Không giống nhiều đôi yêu nhau hay giận dỗi, vợ chồng Chuộng - Tình chưa bao giờ giận nhau quá vài phút. Cả hai tâm niệm mọi xích mích dù to, nhỏ đều phải hòa giải nhanh chóng, để có nhiều thời gian tươi đẹp cho nhau.
Buổi sáng, vợ chồng chị Tình ăn uống đầy đủ rồi dọn quán bán hàng nước trước cổng Bệnh viện huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Hai người thay phiên rót nước, pha trà, bưng bê phục vụ khách. Lúc vắng, họ lại tíu tít như thời mới yêu. Gần trưa, chị bán hàng còn anh đi chợ, cơm nước. Chỉ nấu cơm rau, thịt luộc, nhưng anh Chuộng dồn tâm huyết vào mỗi món ăn, bày biện đẹp mắt để vợ ăn được nhiều.
Anh Chuộng nấu ăn ngon nên từ ngày lấy nhau anh vào bếp là chính. "Những người bị suy thận cần phải ăn uống đầy đủ, nhưng do cơ thể mệt, muốn cũng không nuốt nổi. Vợ tôi ăn ít lắm, mỗi bữa phải nấu ngon và động viên cô ấy mới ăn được một chút", anh giải thích.
Ăn xong bữa trưa, anh ra quán bán hàng, còn chị chợp mắt một lúc trước khi chạy xe gần 40 km lên Bệnh viện 198 (Trần Bình, Cầu Giấy) chạy thận. Ca chạy bắt đầu từ 15h đến 18h30, chị thường mang theo hộp cơm, chai nước, phòng đói lúc chạy thận xong.
Chị Tình sinh ra trong gia đình có 4 chị em, bố mẹ buôn bán nhỏ. Năm 13 tuổi, chị chợt béo lên, tóc rụng và chân phình to. Mẹ chị Tình rất lo lắng vì trong dòng họ đã có người mất với triệu chứng tương tự. Các bác sĩ phát hiện chị Tình bị viêm cầu thận, tháng nào cũng phải đi khám, uống thuốc. Năm 18 tuổi, Tình chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp với dự định theo đuổi ước mơ vẽ thì bị suy thận. Mỗi tuần, chị phải chạy thận 3 lần mới hy vọng kéo dài sự sống.
"Ngày đó tôi buồn lắm, suốt ngày vào viện rồi ở nhà, không phải làm gì. Các bạn thương tôi, buổi tối thường đến nói chuyện, rủ đi uống nước, nhưng tôi vẫn nghĩ về tương lai ảm đạm, về cái chết đang đến từng ngày", chị Tình chia sẻ. Cô gái nghĩ sẽ ở hết đời mình với bố mẹ, không yêu và không mơ mình được yêu...
Năm 18 tuổi, anh Trịnh Duy Chuộng cũng phát hiện bị suy thận. Trước đó, mỗi chiều đi đá bóng Chuộng chạy trên sân được cả trận, sau tự dưng sức khỏe yếu dần, anh cố chạy được chỉ nửa trận đấu phải xin ra. Người xanh xao, da sạm, môi thâm. Đi viện khám thì anh đã bị suy thận, cần phải lọc tuần 3 buổi.
Anh Chuộng là con cả trong gia đình 5 anh em, bố mẹ dựa vào mấy sào rau kiếm sống nên việc chạy chữa cho con rất vất vả. Ngoài thời gian chữa bệnh, anh Chuộng đi làm thợ xây, làm công nhân tái chế nhựa, chạy xe ôm. Được bố mẹ và các em yêu thương nhưng anh vẫn thui thủi đi làm, chữa bệnh. "Mỗi đêm đặt lưng xuống, tôi đều nghĩ không biết mình có tỉnh lại nữa không", anh bộc bạch.
Một buổi tối cuối năm 2008, các bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện Nông nghiệp 1 rủ anh Chuộng và chị Tình đi chơi. Anh ấn tượng với cô gái nói chuyện có duyên. Qua bạn bè, anh xin số chị làm quen song chị chỉ trả lời qua loa, không mặn mà. "Cô ấy nói Tôi và bạn không giống nhau, tôi nhắn tin lại Tôi giống bạn". Lúc đó, Tình mới biết tôi cùng bệnh như cô ấy, từ đó hai đứa nói chuyện thoải mái hơn", anh Chuộng cho hay.
Những lần đi chơi với người cùng cảnh ngộ đã gắn kết đôi trẻ. Tháng 8/2009, họ làm đám cưới. Biết hai bệnh nhân sống với nhau sẽ là gánh nặng nhưng đôi bên gia đình hết sức ủng hộ, mong cho các con sống hạnh phúc hơn. Bạn bè đa phần là những người chạy thận cũng đến chia vui với đôi trẻ.
Hai người lập gia đình đã 5 năm nhưng hàng tháng bố mẹ Tình vẫn giúp cô tiền thuốc thang chữa bệnh, gia đình anh Chuộng cũng góp vào giúp anh mua thuốc bổ. Hai vợ chồng tranh thủ những giờ không đi chữa bệnh bán hàng kiếm sống. Một thời gian dài hai người bán chăn ga rồi chồng chuyển sang làm thợ xây, vợ đi chợ. Khoảng 2 năm nay họ mở quán nước kiếm sống. Hai người phân chia lịch chạy thận, để có thời gian trông nom quán. Chị chạy thận vào thứ hai, tư sáu, còn thứ ba, năm, bảy là lịch chạy của anh.
Anh Chuộng chia sẻ, với những người bị suy thận, giữ huyết áp ổn định là quan trọng nhất. Nếu huyết áp cao quá dễ bị vỡ cầu thận, mỗi lần làm lại rất hại sức khỏe và tốn tiền. Trước đây, chị Tình hay phải cấp cứu vì huyết áp tăng cao. Bây giờ, chị không phải đi cấp cứu giữa đêm nữa vì anh có kinh nghiệm xử lý. "Những đêm chạy thận về, vợ bị đau nhức bứt rứt không ngủ được, tôi lại dìu cô ấy đi dạo, thức trắng đêm để xoa bóp, vỗ về cho cô ấy dễ chịu hơn", anh Chuộng nói.
Chị Tình luôn cảm thấy mình may mắn lấy được người chồng hiền. Bố mẹ chồng và các anh em họ hàng cũng hết sức giúp đỡ hai người. Những hôm chị chạy thận mệt, không về được thì các em chồng lại chạy xe lên bệnh viện đón. "So với nhiều bệnh nhân chạy thận, vợ chồng em thấy mình may mắn có nhau ngày đêm bầu bạn. Không biết sẽ sống được bao lâu nhưng còn được ngày nào là chúng em sẽ sống vui vẻ", chị tâm sự.
Theo điều dưỡng trưởng Trần Công Hoan, phòng Lọc máu, Bệnh viện 198, vợ chồng anh Chuộng chạy thận ở đây hơn 2 năm. Được bảo hiểm chi trả 95%, nhưng hai vợ chồng phải tốn nhiều tiền thuốc bổ trợ để tăng cường sức khỏe. Kinh tế khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo nhưng tất cả y bác sĩ và bệnh nhân chạy thận đều biết vợ chồng anh Chuộng rất yêu thương nhau. Có thời điểm, hai vợ chồng đi lọc máu cùng nhau, bác sĩ tạo điều kiện cho họ nằm cạnh giường, động viên nhau trong thời gian 3-5 tiếng chờ lọc máu.
Phan Dương