Theo thông báo của địa phương thì bé và các bạn học sinh cấp tiểu học sẽ phải học online cho đến khi tình hình dịch bệnh không còn đe dọa.
Tôi không biết có bao nhiêu bé có cùng câu trả lời như con gái của tôi. Và điều này đã khuyến khích tôi tìm hiểu nhiều hơn về việc học online của các bé học sinh tiểu học. Tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả của ngành giáo dục trong thời gian dịch bệnh vừa qua.
Là phụ huynh, chúng tôi cũng rất mong các bé sớm được trở lại việc học, để có được niềm vui gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè, thầy cô trong những ngày giãn cách. Tuy nhiên, khi nghĩ đến hành trình học online của các bé, tôi không khỏi lo lắng về hiệu quả của việc học và về sức khỏe của các bé.
Đối với học sinh tiểu học, khả năng tiếp thu kiến thức qua "màn hình máy tính" không hiệu quả bằng việc trực tiếp nghe giảng ở lớp học. Qua trao đổi với một số phụ huynh cùng lớp thì đa số các bé đều không quen ngồi học trước màn hình máy tính nên không thể tập trung và khó tiếp thu bài học. Điều này càng khó khăn hơn nếu không muốn nói là bất khả thi đối với các bé từ lớp 3 trở xuống.
>> 'Phụ huynh, học sinh và cả giáo viên đều trăn trở học online'
Về phía phụ huynh học sinh, chúng ta không thể "đánh đồng" các gia đình đều như nhau. Một số gia đình có điều kiện kinh tế và có khả năng chủ động sắp xếp được công việc nên có thể hỗ trợ cho con. Nhưng cũng có không ít phụ huynh vì hoàn cảnh, điều kiện khó khăn, dù rất muốn cũng không thể nào hỗ trợ được. Và đôi khi, đối với những gia đình nghèo, phải sống trong những căn phòng trọ chật chội thì sự "mặc cảm" của phụ huynh và học sinh khi hình ảnh nơi ở được chiếu trên màn hình chung cũng là điều nên được nghĩ đến và quan tâm, bên cạnh sự thiếu thốn về phương tiện và dụng cụ học tập.
Theo tôi được biết, hiện tại đa số các trường công lập đều chưa có một ứng dụng học online đúng chuẩn phục vụ riêng cho việc dạy và học, đặc biệt là dạy các em nhỏ. Mà chỉ sử dụng tạm thời các phần mềm "làm việc/họp hành" trực tuyến, dành cho người lớn là chính nên hoàn toàn không tương thích với việc học tập dẫn đến hiệu quả tiếp thu không cao.
Ngoài ra, nhiều giáo viên lớn tuổi hoặc thậm chí trẻ tuổi nhưng chưa quen với công nghệ và các vấn đề kỹ thuật máy tính, họ đã quen với các phương thức học truyền thống nên việc tương tác với học sinh và điều khiển buổi học còn rất hạn chế.
Bên cạnh vấn đề hiệu quả học tập thì ảnh hưởng của việc học online kéo dài đối với sức khỏe của học sinh cấp tiểu học là điều cần phải được quan tâm hàng đầu. Việc học online với các thiết bị điện tử, mắt trẻ luôn phải tập trung vào màn hình, về lâu dài sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề sức khỏe học đường như nhức mắt, mệt mỏi, đau đầu... đặc biệt là bệnh cận thị và càng nghiêm trọng hơn đối với các bé đang bị cận thị. Và nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ học sinh bị bệnh học đường. Điều này là hết sức rõ ràng.
Viết đến đây, tôi bỗng tự hỏi, đã có lúc nào ngành giáo dục nghĩ đến "phương án B" khi tình hình dịch bệnh đã kéo dài hơn hai năm nay? Và phương án B mà tôi muốn nói đến là sự giảm tải chương trình để khi cần thiết có thể rút ngắn thời gian học kể cả online lẫn "offline" cho phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Phương án B còn là những báo cáo, tổng kết thực tiễn quá trình học online từ trước đến nay của Việt Nam và có tham khảo thế giới để xây dựng chương trình học, thời gian học và phần mềm ứng dụng phù hợp, hiệu quả. Có tập huấn xây dựng và phương pháp giảng dạy online đối với thầy cô giáo? Và quan trọng hơn hết đã có những nghiên cứu khoa học giúp chỉ ra những vấn đề sức khỏe gặp phải khi học online và biện pháp để hạn chế tối đa những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của các em hay không?
>> Cả lớp chỉ mình con tôi không học online
Việc học online còn phải phù hợp với tình trạng thể chất và sức khỏe của từng em. Với những học sinh có mức độ cận nặng trên 3,5 độ như con gái tôi thì việc học online thường xuyên sẽ như thế nào khi bác sĩ khuyến cáo bé phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các phương tiện điện tử. Nhưng đến hiện tại, theo quan sát của tôi, tất cả phương án B chỉ là một "vùng trống" mà thôi.
Trước thực tế đó, một số địa phương đã "dũng cảm" chủ trương không học online, như: Cần Thơ không tổ chức học trực tuyến với học sinh lớp 1, Thừa Thiên Huế không tổ chức học trực tuyến với học sinh lớp 1, 2, 6; Bình Định và Hà Tĩnh không tổ chức học online với toàn bộ học sinh cấp tiểu học".
Việc giao quyền cho các địa phương trong một số công tác là cần thiết nhưng việc tổ chức năm học mới trong tình hình dịch bệnh lan rộng trong cả nước đòi hỏi sự tập trung, thống nhất, tránh mỗi nơi một kiểu, thiếu đồng bộ và gây hoang mang, tâm tư cho phụ huynh học sinh các địa phương.
Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, việc học online là không thể khác được thì tôi mong rằng ngành giáo dục sớm có những giải pháp cụ thể, toàn diện và khoa học để việc học online không phải rơi vào tình cảnh "tác dụng chính (hiệu quả) thì ít mà tác dụng phụ (bệnh học đường) thì nhiều".
Đặng Thành Trí
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.