Thuỳ Oliver là biệt danh mà bạn bè đặt cho cô giáo chuyên luyện thi IELTS tại Hà Nội. Tên gọi ấy xuất phát từ việc cô có thân hình gầy nhẳng, cao 1m63 và gương mặt dài giống nhân vật nổi tiếng trong phim hoạt hình "Thủy thủ Popeye". Phương Thùy tâm sự, cô tập chạy suốt 10 năm qua, nhưng cân nặng chưa bao giờ thay đổi, luôn giữ ở mốc 43kg.
Phương Thùy có một thời gian dài tự ti về ngoại hình. Suốt bốn năm, từ 2004 tới 2008, khi tập chạy ở quanh hồ Thành Công, cô thường xuyên bị trêu chọc về ngoại hình, đến mức dần trở nên vô cảm ngay cả trước những câu nói có phần ác ý. Lựa chọn của cô là đeo tai nghe, thả hồn theo âm nhạc để phớt lờ những kẻ trêu chọc và tập trung vào đường chạy.
Dù vậy, hạn chế ngoại hình vẫn để lại cho Phương Thuỳ một kỷ niệm buồn. Cô quen một chàng trai trong những buổi tập luyện và được người đó hẹn đi chơi. Ngày đầu tiên đi chơi cùng nhau, chàng trai dẫn cô về nhà, để rồi sau đó không bao giờ xuất hiện nữa. Phương Thùy càng thêm tự ti khi cho rằng ngoại hình của cô là nguyên nhân của sự im lặng ấy.
Nhưng vượt lên trên mặc cảm, Phương Thùy vẫn say mê chạy bộ. Cô xem những lúc được sải bước trên đường chạy là thời gian dành riêng cho bản thân, được tự tin là chính mình. Hàng ngày, Thùy duy trì đều đặn thói quen chạy khoảng 30 phút, khi thì trên máy trong phòng tập, lúc thì ở ngoài đường.
"Tôi nghĩ ngần ấy thời gian là phù hợp, về cả vận động lẫn quỹ thời gian cho gia đình. Tôi không chạy nhiều tới mức tích lũy tới 200 hoặc 300 kilomet một tháng như các bạn trong nhóm chạy. Khi không tích luỹ được nhiều trong từng tháng thì tôi coi trọng và hướng đến sự đều đặn trong tập luyện", Phương Thùy chia sẻ về kinh nghiệm tập chạy.
Suốt 10 năm, cô không thể ngờ những tích lũy nhỏ như chú kiến tha mồi ấy đã đem đến cho bản thân không chỉ sức khỏe, mà cả thành tích trong các cuộc đua.
Năm 2016 là dấu mốc vừa đáng quên, vừa khó quên của Phương Thùy. Cô và chồng gặp trục trặc trong hôn nhân, tiến tới ly thân. Cô gái 43 kilogam không biết giải tỏa nỗi buồn vào đâu, ngoài việc xách giày xuống đường và chạy. Tới cuối năm 2016, dù tình cảm vợ chồng cải thiện hơn, Phương Thuỳ cũng chẳng dám hy vọng hai người có thể quay lại nồng thắm như thuở ban đầu.
Phương Thùy kể, cô quyết định tham gia một giải chạy ở Hạ Long cuối năm 2016, và lần đầu tiên có chồng đi cùng, chia sẻ. Cả hai dường như tìm lại sự đồng điệu. Kết quả cuộc thi vượt trên cả mong đợi, khi cô gái chưa từng tham gia giải chạy nào cán đích trong top 10 nữ. Đó là một dấu mốc giúp Nguyễn Phương Thùy nhìn lại, và tự tin hơn với những giá trị của bản thân.
Theo men chiến thắng, Thùy đăng ký tất cả giải chạy cô biết và luôn nằm trong nhóm có thành tích tốt nhất ở mỗi cuộc đua. Sự thay đổi của Thuỳ, ở cả nhận thức bên trong lần vẻ tự tin bên ngoài, khiến chồng cô có cái nhìn khác đi về vợ - vừa tự hào, vừa có một chút ngưỡng mộ. Với mỗi cột mốc trên bục chiến thắng, Phương Thùy và chồng lại tiến về gần nhau hơn. Tình cảm với gia đình chồng cũng được cải thiện đáng kể.
"Chạy bộ không phải nguyên nhân chúng tôi ly thân, càng không phải lý do quay về, nhưng đó là sợi dây vô tình gắn kết chúng tôi lại với nhau một lần nữa. Những bài báo viết về tôi giúp chồng có cái nhìn khác, chợt nhận ra 'À, hóa ra người phụ nữ sống cùng mình cũng đặc biệt'. Anh ấy cũng thấy tự hào về tôi, và bản thân tôi cũng suy nghĩ khác về mình", Thùy kể.
Một năm sau ngày hàn gắn, Nguyễn Phương Thùy lần đầu tiên truyền cảm hứng cho chồng cùng tập luyện thể thao và đăng ký chạy giải cùng cô. Tại giải chạy Long Biên 2017, Phương Thùy đăng ký cự ly Full Marathon (42 km), trong khi chồng cô lần đầu thử sức với Half Marathon (21 km). Cả hai hẹn nhau sẽ đợi ở vạch đích và chồng cô giữ lời. Anh về đích trước, nhưng ngồi chờ vợ để cùng cô nắm tay kết thúc chặng đua, cũng là kết thúc những hiểu nhầm, khó khăn đã qua.
Tại giải chạy Long Biên đó, chính Phương Thùy cũng bất ngờ với bản thân khi về đích sau 3 giờ 47 phút, nhanh hơn dự kiến của cô khoảng 13 phút. Thành tích này đưa cô vào top 3 chung cuộc. Với Phương Thùy, lần chạy Full Marathon đầu đời đạt thành tích trên cả mong đợi đem đến cho cô không chỉ niềm vui, mà cả niềm tin mãnh liệt vào bản thân.
"Sau tất cả, tôi nhận ra rằng ngoại hình gầy gò không phải thứ đáng xấu hổ, mà đó là lợi thế, giúp tôi trở thành đối thủ đáng gờm với các VĐV khác trong mỗi chặng đua", Thuỳ Oliver tâm sự.
Ba năm gần đây, phong trào chạy bộ nở rộ ở Việt Nam với hàng trăm nhóm chạy lớn, nhỏ. Từ các nhóm nhỏ, nhiều vận động viên tự đứng ra tổ chức giải chạy để tạo sân chơi cho cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho những người mới. Số người tham gia những giải chạy này tăng mạnh theo từng năm.
Như tại giải chạy marathon Long Biên, năm đầu tiên chỉ có 700 người tham gia, tới năm thứ hai con số tăng lên 1.700 người và năm nay, dự kiến có khoảng 3.000 VĐV không chuyên. Các cự ly phổ biến trong chạy bộ thường là 5km, 10km, 21km và 42 km. |
Anh Vũ