Trả lời:
Trước khi tiêm vaccine HPV, bạn không cần tiến hành xét nghiệm sàng lọc để tìm kiếm virus trước. Điều kiện tiêm vaccine gồm người trong độ tuổi 9-45, không dị ứng với thành phần của vaccine, không điều trị các bệnh cấp tính, phụ nữ không mang thai...
Xét nghiệm trước khi tiêm vaccine không được khuyến khích. Lý do, kết quả xét nghiệm HPV dương tính đôi khi không cho biết chính xác đã nhiễm chủng HPV nào. Mặt khác, xét nghiệm âm tính không đủ để chứng minh trước đây chưa nhiễm HPV.
HPV có thể lây nhiễm và tái nhiễm nhiều lần qua đường quan hệ tình dục, tiếp xúc da kề da, da kề niêm mạc hoặc một số đường lây gián tiếp khác. Miễn dịch tự nhiên sau khi nhiễm HPV thường không đủ mạnh để ngăn ngừa tái nhiễm. Vaccine sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ trên.
Tiêm vaccine là bước dự phòng cấp 1 trong ngăn chặn nguy cơ nhiễm các chủng HPV tiến triển ung thư cổ tử cung. Tầm soát và xét nghiệm sàng lọc định kỳ là bước dự phòng cấp 2.
Hiện các xét nghiệm thường quy tầm soát HPV và ung thư cổ tử cung cho phụ nữ từ 21 tuổi đã quan hệ tình dục gồm: phết tế bào cổ tử cung - Pap's (cổ điển hoặc nhúng dịch), xét nghiệm HPV, quan sát cổ tử cung bằng dung dịch axit acetic (áp dụng tại cơ sở y tế không có sẵn Pap's và HPV). Bạn có thể làm một trong các xét nghiệm trên để biết được tình trạng sức khỏe bản thân, cũng như phát hiện tế bào bất thường.
Nam và nữ giới từ 9-45 tuổi cần tiêm vaccine HPV càng sớm càng tốt, hiệu quả phòng bệnh hơn 90%. Bạn cần sớm chủng ngừa để phòng ung thư cùng nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục liên quan đến HPV. Sau khi tiêm phòng, bạn vẫn cần duy trì khám sức khỏe định kỳ và tầm soát theo khuyến cáo, sử dụng bao cao su và quan hệ tình dục an toàn.
Bác sĩ Phạm Hồng Thuyết
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.