các mẹ khen dạy dễ hiểu, Hòa vui lắm, ấp ủ ước mơ trở thành nhà giáo.
Tốt nghiệp lớp 10 (hết THPT) năm 1964 với số điểm nằm trong top 4 thành phố, chàng trai 18 tuổi không vào đại học mà viết thư xin tình nguyện nhập ngũ ngay sau sự kiện vịnh Bắc Bộ.
14 năm trong quân đội, trong đó có 10 năm ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, chàng trai Hòa luôn nghĩ sẽ thi đại học. Đến năm 1977, khi đã là sĩ quan, Hòa xin được đơn vị cho ôn luyện và thi đại học cùng hơn 100 người khác tại Đà Nẵng. Nếu đỗ, Hòa được xuất ngũ để theo học còn trượt thì tiếp tục ở lại đơn vị. Vì thành phố miền Trung lúc bấy giờ không có trường sư phạm, Hòa thi Bách khoa và đỗ đầu. Học hết một năm ở đây, anh xin chuyển về Đại học Sư phạm Hà Nội, ngành Sư phạm Vật lý để theo đuổi ước mơ dạy học.
Tốt nghiệp ở tuổi 36, Hòa được nhận vào làm tại Cao đẳng Sư phạm Hà Nội nhưng bị xếp vào phòng hành chính tổng hợp, 10 năm sau mới được đứng bục giảng, dạy Vật lý như đúng chuyên ngành. Từ lúc đó, chữ "thầy" gắn liền với chàng trai Hà Nội.
Lúc bấy giờ đất nước còn nghèo, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói mọi người hãy tìm con đường thay đổi bản thân, cải thiện đời sống. Thầy Hòa nghe theo, thử sức làm thêm. Cứ cuối tuần, thầy về các miền quê mua chiếu, thực phẩm lên Hà Nội bán nhưng toàn lỗ. Thầy chuyển qua làm công việc tay chân, nhưng thấy vất vả quá, lại không xứng đáng với tấm bằng sư phạm.
Thầy đổi sang đi dạy thêm vào buổi tối ở trường bổ túc văn hóa, 4h chiều tan việc ở Cao đẳng Sư phạm thì đi dạy tới 8h30 tối. Lương mỗi buổi không đủ ăn bát phở nên thầy nhịn đói dạy học. Sau nhiều đêm trăn trở phải làm gì liên quan đến nghề mà vẫn cứu được mình, thầy quyết định rủ ba người bạn cùng là giảng viên Cao đẳng Sư phạm Hà Nội mở trường dạy học.
Bốn anh em xin Cao đẳng Sư phạm Hà Nội bảo trợ để mở trường với danh nghĩa là trường thực hành của cao đẳng, dạy cấp tiểu học và THCS, rồi thuê luôn các phòng học của ngôi trường này.
"Hồi đó, tối nào chúng tôi cũng đi vào các ngõ xóm ở Cầu Giấy và vùng lân cận, xin phép dự buổi họp dân phố. Ngồi nghe đủ thứ chuyện về nước sinh hoạt, cống rãnh tới 10h tối, chúng tôi mới xin mấy phút giới thiệu về trường mình. Kiên trì suốt ba tháng thì đến tháng 7/1993, chúng tôi có hơn 70 học sinh đầu tiên. Đến tháng 8, chúng tôi có 160 học sinh, đủ điều kiện hoạt động", thầy Hòa nhớ lại.
Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm ra đời với phương châm không gây áp lực học tập, giúp cho mỗi học sinh tiến bộ. Thầy Hòa áp dụng mô hình học bán trú và là một trong những trường tổ chức bán trú đầu tiên ở Việt Nam, giúp học sinh được ăn bữa trưa tại trường, ngủ một giấc, chiều làm bài tập, bố mẹ không phải dạy ở nhà nữa.
