Tuyến đường rộng 16 m, gồm 4 làn xe, mỗi chiều được bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp (không có làn khẩn cấp), mỗi điểm cách nhau 4-5 km, suốt tuyết có 39 cầu trên tuyến và 14 cầu vượt. Đại diện chủ đầu tư lý giải việc cao tốc chưa có làn khẩn cấp do hạn chế về nguồn kinh phí. Giai đoạn mở rộng sau này, tuyến sẽ nâng lên 6 làn, trong đó 2 làn dừng khẩn cấp hai bên.
Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết sau lễ thông xe, từ ngày 25/1 đến 31/1 (23 đến 29 tháng Chạp), ôtô được chạy trên cao tốc theo chiều từ Trung Lương đi Mỹ Thuận và từ ngày 1/2 đến 15/2 (mùng 1-15 tháng Giêng) theo chiều ngược lại nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết.
Phát biểu tại lễ thông xe, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho hay cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ là nút thắt quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên trong nhiều năm dự án này chậm trễ kéo dài gây nhiều bức xúc, ảnh hưởng chi phí vận chuyển, ách tắc, tai nạn giao thông.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào sử dụng góp phần phát triển khu vực. "Sau khi công trình khánh thành, doanh nghiệp phải quản lý tốt công trình, đặc biệt là quyết toán, kiểm toán dự án theo quy định", Chủ tịch nước nói.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông tuyến hồi đầu tháng một năm ngoái sau 12 năm thi công, kết nối cao tốc TP HCM - Trung Lương tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang). Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng TP HCM với miền Tây.
Cao tốc đi miền Tây có tổng vốn hơn 14.000 tỷ đồng, ban đầu dự kiến hoàn thành năm 2013. Tuy nhiên, nhà đầu tư thiếu năng lực, công trình bị đình trệ. Sau nhiều lần thay đổi chủ đầu tư và cơ quan quản lý dự án từ Bộ Giao thông Vận tải về UBND Tiền Giang, vốn công trình được điều chỉnh còn hơn 12.000 tỷ đồng.
Hoàng Nam