Trước giờ, chúng ta vẫn có suy nghĩ rằng bỏ tiền vào ngân hàng gửi tiết kiệm, hay chơi trái phiếu, chứng chỉ quỹ cũng đều chỉ có thể kiếm từ 7-8 % hằng năm. Năm nào lãi suất cao nhất có thể đạt 10%, nhưng những năm khó khăn hơn như năm nay thì lãi gửi tiết kiệm ngân hàng chỉ có 5.5 %, không đủ bù lạm phát.
Tôi thường nghe nhiều người than phiền về đồng tiền mất giá và vật giá leo thang. Theo tôi, việc này chỉ có ý nghĩa với những người có ít tiền hay bị mắc bẫy tiêu dùng. Có nghĩa là năm nay bạn tiêu mỗi tháng 10 triệu đồng, nhưng năm sau bạn tiêu đột biến lên 20 triệu đồng một tháng do phải cho con ăn học...
Tôi cũng nghĩ mãi về phong trào nghỉ hưu sớm FIRE ( Financial Independence, Retire Early). Những người theo phong trào này đều dốc sức kiếm tiền và tiết kiệm từ sớm. Mỗi năm, họ chỉ ước thu lại tầm 7-8 % trên tổng tiền tiết kiệm của mình để có thể đủ sống mà không phải đi làm. Phải chăng những người này không sợ lạm phát?
Tôi có suy nghĩ thế này, giả dụ lạm phát năm 2023 là 5 %, tức là nếu năm nay bạn tiêu 10 triệu đồng một tháng thì năm sau bạn sẽ phải tiêu 10,5 triệu đồng. Nhưng nếu bạn có rất nhiều tiền tiết kiệm (năm nay là 10 triệu đồng, năm sau là 15 triệu đồng), vậy thì lạm phát liệu có là vấn đề?
Tôi biết rất nhiều người hiện nay sợ trượt giá, có tiền liền đổ đi mua đất vì tư tưởng "chỉ có người đẻ chứ đất không sinh ra thêm". Nhưng so sánh như vậy có phải rất khập khiễng? Ví dụ bạn bỏ ra 2 tỷ đồng để mua đất vùng ven thành phố với mong ước là sau 5, 7, 10 năm sau bạn sẽ bán được nhưng liệu bạn có chắc mình sẽ bán được đất với giá đó?
>> 'Mất 300 triệu đồng vì không mua nhà sớm'
Thời điểm hiện tại, đất đai đã và đang trở lại giá trị thật của nó. Thời ông bà, bố mẹ ta là giai đoạn "sốt" đất, có vô số người nhờ sở hữu nhiều đất mà thành đại gia, giàu lên nhanh chóng, nhưng cũng có vô số người "đu đỉnh" để rồi mất trắng. Còn bây giờ thì sao? Giá nhà đất còn giảm sâu, trừ những mảnh đất hay nhà trung tâm thành phố do có mật độ dân số cao, còn lại đều rất khó để thanh khoản. Trong khi những vùng đất trung tâm thành phố này, nói thật dù bạn cố gắng cả đời cũng không có cửa để mua vì giá luôn trên trời.
Người khác nói "có tiền là phải mua đất" còn tôi có tiền thì suy nghĩ rất nhiều. Tôi nghĩ tới cảnh để vài tỷ đồng nằm chết ở đất trong cả chục năm với hy vọng sẽ có người đi ngang qua và "hốt" mảnh đất này giúp tôi với giá tăng 50 % so với khi tôi mua. Đó quả thật là một cuộc chơi quá dài.
Tôi nghĩ rằng, nếu bạn có tiền tỷ trong tay, dù bạn có bỏ ngân hàng cũng không phải sợ lạm phát vì lạm phát là phải so với mức tiêu dùng trên thu nhập của bạn. Nghĩ tới cảnh suốt mấy năm đó, bỏ toàn bộ vốn liến chôn vào đất đai với hy vọng ảo có thể trở thành đại gia, rồi suốt ngày lo "cày cuốc" trả nợ mua đất làm tôi thấy sợ.
Số tiền đó tôi thà vừa tiết kiệm, vừa đầu tư trái phiếu, cổ phiếu, rút tiền lời ra mỗi năm để nâng cao chất lượng cuộc sống còn hơn. Tôi có thể bỏ tiền ra đi du lịch, học thêm gì đó, hay tân trang lại nhà cửa... như vậy chẳng phải tốt hơn nhiều sao? Còn các bạn khi có tiền tỷ, liệu có dám chôn tiền vào đất vùng ven thành phố lâu năm, dài tháng với hy vọng đổi đời? Hay bạn sẽ vẫn đi làm và rút tiền tiết kiệm ra mỗi năm để trang trải sinh hoạt phí và nâng cao chất lượng cuộc sống?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.