Quan điểm và mô hình này được phụ huynh ủng hộ, ùn ùn kéo đến xin cho con học. Năm thứ hai tuyển sinh, trường có 600 học sinh, đông đến mức thầy cô trong Cao đẳng Sư phạm thấy choáng ngợp, dị nghị không biết là trường cao đẳng hay trường Nguyễn Bỉnh Khiêm của ông Hòa. Cũng từ đó, sóng gió ập đến với thầy giáo.
Tháng 3/1995, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm buộc phải chuyển ra khỏi Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Bạn đồng hành chán nản, phụ huynh chửi bới, bản thân cũng bế tắc, thầy Hòa những tưởng phải bỏ trường. Rồi thầy nghĩ không thể bỏ cuộc. Thầy đứng ra xin lỗi, hứa tìm thuê địa điểm, nói phụ huynh cứ đưa con đến Cao đẳng Sư phạm rồi thầy sẽ chịu chi phí thuê ôtô đưa bọn trẻ đến địa điểm mới. Một phần ba số phụ huynh bỏ đi. 400 người còn lại tin tưởng.
Một năm sau, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm lại đón nhận 600-700 học sinh như cũ. Thầy Hòa nghĩ phải xây ngôi trường mới, "chứ thuê tạm bợ nay đây mai đó thì không tồn tại được". Bạn thân ở Mai Dịch có mảnh đất 800 m2, thầy Hòa nghĩ bài toán thuê đất. Thầy nói với bạn cho thuê xây trường, thời gian 20 năm, trả tiền theo tháng. Sau 20 năm, toàn bộ công trình trên mảnh đất đó thuộc sở hữu của người bạn.
Ông bạn nghe có lợi nên đồng ý nhưng những người đồng hành với thầy Hòa không tán thành vì nghĩ thầy có lợi ích riêng. Hai bên quyết định chia trường. Thầy Hòa giữ khối THCS với hơn 200 học sinh. Những người bạn còn lại biến khối tiểu học thành trường độc lập.
Năm 1996, có đất nhưng không có tiền xây trường, thầy Hòa vay phụ huynh với suy nghĩ vay mỗi người 500.000 đồng là có thể xây đủ cái móng, lãi cao hơn ngân hàng một chút và cam kết ai muốn lấy lúc nào cũng được vì có nguồn thu học phí 100.000 đồng mỗi em một tháng.
Thầy Hòa vận động phụ huynh bằng miệng, không có giấy tờ gì. Trưởng ban phụ huynh đứng ra đảm bảo sẽ vay cho thầy 300 triệu đồng đủ xây móng và tầng một, nhưng thầy vay được tới 400 triệu, đủ xây luôn hai tầng. Có phụ huynh cho vay 25 triệu đồng, tương đương với 10 cây vàng lúc bấy giờ. Có người buôn sắt giao tay 25.000 USD, thầy chỉ phải viết giấy biên nhận và ký.
Xây được tòa nhà hai tầng, học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tăng lên hơn 1.000. Đến giờ, nhiều phụ huynh cho vay chưa lấy tiền, nhưng trường không liên lạc được. Có những người sau này con thành đạt tặng lại trường luôn, thầy Hòa vẫn cho tài vụ ghi sổ.
Năm 1999, khi có Nghị định 73 khuyến khích xã hội hóa với các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, thầy Hòa đứng ra lập dự án xây trường mới để xin thành phố giao đất lâu dài. Dự án mất năm năm, trải qua 25 con dấu. Thầy Hòa nhớ năm đó, chỉ có thầy và thầy Nguyễn Trọng Vĩnh của trường Nguyễn Siêu kiên trì và xin được.
Ba năm sau, thành phố cấp đất cho thầy Hòa. 10 tháng sau, thầy giải phóng mặt bằng được ngay, trả tiền cho gần 60 hộ dân trong hai ngày để xây trường. Mỗi ô đất tiền tỷ, nhưng nhờ được mọi người ủng hộ, thầy chỉ phải trả 300.000 đồng cho mỗi mét vuông. Khi đó, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm của thầy Hòa đã có hai khối là THCS và THPT. Đến năm 2008, trường mới tuyển sinh khối tiểu học, đổi tên ba khối thành Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy.
