"Tôi không quan tâm các biện pháp trừng phạt, vì tôi không có tiền trong các ngân hàng nước ngoài. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ là vô giá trị với tôi. Tôi còn muốn cảm ơn Mỹ vì ngăn người Campuchia gửi tiền ở ngân hàng Mỹ. Giờ đây người dân sẽ giữ tiền ở Campuchia, điều này sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế chúng tôi", Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết hôm 9/12, đề cập các lệnh trừng phạt mới từ Mỹ.
Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phy Siphan cùng ngày cho biết Mỹ đã đưa ra quyết định sai lầm và không hợp lý khi áp trừng phạt bổ sung và không bán thiết bị quân sự cho Campuchia với lý do "nhân quyền, tham nhũng hay ảnh hưởng của Trung Quốc" tại nước này.
Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia Kin Phea cáo buộc lệnh trừng phạt của Mỹ là cái cớ cho cuộc cạnh tranh quyền lực giữa nước này với Trung Quốc.
Phea nói thêm Campuchia đã quen với lệnh trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh, song các lệnh trừng phạt lần này đã thực sự ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao Campuchia - Mỹ. Ông cũng khẳng định quan hệ Campuchia - Trung Quốc chỉ là hai quốc gia có quan hệ thân thiết và cùng góp phần vào sự phát triển của nhau trong nhiều lĩnh vực.
"Quan hệ Campuchia - Trung Quốc dựa trên các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau đối với sự phát triển, chủ quyền và lợi ích chung của đôi bên. Vì vậy, nói Trung Quốc đang gây ảnh hưởng đến Campuchia là không đúng", ông Phea nhấn mạnh.
Phát ngôn viên Ủy ban Nhân quyền Campuchia Chin Malin khẳng định sử dụng cáo buộc về nhân quyền hay dân chủ để áp trừng phạt với nước này là vô nghĩa, vì Campuchia luôn nỗ lực thúc đẩy nhân quyền cùng dân chủ.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8/12 thêm Campuchia vào danh sách các quốc gia cấm xuất khẩu vũ khí. Bộ Thương mại Mỹ cũng ban hành hạn chế xuất khẩu mới đối với Campuchia, hạn chế nước này tiếp cận các mặt hàng lưỡng dụng có thể sử dụng trong dân sự và quân sự, cùng các mặt hàng quân sự và dịch vụ quốc phòng ít nhạy cảm.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo kêu gọi Campuchia "giải quyết vấn đề tham nhũng, vi phạm nhân quyền, đồng thời hành động để giảm ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc ở Campuchia, vốn đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu".
Campuchia năm ngoái thông báo họ đã phá dỡ một cơ sở do Mỹ tài trợ tại căn cứ hải quân Ream, sau đó thông báo Trung Quốc hỗ trợ hiện đại hóa và mở rộng căn cứ này. Mỹ hồi tháng 10 cáo buộc Campuchia "thiếu minh bạch" về hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Ream và nhiều lần bày tỏ lo ngại về hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc tại đây.
Bộ Quốc phòng Campuchia kêu gọi phía Mỹ "ngừng tạo ra các tình huống mới gây tiêu cực, yêu cầu Mỹ tôn trọng chủ quyền và bí mật quân sự của Campuchia".
Ngọc Ánh (Theo Khmer Times)