Nội dung vừa được Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn kết luận sau cuộc họp tiến độ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với bộ ngành và UBND tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khởi công từ tháng 6 nhưng tiến độ trì trệ, nguy cơ không đáp ứng tiến độ hoàn thành cuối năm 2025 và khai thác năm 2026 theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.
Đến nay, tuyến đường đi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bàn giao 78% mặt bằng để nhà thầu thi công. Trong khi đó ở địa bàn Đồng Nai, công trình mới được bàn giao khoảng 6% mặt bằng ở dự án thành phần 2. Còn tại dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, diện tích đất thuộc tuyến chưa được kiểm kê, khảo sát và duyệt phương án bồi thường.
Việc chậm bàn giao mặt bằng như trên do các bên chưa thống nhất hỗ trợ thu hồi đất dự án hiện thuộc sự quản lý của Tổng công ty cao su Đồng Nai và dự án khu tái định cư Long Đức. Ngoài ra tiến độ xây khu tái định cư ở TP Biên Hòa và huyện Long Thành chậm, chính quyền không thể thu hồi đất và duyệt phương án bồi thường cho các hộ bị thu hồi đất trong năm 2023.
Trước đó phương án sử dụng 1.800 lô đất trong khu dân cư Lộc An - Bình Sơn (của dự án sân bay Long Thành) để bố trí tái định cư cho dự án được đưa ra nhưng chưa được chấp thuận. Ngoài ra một số khu vực đất an ninh - quốc phòng cũng chưa thể thu hồi do vướng điều chỉnh quy hoạch.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết chậm trễ khiến kinh phí phần giải phóng mặt bằng tăng so với tính toán, có thể phải điều chỉnh chủ trương dự án. Tuy nhiên, dự án thành phần 1 và thành phần 2 chưa đủ cơ sở xác định chi phí giải phóng mặt bằng để tính toán điều chỉnh.
Theo Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư Đồng Nai, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 đoạn qua địa bàn tỉnh dài 34 km, chia làm hai dự án thành phần (thành phần 1 và 2). Để thực hiện dự án, Đồng Nai phải thu hồi diện tích đất gần 290 ha của các tổ chức, cá nhân.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài 53,7 km, quy mô 4-6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Đồng Nai thực hiện hơn 34 km với tổng kinh phí 12.600 tỷ đồng, đoạn còn lại do Bà Rịa – Vũng Tàu triển khai với kinh phí gần 5.200 tỷ đồng.
Tuyến đường khi hoàn thành giảm ùn tắc cho quốc lộ 51, rút ngắn thời gian ôtô từ TP HCM đi Vũng Tàu còn hơn 70 phút thay vì 120 phút như trước.
Phước Tuấn