Đối thoại Shangri-La 2023, diễn đàn an ninh hàng đầu khu vực, khai mạc ngày 2/4 tại Singapore với sự tham gia của hơn 600 đại diện từ 49 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 20 năm qua, diễn đàn đã thu hút nhiều quan tâm từ giới nghiên cứu và phân tích an ninh toàn cầu, do thường xuyên có quan chức quốc phòng và an ninh cấp cao từ các nước trong lẫn ngoài khu vực tham dự, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.
"Năm nay, mối quan tâm của diễn đàn sẽ xoay quanh quan hệ Mỹ - Trung. Đối thoại Shangri-La vẫn thường đón phái đoàn rầm rộ từ cả hai siêu cường, nhưng những tương tác giữa hai phái đoàn trong năm nay thậm chí sẽ được quan sát kỹ hơn nữa bởi mối quan hệ đã xấu đi từ lần tiếp xúc trước đó ở Singapore vào tháng 6/2022", James Crabtree, giám đốc châu Á của Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS), bình luận trên Straits Times.
Sự chú ý sẽ tập trung vào hai bài phát biểu nổi bật trong hai ngày cuối tuần. Đầu tiên là phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 3/6 về "vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Trong ngày họp cuối vào 4/6, tân Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc sẽ có bài phát biểu đầu tiên ở cương vị mới tại diễn đàn, tập trung vào "các sáng kiến an ninh mới của Trung Quốc" cho khu vực. Hai bài phát biểu dự kiến thể hiện hai tầm nhìn khác nhau giữa hai siêu cường trong tương lai.
"Trong năm qua, chính quyền Tổng thống Joe Biden tăng cường tiếp cận Đông Nam Á, nỗ lực thuyết phục đối tác khu vực cả về kinh tế chứ không đơn thuần bằng chiến lược quốc phòng. Trong khi đó, Trung Quốc cố gắng chứng minh rằng họ hấp dẫn hơn về mặt kinh tế, đồng thời cáo buộc Mỹ chỉ muốn gây bất ổn tại khu vực", Hunter Marston, chuyên gia về khu vực Đông Nam Á thuộc Trường Các vấn đề Thái Bình Dương Coral Bell tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), nói với VnExpress.
Ông cho rằng các nước trong khu vực trên thực tế cảm thấy chưa có bất kỳ bên nào, cả Mỹ lẫn Trung Quốc, đủ sức thuyết phục. Các nước vẫn chủ trương tránh mắc kẹt giữa cạnh tranh siêu cường, không chọn phe và tập trung vào phát triển nguồn lực.
Bối cảnh này khiến Đối thoại Shangri-La thêm đáng chú ý vì các nước sẽ nhìn nhận rõ hơn quan điểm, tầm nhìn khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực. Marston đánh giá các nước ASEAN vẫn kỳ vọng lắng nghe những thông điệp không quá nặng tính đối đầu giữa hai siêu cường.
"Điều đó có thể thúc đẩy Mỹ và Trung Quốc giảm nhiệt trong thông điệp tại Singapore, tăng hiệu quả thuyết phục bằng những nội dung trung tính", chuyên gia Marston nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung khó hạ nhiệt tại Shangri-La vì thái độ không nhượng bộ từ Bắc Kinh trước thềm sự kiện.
Lầu Năm Góc đầu tuần này thông báo phía Trung Quốc đã từ chối lời mời tham dự cuộc họp bộ trưởng quốc phòng song phương bên lề Đối thoại. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói đây là diễn biến đáng tiếc và Washington luôn xem trọng yếu tố đối thoại nước lớn trong kiểm soát khủng hoảng, ngăn rủi ro vượt tầm kiểm soát ngoài ý muốn.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng với tình trạng quan hệ song phương hiện nay, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Mỹ. Bắc Kinh cho rằng Washington thiếu chân thành trong nỗ lực củng cố đối thoại song phương, cáo buộc Mỹ không nhìn nhận "các mối quan ngại của Trung Quốc" và "làm xấu đi nghiêm trọng niềm tin giữa quân đội hai nước".
Trong đêm tiệc khai mạc Đối thoại Shangri-La, ông Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã bắt tay, trao đổi ngắn nhưng "không có nội dung đáng kể". Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho rằng những cái bắt tay, chào hỏi như vậy "không thể thay thế một cuộc gặp đúng nghĩa và trao đổi thực chất".
Tướng Pat Ryder, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, cho hay Washington vẫn mong muốn duy trì liên lạc với Bắc Kinh nhằm "kiểm soát một cách có trách nhiệm mối quan hệ song phương". Tuy nhiên, Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Căng thẳng Mỹ - Trung xấu đi do loạt biến cố trong hơn nửa năm qua, đặc biệt sau chuyến thăm Đài Loan hồi tháng 8/2022 của chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi.
Hai siêu cường từng ghi nhận tín hiệu lạc quan khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào tháng 11/2022. Nhưng sự kiện Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc hồi tháng 2 đã khiến đối thoại cấp cao giữa hai nước đóng băng trở lại.
Drew Thompson, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), lo ngại phái đoàn Trung Quốc đến Singapore lần này với mục tiêu chỉ trích Mỹ nhiều hơn là cải thiện đối thoại và ổn định mối quan hệ.
Lynn Kuok, chuyên viên cấp cao tại IISS, không mấy lạc quan về khả năng Mỹ - Trung cải thiện quan hệ trong tương lai gần. "Điều hai siêu cường cần làm lúc này là thiết lập vành đai an toàn để ngăn nguy cơ đối đầu leo thang mất kiểm soát thành xung đột", Kuok nhận định với Reuters.
Chuyên gia Marston cũng cho rằng Washington và Bắc Kinh vẫn ưu tiên kiểm soát rủi ro trong quá trình cạnh tranh chiến lược tại khu vực hơn là cải thiện quan hệ. Điều này được thể hiện qua cách các quan chức Mỹ gần đây liên tục phát đi thông điệp "giảm rủi ro" mỗi khi đề cập đến quan hệ với Trung Quốc.
Lầu Năm Góc cũng là phía gửi lời mời Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc gặp trực tiếp Bộ trưởng Austin bên lề Đối thoại Shangri-La. Trong vài tháng qua, một số cuộc tiếp xúc cấp cố vấn đã diễn ra giữa hai nước, tiêu biểu là cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị.
"Việc bộ trưởng quốc phòng Mỹ - Trung không ngồi lại với nhau không gây ra quá nhiều bất ngờ", Marston nói. "Tuy nhiên, những cuộc gặp ở cấp thấp hơn và đối thoại qua nhiều kênh khác có thể diễn ra trong và sau sự kiện. Quan hệ hai nước chưa rơi hoàn toàn vào vòng xoáy tiêu cực, bởi các bên vẫn cần gặp gỡ để tránh căng thẳng leo thang hơn nữa".
Thanh Danh