"Một sự thật không mấy dễ chịu là chúng ta đang đối mặt với giai đoạn cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc Mỹ - Trung", cựu thủ tướng Australia Kevin Rudd hôm qua chia sẻ tại hội thảo khoa học Biển Đông tại Học viện Ngoại giao.
Mỹ - Trung gần đây đối đầu ngày càng gay gắt trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại, Tân Cương, Covid-19, luật an ninh Hong Kong, Đài Loan và Biển Đông. Ông Rudd cho rằng có ba lý do đứng sau cuộc cạnh tranh, gồm sự trỗi dậy của Trung Quốc, những thay đổi trong chiến lược của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình và phản ứng mang tính chiến lược của Mỹ.
Theo cựu thủ tướng Australia, hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tuần này là "dấu hiệu cho thấy căng thẳng đã ngừng leo thang", nhưng nó không thể giải quyết hết những vấn đề tồn đọng trong mối quan hệ hai nước.
Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation ở Mỹ, nói rằng trong vấn đề Biển Đông, một trong những nguồn cơn gây căng thẳng Mỹ - Trung, Bắc Kinh đã có nhiều động thái, tuyên bố đáng lo ngại, như đơn phương đưa ra "đường chín đoạn" để đòi yêu sách chủ quyền trái luật pháp quốc tế, áp đặt luật hải cảnh, luật an toàn hàng hải, tiến hành các hoạt động bồi đắp, quân sự hóa đảo nhân tạo.
"Việc Trung Quốc đưa ra những yêu sách đó đã gây bất lợi và làm xấu hình ảnh của chính nước này", ông nói, thêm rằng chính điều này cũng làm đình trệ quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Grossman thêm rằng Trung Quốc tuyên bố duy trì trật tự dựa trên quy tắc, nhưng lại không tuân thủ phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016. Bắc Kinh cũng không tôn trọng những nước láng giềng, khi sử dụng lực lượng dân quân biển "để hăm dọa và chèn ép" trong khu vực. Chuyên gia này cho rằng chính những động thái đáng lo ngại trên của Trung Quốc đã dẫn tới phản ứng của Mỹ.
Mỹ gần đây tăng cường triển khai tàu chiến, trinh sát cơ, oanh tạc cơ hoạt động trên Biển Đông và tiến hành các cuộc diễn tập chung tại khu vực với lực lượng đồng minh, đối tác. Hải quân Mỹ đã triển khai 9 lượt tàu sân bay tới Biển Đông trong năm nay.
Ding Duo, nhà nghiên cứu tại Viện Quốc gia Nam Hải và là phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật và Chính sách Đại dương ở Trung Quốc, thì cho rằng chính những động thái của Mỹ, trong đó có thỏa thuận an ninh AUKUS với Anh và Australia, gây lo ngại cho khu vực.
"Các nước trong khu vực cần hợp tác giải quyết, chứ không phải mời lực lượng nước ngoài can dự", ông Ding Duo nói.
Các chuyên gia khác tại hội thảo khuyến nghị ASEAN cần tăng cường hợp tác, đoàn kết và kiên cường để tiếp tục duy trì vai trò trung tâm của mình, giữa lúc cạnh tranh Mỹ - Trung và tình hình an ninh khu vực phức tạp.
Tuy Mỹ - Trung tiếp tục đối đầu căng thẳng, các chuyên gia, học giả tại hội thảo đều đồng thuận rằng kịch bản "Chiến tranh Lạnh mới" giữa hai cường quốc khó có thể xảy ra.
"Tôi không cho rằng chúng ta đang thấy nguy cơ Chiến tranh Lạnh mới nhen nhóm", Zack Cooper, thành viên cấp cao của Viện Doanh nghiệp Mỹ, chia sẻ. "Cạnh tranh Mỹ - Trung hiện tại hoàn toàn khác tình hình Mỹ - Liên Xô trước đây".
Bình luận bên lề hội thảo, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an, cũng nhận định nguy cơ Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc không có khả năng xảy ra "ít nhất trong 10 năm tới".
"Mỹ không có khả năng bước vào cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa lúc đất nước chồng chất khó khăn, chính trị chia rẽ và quan hệ với các đồng minh chưa bao giờ lỏng lẻo như hiện nay", ông nói. "Lãnh đạo Trung Quốc cũng không mong muốn điều đó, bởi Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với một môi trường quốc tế đầy khó khăn nếu sa lầy vào Chiến tranh Lạnh mới".
Thanh Tâm