"Mô hình đầu tư bất động sản chia nhỏ với vốn từ 10.000 đồng thực ra không mới. Trước đây, nó đã xuất hiện nhưng chưa cho thấy thành công vì có quá nhiều rủi ro tiềm ẩn mà người mua chưa lường trước được. Người mua cũng khó có thể kiểm tra được giá trị thật, pháp lý của tài sản. Rồi đến khi cần bán lại cổ phần thì công ty có sẵn sàng mua lại với giá thị trường không? Hay phải đợi bán bất động sản hoặc có nhà đầu tư khác mua lại? Việc mua bán giữa các nhà đầu tư nhỏ lẻ thế nào? Và ai sẽ bảo vệ nhà đầu tư khi rủi ro xảy ra?".
Đó là lo lắng của độc giả Trungtuyen xung quanh mô hình đầu tư bất động sản chia nhỏ với vốn từ 10.000 đồng đang rộ lên thời gian gần đây. Một số mô hình đã hoạt động tương tự từ 4-5 năm trước như Moonka, Houze Invest... nhưng hầu hết đều chưa thành công dù được ra mắt rầm rộ. Những lời quảng cáo như "ai cũng có thể tham gia đầu tư với số vốn chỉ 10.000 đồng" hay "không cần lo lắng về việc cho thuê hay rao bán bất động sản" được tung ra khiến không ít nhà đầu tư hứng thú, nhưng cũng đặt ra nhiều dấu hỏi về rủi ro.
Cùng chung thắc mắc về hoạt động đầu tư này, bạn đọc Nvinhquang đặt dấu hỏi: "Rủi ro cho các nhà đầu tư là vô cùng lớn: Ai kiểm tra giấy tờ nhà đất, tình hình kinh doanh của bất động sản? Ai giám sát số lượng cổ phần phát hành? Căn nhà danh nghĩa chia 1.000 phần nhưng thực tế là 10.000 thì sao? Khi nào sẽ thực hiện bán bất động sản? Nếu có thiệt hại thì ai chịu? Ai quản lý bất động sản? Có mâu thuẫn lợi ích không? Tóm lại, mong các cơ quan quản lý có quy định chặt chẽ từ đầu để ngăn chặn rủi ro có thể xảy ra với các nhà đầu tư".
>> Vay mua chung cư 2,7 tỷ khi mới có 200 triệu đồng
Phân tích về bản chất của mô hình bất động sản chia nhỏ, độc giả Saigon cho rằng: "Tôi nghĩ đây là một dạng huy động vốn tài sản cố định không sinh lời qua việc phát hành cổ phần để có vốn lưu động ngay lập tức từ tài sản cố định. Tức là bình thường mua một căn nhà, một chủ, thì bây giờ một căn nhà nhưng được đồng sở hữu của nhiều chủ, tùy vào số lượng sở hữu cổ phần bao nhiêu trong căn nhà này. Giả sử 100 người góp đủ cổ phần tương đương giá trị căn nhà nhưng mỗi người sẽ có mức sở hữu khác nhau tùy theo số cổ phần đóng góp".
Cảnh báo những rủi ro với nhà đầu tư khi tham gia vào mô hình bất động sản chia nhỏ, bạn đọc Thai Anh Le nhấn mạnh: "Về thực chất phương diện pháp lý, công ty đứng ra bán mới chính là chủ sở hữu trên giấy tờ. Còn người mua chỉ có niềm tin vào con số trên màn hình mà thôi. Khi xảy ra tranh chấp sổ hồng hoặc giấy tờ nhà đất thì chỉ duy nhất chủ công ty đó nắm trong tay. Lúc đó, pháp luật khó mà can thiệp để phân xử đền bù cho cả trăm, cả ngàn người mua như thế. Nó hoàn toàn khác với hình thức công ty cổ phần là tên cổ đông được cập nhật vào sổ sách và được pháp luật công nhận".
- Lời gấp ba sau 5 năm về tỉnh mua đất vườn
- Đã hết thời 'cứ mua đất là lời'
- Tiền 'chôn' vào đất với ảo vọng đổi đời
- Buôn đất '5 người thắng, 95 người đổ nợ'
- Làm giàu bằng công thức '10% mua vàng, 90% gửi tiết kiệm'
- 10 tỷ nên mua nhà Hà Nội hay về tỉnh mua đất kiếm lời?