Thứ năm, 28/11/2024
Thứ năm, 25/1/2024, 07:51 (GMT+7)

Cảnh đối lập trên công trường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Cùng một cao tốc, trong khi đoạn qua Bà Rịa – Vũng Tàu dần thành hình thì ở Đồng Nai triển khai chậm do địa phương mới giao hơn 10% mặt bằng.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn thuộc dự án thành phần 3 qua thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thành hình.

Khởi công giữa tháng 6/2023, tuyến cao tốc dài gần 54 km, quy mô 4-6 làn xe, tùy đoạn tuyến, với tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Trong đó, đoạn một dài 16 km do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư; đoạn hai dài 18,2 km do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư đoạn 3 dài 19,5 km.

Đoạn đầu dự án thành phần 3 ở Bà Rịa - Vùng Tàu giáp với Đồng Nai, nhà thầu đã đắp đất nền đường, rải cấp phối đá dăm.

Theo Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (chủ đầu tư) tổng diện tích thu hồi để thực hiện đoạn cao tốc qua Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 137 ha, gồm hơn 1.200 hộ dân. Đến nay việc giải phóng mặt bằng cơ bản xong, hơn 96% mặt bằng đã được bàn giao để nhà thầu thi công.

Hầm chui hai cửa qua đường Tập đoàn 7 Phước Bình trên tuyến nối Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai đang được thi công.

Nhiều xe tải liên tục ra vào đổ đất đắp nền trên tuyến.

Kỹ sư Dương Hồng Quân, chỉ huy trưởng công trường của Tập đoàn Sơn Hải cho biết liên danh ba nhà thầu huy động khoảng 300 nhân sự, cùng gần 100 xe cơ giới thi công 24/24h. "Đang là mùa khô thuận lợi cho việc thi công nên chúng tôi cố gắng đẩy nhanh để bù tiến độ vào mùa mưa", ông Quân nói.

Đến nay dự án thành phần ba hơn 10 km đã được đắp đất nền, rải cấp phối đá dăm hơn 4 km.

Đơn vị thi công tập kết vật liệu, phương tiện để thi công cầu suối Nhum (góc trái). Ngoài ra, trên tuyến có ba công trình cầu khác là cầu vượt Hội Bài - Châu Pha, cầu suối Đá, cầu vượt ngang cũng đã hoàn thành công tác chuẩn bị xây dựng.

Đoạn cuối dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nối vào vòng xoay quốc lộ 56, TP Bà Rịa đã được tạo mặt bằng, đắp đất.

Dự kiến dự án thành phần ba sẽ được hoàn thành vào tháng 9/2025. Nhà thầu bảo hành mặt đường trong 10 năm.

Trong khi cao tốc qua Bà Rịa - Vũng Tàu dần thành hình, hai dự án thành phần đi qua Đồng Nai tổng chiều dài 34 km đang được thi công cầm chừng do thiếu mặt bằng.

Để triển khai dự án, tỉnh quyết định thu hồi gần 400 ha của hơn 2.000 hộ dân ở TP Biên Hòa và huyện Long Thành. Tuy nhiên, hiện mới 13% tổng số mặt bằng được bàn giao. Tỉnh lý giải chậm giao mặt bằng do thiếu nhân lực ảnh hưởng tiến độ kiểm đếm, đơn giá bồi thường chưa được phê duyệt, khó khăn trong tái định cư...

Do thiếu mặt bằng, tại dự án thành phần 2, Ban quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận Tải) thi công cầm chừng, công nhân đang xây kết cấu cầu vượt bêtông sát nhà điều hành dự án.

Lác đác vài phương tiện cơ giới thi công ở khu vực xây cầu vượt ở xã Long Đức, huyện Long Thành. Bên cạnh là khu tái định cư Long Đức - khu dân cư được khởi công đầu tiên của tỉnh Đồng Nai.

Nhóm công nhân gắn trụ thép để đổ bêtông trụ cầu vượt. Những ngày gần Tết, không khí thi công tại đây không sôi động bằng phía Bà Rịa - Vũng Tàu.

Một vườn cao su, nơi cao tốc đi qua ở huyện Long Thành chưa được giải tỏa do đơn vị chủ quản chưa thanh lý. Dự kiến hết tháng 1 khu vực này sẽ được giải phóng, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.

Giải phóng mặt bằng chậm khiến chi phí đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng so với trước. Mới đây Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị tăng hơn 3.600 tỷ đồng đối với dự án, trong đó đoạn một tăng hơn 1.195 tỷ đồng, đoạn 2 tăng gần 1.490 tỷ đồng và đoạn 3 tăng hơn 989 tỷ đồng.

Hướng tuyến cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu. Đồ hoạ: Đăng Hiếu

Sau khi hoàn thành, ôtô từ TP HCM đi Vũng Tàu đều qua cao tốc, thời gian di chuyển rút ngắn từ 120 phút còn 70 phút.

Trường Hà - Phước Tuấn