Khoảng 7h, tại điểm rẽ từ cao tốc TP HCM - Trung Lương vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Thân Cửu Nghĩa, Châu Thành) xảy ra tình trạng ùn tắc xe kéo dài gần một km. Trong khi đó, trên cao tốc TP HCM – Trung Lương ôtô chạy theo hướng ngược lại khá thông thoáng.
Anh Nguyễn Ngọc Hưng (37 tuổi, tài xế trường học) nói sáng nay anh chạy xe trên cao tốc TP HCM – Trung Lương hướng từ TP HCM về Bến Tre. Khi đến nút giao với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, anh Hưng đã chạy thẳng để ra quốc lộ 1 về Bến Tre như mọi khi, sau đó mới biết chạy nhầm vào cao tốc. Nhầm lẫn này khiến xe chạy thêm 30 km, đến nút giao gần nhất mới thoát cao tốc để quay đầu trở lại.
"Rất nhiều ôtô chạy nhầm vào cao tốc giống như tôi", anh Hưng nói.
Cảnh sát giao thông tại hiện trường phải liên tục điều tiết các phương tiện. Đến 8h30, tình trạng ùn ứ cục bộ vẫn còn. Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Tiền Giang lý giải do ngày đầu chưa quen đường, cộng với một số biển báo chỉ dẫn chưa rõ ràng khiến một tài xế bỡ ngỡ, không rõ đường.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Tiền Giang, các biển báo cắm trước khi vào cao tốc chưa hướng dẫn rõ xe chạy thẳng sẽ vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, còn đi vòng lên cầu vượt ra vòng xoay Thân Cửu Nghĩa về quốc lộ 1 đi miền Tây. Sau khi phát hiện, cơ quan chức năng khắc phục các biển chỉ dẫn.
Từ hôm nay đến ngày 10/2, ôtô được chạy trên cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giúp giảm tải cho quốc lộ 1 dịp cao điểm Tết, rút ngắn thời gian từ TP HCM tới Mỹ Thuận từ 3 tiếng còn 1 tiếng 45 phút. Xe quá khổ, quá tải, xe container từ 20 feet trở lên, xe đầu kéo rơ-moóc, xe chở vật liệu dễ cháy nổ, người đi bộ, môtô, xe thô sơ, xe máy không được vào cao tốc.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng. Tuyến rộng 16 m, gồm 4 làn xe, giai đoạn đầu không có làn khẩn cấp, thay vào đó mỗi chiều bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp. Giai đoạn mở rộng sau này, cao tốc sẽ nâng lên 6 làn, trong đó 2 làn dừng khẩn cấp hai bên.
Hoàng Nam