Cao Ngọc Hà (hay "Há Cảo", như tên bạn bè đặt cho anh) là gương mặt nổi bật của cộng đồng chạy bộ Việt Nam. Chàng trai xuất thân từ Đại học Ngoại thương Hà Nội, làm logistic trong một bộ phận kinh doanh có vẻ ngoài không quá cao lớn, nhưng nụ cười thân thiện và cởi mở. Và nếu không phải người trong giới, ít ai biết Cao Ngọc Hà là VĐV bán chuyên nổi tiếng, từng đứng vị trí cao nhất ở nhiều cuộc thi chạy bộ.
Ở các giải chạy Cao Hà tham gia, anh luôn giành thứ bậc cao với thành tích không kém quá xa những VĐV chuyên nghiệp. VĐV bị cận thị 4,5 độ này từng vô địch giải Song Hong Half Marathon, Vietnam Jungle Marathon 2017 - cự ly 70 km, LDR Half Marathon 2018 - cự ly 21 km, Á quân Vietnam Mountain Marathon - cự ly 100 km. Cao Hà đùa khi nhắc đến những gì anh đạt được: "Hầu hết giải ở Việt Nam mà tôi tham gia, tôi đều có giải, có thể nhất, nhì hoặc ba".
Cao Hà (phải) trong một lần lên bục podium nhận giải thưởng ở giải chạy tại Thái Lan. Ảnh: FBNV. |
Hành trình cạnh tranh Podium
Để có thành tích cao trong thi đấu là cả quá trình tích luỹ trong thời gian dài, với mọi VĐV. Với Cao Hà, quá trình cạnh tranh, tập luyện hình thành từ khi anh học trung học, tham gia đội điền kinh của trường, dù anh bắt đầu tập luyện từ cấp hai.
"Đó là một quá trình rất dài. Những người tranh podium - vị trí nhất, nhì, ba - đều có một cơ sở gì đó để phấn đấu, và có điểm chung là đều từng tập luyện từ bé. Có thể ngày còn nhỏ, họ không chạy mà làm quen với những môn thể thao khác như đá bóng, cầu lông... - những môn có vận động chạy", Cao Hà nói về việc anh cọ xát, cạnh tranh từ sớm.
Đến khi đi học đại học, đi làm, Cao Hà bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới sức khoẻ và tìm lại thói quen rèn luyện thể thao. Anh tập một thời gian và nhận ra bản thân có tố chất, lúc đó mới bắt đầu nghĩ tới việc cần thử sức ở những giải đấu.
"Suốt năm năm đại học - 2000 đến 2005, rồi sau khi ra trường, tôi có tập thể thao nhưng không đều đặn, chủ yếu là bơi hoặc chạy. Đó là những môn có phần nhàm chán, và do không có đồng đội, nên tôi cứ tập được một vài tháng lại nghỉ. Mãi đến năm 2013, tôi mới gặp CLB Red River Runners, với các thành viên chạy trong khu Ciputra, nên tập cùng họ vài buổi. Sau đó, trên facebook, bắt đầu xuất hiện các nhóm chạy, đầu tiên là SRC, sau đó là LDR... Giải đầu tiên tôi chạy là một giải ở công viên Thống Nhất. Đó là giải truyền thống của những người tập thể thao trong công viên, ngày 10/10 họ tổ chức chạy vòng quanh Hồ Tây. Tôi cũng ra chạy thử và lần đầu tiên về nhất cự ly 12km. Lúc đó, tôi chợt nhận ra mình cũng khoẻ so với những người khác", Cao Hà kể về cơ duyên đến với những cuộc thi chạy.
Từ nền tảng ấy, Cao Hà thử tập luyện để chạy dài hơn. Giải thứ hai anh tham gia là do nhóm Red River Runners tổ chức vào năm 2013, với cự ly dài nhất là 21km. Trước khi vào giải, tân binh của làng chạy dành thời gian để tìm hiểu kỹ về Hugo, người về nhất ở giải này hai năm trước. Và trên đường chạy, Cao Hà cạnh tranh quyết liệt với Hugo, rồi bứt hẳn lên khi cách đích khoảng hơn một kilomet. VĐV sinh năm 1982 khi đó nhận ra khả năng của bản thân và đặt mục tiêu cao hơn ở những giải sau đó.
Cao Hà (số bib B1010) là niềm cảm hứng cho nhiều VĐV nghiệp dư tìm đến tập luyện và thi chạy bộ. Ảnh: SVCLB. |
"Giải thứ ba tôi chạy diễn ra ở Texas, Mỹ, khi tôi sang đó công tác. Giải đó có tên 'Too Hot To Handle' vì nóng quá. Vào tháng Năm ở Texas, nhiệt độ trung bình ở tầm trên dưới 30 độ. Tôi đăng ký cự ly dài nhất - 14km. Tôi về thứ năm, nhưng biết rõ VĐV ở đấy rất mạnh, tôi về sau người thứ nhất khoảng bảy phút", quán quân Vietnam Jungle Marathon chia sẻ.
Cũng trong thời gian công tác ở Mỹ, Cao Hà thử sức với giải chạy kéo dài 24 giờ, nhưng không hoàn thành vì bị chấn thương IT Bands ở đầu gối. Thời đó, do chưa quen, anh dính nhiều chấn thương sau khoảng bốn đến năm tháng tập chạy. Cao Hà dần chuyển sang bơi bổ trợ. Anh không chạy lại cho tới khi về Việt Nam. Giải đầu tiên anh dự sau khi về nước là Vietnam Mountain Marathon (VMM) 2016. Lần đó, anh tranh tài ở cự ly 100 km và về nhì.
