"Tình hình Biển Đông gần đây có những diễn biến phức tạp, với nhiều hoạt động trên mặt biển, dưới đáy biển, trên không và thậm chí trong không gian vũ trụ theo hướng quân sự hóa", Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, nói với VnExpress hôm nay.
"Điều này khiến tình hình Biển Đông trở nên khó đoán, gia tăng nguy cơ đụng độ ngoài ý muốn, đặt ra nhiều lo ngại đối với các nước trong khu vực", ông nói thêm.
Trung Quốc hồi tháng 8 thông qua luật hải cảnh mới, cho phép nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài. Nước này cũng áp dụng luật an toàn hàng hải sửa đổi, yêu cầu tàu thuyền nước ngoài phải khai báo khi đi vào khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là "lãnh hải". Giới quan sát quốc tế cho rằng những hành động này của Trung Quốc đều tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực, thậm chí có thể gây ra xung đột do tính toán sai lầm.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 17/10 do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) công bố cho thấy gần 150 tàu nghi thuộc dân quân biển Trung Quốc đã bắt đầu tập trung tại bãi Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn của Việt Nam, sau nhiều tháng tản ra xung quanh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao trong cuộc họp báo hôm 4/11 yêu cầu Trung Quốc rút tàu cá khỏi khu vực lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tôn trọng chủ quyền Việt Nam.
"Trong bối cảnh Trung Quốc và các nước ASEAN đang nối lại đàm phán bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), nhiều nhà quan sát, học giả khu vực bày tỏ quan ngại về các bộ luật mà Bắc Kinh mới ban hành, hay việc nhiều tàu Trung Quốc neo đậu dài ngày với số lượng lớn ở một số khu vực trên Biển Đông mà không rõ mục đích", ông Sơn chia sẻ.
Từ đầu năm đến nay, Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng gia tăng hiện diện trên Biển Đông, với nhiều hoạt động tự do hàng hải hay diễn tập đa phương. Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), tổ chức có trụ sở tại Bắc Kinh, ngày 3/11 cho biết quân đội Mỹ thực hiện 52 chuyến bay trinh sát trên Biển Đông trong tháng 10, trong khi các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đi vào Biển Đông 9 lần trong năm nay.
Tiến sĩ Sơn nhận định sự gia tăng hiện diện của các nước ở Biển Đông cho thấy vai trò quan trọng của vùng biển này. "Cộng đồng thế giới gần đây tiếp tục duy trì quan tâm cao với Biển Đông. Rất nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực đều có mong muốn được đóng góp, thúc đẩy hợp tác để bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định của vùng biển này", ông nói.
Tiến sĩ Sơn cho hay đây chính là chỉ dấu cho thấy Biển Đông không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á hay châu Á - Thái Bình Dương, mà còn có ý nghĩa với tình hình chung trên thế giới.
"Biển Đông là một tuyến hàng hải huyết mạch với thế giới, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chịu nhiều tác động của đại dịch với sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng", ông giải thích. "Sự liền mạch của tuyến giao thông hàng hải Biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Đó là lý do nhiều nước quan tâm tới Biển Đông".
Tuy nhiên, Tiến sĩ Sơn thêm rằng sự gia tăng quan tâm của nhiều nước với Biển Đông cũng mang đến những thách thức nhất định và có thể trở thành nhân tố gây mất ổn định, nếu không được kiểm soát tốt.
Theo ông, một trong những thách thức đó là biến mối quan tâm ngày càng tăng của các nước với Biển Đông thành hoạt động hợp tác cùng có lợi, đồng thời duy trì ứng xử phù hợp với chuẩn mực chung và luật pháp quốc tế, không gây ra những nghi kỵ hoặc đối đầu, nhất là khi thế giới chứng kiến nhiều cạnh tranh giữa các nước lớn.
Ngoài ra, củng cố và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN như một nhân tố đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác đa phương ở khu vực cũng là một vấn đề quan trọng khi đề cập tới sự tham gia của các nước ở Biển Đông.
Biển Đông là chủ đề xuất hiện ngày càng nhiều trên các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, từ Liên Hợp Quốc, hội nghị G20, G7 hay các sự kiện của ASEAN. Hội thảo Khoa học Biển Đông thường niên lần thứ 13, diễn ra trong hai ngày 18-19/11 tại Học viện Ngoại giao, sẽ là nơi nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới thảo luận về vấn đề này.
"Qua những chia sẻ của các học giả, chuyên gia hàng đầu thế giới tại hội thảo này, chúng ta sẽ có những cái nhìn rõ hơn về tình hình, xu hướng ở Biển Đông và khu vực trong thời gian tới", ông Sơn nói.
Thanh Tâm