Đây là một hoàn cảnh trong video mang tên "Suy thận mạn tính - sống cạnh cái chết", do nhóm bạn trẻ tình nguyện trong chương trình xã hội “15 giây chia sẻ yêu thương” thực hiện, nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay tặng 300 suất chạy thận nhân tạo cho những bệnh nhân nghèo bị suy thận mạn tính.
Xem video
Đoạn phim phản ánh chân thực cuộc sống của những bệnh nhân đang điều trị suy thận tại Bệnh viện quận Thủ Đức TP HCM. Điển hình là bà Hà Thị Mơ (51 tuổi, làm nghề tạp vụ). Người phụ nữ này từ nhỏ mồ côi cha mẹ, sau này chồng cũng mất sớm, bà lại một mình rời quê Quảng Nam lặn lội vào Sài Gòn làm thuê nuôi hai con ăn học. Tần tảo gồng gánh bán bưng suốt 15 năm nơi đất khách quê người khiến sức khỏe ngày càng giảm sút, đặc biệt căn bệnh suy thận mạn tính khiến bà Mơ kiệt quệ giờ chỉ nằm một chỗ.
Không đủ tiền chi trả cho một ca ghép thận hàng trăm triệu đồng, bà Mơ đành chọn giải pháp chạy thận nhân tạo để kéo dài sự sống. Tuần 3 lần, người phụ nữ này lại có mặt tại Bệnh viện quận Thủ Đức để được rút máu ra, lọc qua máy rồi đưa ngược lại cơ thể. Nỗi đau mỗi lần lọc máu như thế khiến cơ thể trở nên rệu rã, song người mẹ ở tuổi ngũ tuần bảo nỗi đau lớn nhất đối với bà là phải ra đi sớm, bỏ lại các con mồ côi.
Nữ bệnh nhân thú thật vì thương con nên nhiều lần “trốn” chạy thận để tiết kiệm tiền gửi cho hai con đang đi học. “Thường ngày, tôi dọn dẹp vệ sinh thuê và lượm ve chai để kiếm tiền chạy thận. Những khi túng quẫn tôi muốn buông tay. Nhưng các con bảo sẽ làm tất cả để giành lại sự sống cho mẹ. Nhìn con như thế, tôi không đành lòng ra đi”, vừa nói, người phụ nữ gương mặt khắc khổ vừa đưa tay lên lau dòng lệ chảy tràn trên má.
Theo bác sĩ Trương Minh Tú, phó khoa Nội thận - lọc máu, Bệnh viện quận Thủ Đức, thận được coi là bộ máy lọc chất độc trong máu ra khỏi cơ thể. Một khi chức năng của cơ quan này suy giảm, độc tố sẽ tích tụ gây bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Với phần lớn người bệnh, suy thận mạn tính dường như là "bản án tử", bởi thời điểm phát hiện bệnh đã đến giai đoạn cuối. Bệnh này đặc biệt nguy hiểm bởi diễn tiến âm thầm, ở giai đoạn sớm không có triệu chứng, chỉ khi mất đến 90% chức năng thận (giai đoạn cuối), cơ thể mới bộc phát các dấu hiệu. Lúc này người bệnh chỉ còn 3 cách để tiếp tục sự sống là ghép thận (rất tốn kém và khó khăn), chạy thận hay còn gọi là lọc máu nhân tạo, lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc).
Cuộc sống của những bệnh nhân suy thận rất khắc nghiệt. Do cơ thể không thể tự bài tiết nên chế độ ăn uống phải được kiểm soát chặt chẽ. Đối với những người không đủ điều kiện ghép thận thì việc lọc máu nhân tạo là cứu cánh duy nhất để họ duy trì sự sống, song mặt khác cũng bào mòn sức khỏe của họ mỗi ngày.
Bệnh không có thuốc chữa nên những người này đành phải "sống chung với lũ", suốt đời gánh chịu nỗi đau bệnh tật và gánh nặng về kinh tế, tinh thần. Phần lớn đều có bảo hiểm y tế, nhưng chi phí phải trả thêm gần 4 triệu mỗi tháng (cho việc chạy thận và làm các xét nghiệm) trở thành gánh nặng quá sức đối với bệnh nhân. Có những cảnh đời nghèo túng phải đi lượm ve chai, dọn vệ sinh, bán vé số để có tiền chạy thận. Những khi túng, người thì xin “chạy thận thiếu”, có người “trốn” luôn, dù biết bệnh sẽ nặng hơn và nguy cơ cấp cứu rất cao.
Nhớ lại ngày đầu tiên phát hiện bệnh, anh Lê Văn Kế (32 tuổi, công nhân) bảo lúc ấy tay chân bủn rủn, mơ màng không tin đó là sự thật. Từ ngày anh lâm bệnh, người vợ phải một mình bươn chải đi làm nuôi hai con. Thoáng nhíu mày vì đau đớn, người đàn ông gương mặt thanh tú bảo hiện tại động lực lớn nhất để anh tiếp tục sống mà chống chọi với bệnh tật là hai đứa con ngoan ngoãn, học giỏi và yêu thương cha mẹ. Dù sức khoẻ yếu, hàng ngày anh vẫn cố gượng dậy đi làm thuê để phụ với vợ lo chi phí lọc máu.
Còn anh Nguyễn Văn Quân (42 tuổi) đã chạy thận 2 năm rưỡi kể, thời gian đầu chỉ thấy ù tai, hoa mắt, đến khi bị sốt, ói mửa mới đi khám thì bệnh đã trở nặng. "Bác sĩ bảo để chạy chữa chỉ có thể ghép thận hoặc chạy thận suốt đời. Người nào giàu thì ghép thận nhưng cũng chỉ xài được mười mấy năm. Tôi gia cảnh khó khăn chỉ còn cách chạy thận sống được ngày nào hay ngày đó thôi”.
Thi Ngoan
Video: Facebook.com/15giaychiaseyeuthuong