Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho năm nay, với mức tăng 1,5-2%. Tình trạng hạn chế, dừng nhận hồ sơ cho vay, dừng giải ngân thời gian qua khiến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng, đầu tư của khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng... Nhiều chuyên gia cho rằng, việc nới room tín dụng để tạo dư địa cho các nhà băng mở rộng việc cho vay là một giải pháp hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc này.
Cá nhân tôi rất đồng tình với quyết định nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Thực tế, nhiều người luôn có cái nhìn thiếu thiện cảm với thị trường bất động sản. Không ít người ủng hộ việc siết room tín dụng ngân hàng để hạn chế các hoạt động mua bán bất động sản. Tuy nhiên, họ không biết rằng, việc siết tín dụng, tăng lãi suất cho vay không những không làm tăng cơ hội để người dân mua được nhà mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho nền kinh tế khi các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc thị trường bất động sản "đóng băng" không hẳn là một điều tốt vì nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới bản thân những người chưa có nhà nhiều nhất, cụ thể là:
Thứ nhất, khi siết tín dụng, lãi suất cho vay sẽ tăng mạnh, vô tình đẩy lạm phát tăng theo. Số tiền ngân hàng cho vay giảm xuống, chi phí cuộc sống sẽ bị tăng lên theo hướng ngược lại. Do đó, mặc dù bên ngoài, giá bất động sản có thể giảm xuống đôi chút nhưng cơ hội mua nhà dành cho số đông người dân có thu nhập trung bình lại càng ít hơn, do khả năng vay ngân hàng để mua cũng sẽ giảm mạnh.
Thứ hai, những người đầu cơ nhà đất với vốn tự có chắc chắn sẽ chẳng chịu ảnh hưởng gì khi siết tín dụng. Họ có thể không bán mà ngồi chờ chu kỳ tăng giá trở lại mới xả hàng. Trong khi đó, với những người vay ngân hàng để đầu cơ đất, họ sẽ không thể kham nổi lãi suất cao nên buộc phải bán ra.
Nhưng ai sẽ là người mua vào? Đó là những người đang có sẵn tiền, mua với giá tốt để đầu cơ sau này (vì người thu nhập trung bình muốn mua nhà để ở đâu có sẵn tiền, đủ vốn để mua, muốn vay cũng khó vì lãi cao). Vậy là nhà đất chỉ chuyển từ tay người đầu cơ này sang người đầu cơ khác chứ không hề đến được tay người có nhu cầu nhà ở thực sự.
Thứ ba, chi phí thuê nhà khi thị trường bất động sản "đóng băng" chắc chắn sẽ tăng do lượng bất động sản xây dựng mới không có, số nhà đầu tư giảm, số lượng bất động sản để cho thuê cũng sẽ giảm dẫn đến thiếu nhà cho thuê. Vậy là gánh nặng chi phí nhà ở của người dân sẽ ngày càng thêm khó chứ chẳng hề được giảm bớt.
Mặt khác, bất động sản không chỉ đơn thuần là việc chia lô bán nền, mà còn liên quan đến nhiều khía cạnh khác trong đời sống như: mở đường, trường, trạm, cơ sở hạ tầng của các khu dân cư mới, khu công nghiệp mới, khu dịch vụ, thương mại mới... Đi kèm với việc phát triển là việc mở ra nhiều công ăn việc làm cho người dân. Do đó, mong rằng mọi người có cái nhìn đa chiều hơn về câu chuyện thị trường bất động, để từ đó có giải pháp đúng đắn và phù hợp thay vì chăm chăm đòi đóng băng thị trường.
Luis
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.