Đánh giá đối thủ
Bên cạnh việc tích lũy sức bền, tập luyện và nỗ lực trên đường chạy, theo Cao Hà, nghiên cứu đối thủ để đưa ra các tính toán, chiến thuật cho bản thân là nguyên tắc mà mọi VĐV tranh chấp podium phải nằm lòng.
"Tại giải Hanoi Half Marathon 2017, nếu ghi danh ở cự ly 21 km, tôi rất khó tranh giải, bởi bạn về nhất với thành tích 1 giờ 16 phút - thông số có tính cạnh tranh rất cao. Bạn về nhì cũng cán đích ở mốc 1 giờ 18 phút. Do các VĐV mạnh tập trung vào cự ly 21 km, nên khi tôi chọn cự ly 10 km, chỉ có hai đối thủ đáng kể là Hugo và Nông Chuyền, cơ hội vì thế cũng lớn hơn. Một lý do nữa khiến tôi chọn cự ly 10 km lần ấy là để không mất quá nhiều sức lực trước khi dự giải Hongkong 100 km. Sau mỗi lần bung hết sức ở một giải chạy, tôi cần khoảng năm đến sáu ngày nghỉ ngơi, để cơ thể hồi phục", anh chia sẻ.
Theo Cao Hà, những người có thể cạnh tranh podium với anh hiện nay chỉ còn Hùng Hải (đường road) và Quang Trần (trail). Đây đều là những đối thủ có thể điểm danh được và anh biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của họ. Bên cạnh đó, Cao Hà cũng hiểu anh không thể đấu trực tiếp với các VĐV chuyên nghiệp, vì khoảng cách giữa anh và họ là không hề nhỏ. Hiện tại, thành tích 42km tốt nhất của Hùng Hải là 2 giờ 43 phút, còn các VĐV chuyên nghiệp của Việt Nam thì chạy cự ly này chỉ hết khoảng 2 giờ 34 phút. Thành tích cao nhất của Cao Hà ở cự ly Full Marathon là 2 giờ 50 phút tại Longbien Marathon 2018.
"Tôi có giải thưởng không nhất thì cũng nhì ba ở hầu hết các giải chạy tại Việt Nam. Khó khăn nhất với tôi chỉ đến ở các giải triathlon - ba môn phối hợp: bơi, đạp, chạy. Thành tích triathlon của tôi ở quanh top 50. Đối thủ nhanh hơn mình còn rất nhiều, nên mục đích của tôi chỉ là vượt người bên cạnh", Cao Hà rất thực tế về khả năng của bản thân khi tìm kiếm thử thách mới với triathlon.
Từ niềm đam mê chạy bộ, Cao Hà tìm đến triathlon, để tìm kiếm những thách thức trải nghiệm mới, đồng thời bổ trợ cho chính anh trên đường chạy. Ảnh: boidapchay. |
Cuộc sống của vận động viên podium
Theo Cao Hà, các VĐV tranh podium hiện tại chưa thể sống bằng tiền thưởng và các quyền lợi từ việc chạy giải. Chuyện đó có thể chỉ đến trong khoảng năm hoặc bảy năm nữa. Hiện tại, các VĐV có tiếng tăm trong giới (elite) dần dần có thể được hỗ trợ tham gia giải chạy, dụng cụ, trang bị, dinh dưỡng..., nhưng ngần đó thì chưa thể đáp ứng nhu cầu tài chính cho sinh kế của một gia đình.
"Hơn một năm nay, phong trào chạy phát triển mạnh, nhưng chưa đủ mạnh đến mức các nhà sản xuất gel, vật dụng thể thao... sẵn sàng tài trợ tài chính cho một VĐV nào đó, như ở nhiều quốc gia khác phát triển về môn chạy bộ. Hiện tại, các hãng kết hợp cùng các ban tổ chức giải chạy sẽ tạo hiệu quả lớn hơn là nhắm vào một số vận động viên nhất định. Bản thân tôi cũng chỉ xem chạy bộ như một đam mê, hơn là nghề kiếm sống", Cao Hà tâm sự.
VnExpress Marathon (VM) là giải chạy thường niên. Giải năm nay - VM 2019 - do báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Uỷ ban Nhân dân và Sở Văn hoá, Thể thao & Du Lịch tỉnh Bình Định tổ chức tại Quy Nhơn vào ngày 9/6. Ban tổ chức đặt mục tiêu thu hút 5000 người chạy, ở bốn cự ly: 5km, 10km, bán marathon (21km) và full marathon (42km). Đối tượng tham dự là người yêu chạy bộ ở mọi lứa tuổi, các VĐV chuyên nghiệp, bán chuyên, nghiệp dư trong nước và quốc tế. Bên cạnh các hoạt động thể thao, khám phá đường chạy và quay xổ số may mắn, VM 2019 là dịp để người chạy tham gia làm từ thiện. Với phương châm "mỗi bước chạy của bạn sẽ góp một viên gạch vào chương trình ánh sáng học đường, nhằm cải thiện điều kiện học tập của các em học sinh", ban tổ chức sẽ trích 10% từ tổng số tiền đăng ký dự giải của các VĐV, đóng góp vào Quỹ Hy vọng của báo VnExpress. VM 2019 mở cổng đăng ký từ 15/1/2019, tại địa chỉ https://vm.vnexpress.net/dang-ky-chay.
|
Anh Vũ