Hiện, ngôi trường khang trang trên diện tích 7.100 m2 ở đường Trần Quốc Hoàn là nơi học tập của gần 3.000 học sinh. Trường còn có hai trung tâm trải nghiệm sáng tạo ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) và Hoài Đức (Hà Nội). Thầy Hòa chia sẻ ngay từ đầu đã muốn tìm kiếm đất làm vườn trường mà sau gọi là khu trải nghiệm, vì nghĩ học sinh không chỉ học chữ mà phải học từ lao động mới nên người.
"Ngày trước, chỉ học sinh có vấn đề về học tập, hạnh kiểm, mới bỏ tiền vào trường tư. Nếu chỉ dạy kiến thức, các em không học được, không hiểu được học để làm gì. Tôi nghĩ cần dạy học sinh qua lao động, giống như những gì tôi đã trải qua. Khi đó, học sinh sẽ chăm chỉ, không sợ khó, sợ khổ. Còn ngược lại, chúng chỉ như những con mọt sách, coi thường lao động, không biết quý trọng đồng tiền và tôn trọng cha mẹ", thầy Hòa nói.
Cùng suốt chặng đường xây dựng trường, thầy Hòa chú trọng công tác đào tạo giáo viên. Thời xưa, giáo viên thích về trường công hơn trường tư nên chỉ coi trường tư là chỗ ghé tạm đợi biên chế. Trong 10 năm đầu, thầy Hòa gặp khó trong việc giữ chân giáo viên vì lương không cao hơn trường công là bao cũng không có gì đảm bảo, tiếng trường dân lập lại xoàng.
Nhiều thầy cô không vào được trường công lập mới tìm đến trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, 2-3 năm sau có suất biên chế, họ rời đi. Thầy Hòa cho đó là lẽ bình thường bởi các thầy cô có quyền mưu cầu sự ổn định. Một số sau khi rời đi được vài năm lại muốn xin quay trở lại.
Thầy chấp nhận nhận giáo viên có nguyện vọng, rồi dạy họ theo phương châm "không chạy theo thành tích, quan tâm từng học trò, giúp mỗi trò đều tiến bộ". Đến nay, trong 300 giáo viên, cán bộ nhân viên của trường, 200 người đã làm việc với thầy Hòa được 10-25 năm. Lương đủ sống, các thầy cô không phải nghĩ đến chuyện dạy thêm.
32 tuổi mới học đại học, 49 tuổi học cao học, 51 tuổi học tiến sĩ, đến năm 60 tuổi vẫn tự học tiếng Anh, thầy Hòa muốn dạy cho học sinh học tập suốt đời và tự học. Thầy cho rằng học không bao giờ là muộn, cần đến đâu học đến đó chứ không phải chạy theo bằng cấp.
Tuy nhiên, thầy Hòa thừa nhận khi lớn tuổi, học trước sẽ quên sau, còn những gì học được ở tuổi trẻ thì theo lâu dài, chẳng hạn đến giờ thầy vẫn giao tiếp được bằng tiếng Nga và Trung Quốc - những thứ tiếng thầy học từ thời sinh viên. Vì vậy, học sinh nên chịu khó học.
Đến nay, thầy Hòa vẫn đều đặn dậy từ 5h sáng, dành một tiếng tập thể dục, rồi 30 phút ngồi vào bàn làm việc ghi chép kế hoạch, những ý tưởng nảy sinh trong đầu vào tối hôm trước về đào tạo giáo viên, những điều nên nói với học sinh. Thầy luôn ăn sáng và đến trường trước 8h.
"Tôi thoải mái và hạnh phúc với cuộc sống, ngôi trường hiện tại và những gì làm được trong quá khứ", thầy Hòa nói.
Dương Tâm