Đại tướng Tea Banh, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia cùng Đại sứ Trung Quốc Vương Văn Thiên và các quan chức khác ngày 8/6 tham gia lễ động thổ dự án hiện đại hóa căn cứ hải quân Ream. Căn cứ này dự kiến có một ụ nổi để sửa chữa tàu, cầu cảng mở rộng, bệnh viện, nhà xưởng và một tòa nhà tiếp khách.
Giới chức Campuchia cho biết hoạt động nạo vét được triển khai tại quân cảng Ream để cho phép tàu lớn hơn sử dụng cơ sở. Tướng Tea Banh nói với các khách mời, trong đó có tùy viên quân sự Mỹ, rằng căn cứ hải quân Ream sau khi nâng cấp sẽ tiếp nhận được các tàu có lượng giãn nước lên đến 5.000 tấn, so với khả năng hiện tại là tàu 1.000 tấn. Tuy nhiên, với mức này, cảng cũng chỉ tiếp nhận được những tàu hải quân bé nhất.
"Xin đừng quá lo lắng về căn cứ Ream", tướng Tea Banh nói. "Cảng này quá nhỏ và thậm chí sau khi nâng cấp, nó không thể trở thành cơ sở có thể đe dọa bất cứ quốc gia nào".
Tướng Tea Banh cho biết ông đã mời đại diện của Mỹ và các quốc gia khác tới căn cứ hải quân Ream để họ tự thấy không có gì ở đây. Tuy nhiên, ông cho biết sau khi tiến trình xây dựng hoàn tất, căn cứ Ream sẽ trở thành khu vực quân sự hạn chế, không cho phép nước ngoài tiếp cận.
Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia sau đó nhắc lại lo ngại rằng hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Ream "có thể đe dọa quyền tự chủ của Campuchia và làm suy yếu an ninh khu vực".
"Mỹ và nhiều nước bày tỏ lo ngại trước việc thiếu minh bạch về mục đích, bản chất và phạm vi của dự án, cũng như vai trò của Trung Quốc trong xây dựng và sử dụng cơ sở sau khi hoàn tất", phát ngôn viên của cơ quan này cho biết.
Căn cứ Ream hướng ra vịnh Thái Lan, giáp với Biển Đông, khu vực ghi nhận căng thẳng leo thang trong lúc Mỹ và Trung Quốc tìm cách tăng ảnh hưởng. Tướng Tea Banh cho biết dự án nâng cấp quân cảng Ream sẽ mất hai năm, song không tiết lộ chi phí.
Bộ trưởng Tea Banh hồi tháng 6/2021 xác nhận nước này đã yêu cầu sự giúp đỡ của Trung Quốc trong cải tạo, nâng cấp cơ sở ở Ream. Hồi tháng 1, ông Tea Banh đăng trên Facebook một số bức ảnh về quân cảng Ream, cho thấy một số tàu nạo vét của Trung Quốc xuất hiện trong khu vực.
Đại sứ Trung Quốc Vương Văn Thiên nói dự án nâng cấp quân cảng Ream tuân theo kế hoạch được Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí hồi đầu năm, nhằm "thúc đẩy hơn nữa xây dựng cộng động có tương lai chung và ý nghĩa chiến lược".
Truyền thông Mỹ hồi đầu tuần đưa tin Trung Quốc sẽ độc quyền sử dụng một phần căn cứ hải quân Ream sau khi nâng cấp. Tuy nhiên, phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan sau đó khẳng định nước này không bí mật xây căn cứ quân sự với Trung Quốc, cũng như cho phép họ sử dụng độc quyền địa điểm này. Lãnh đạo Campuchia nhiều lần khẳng định hiến pháp của họ cấm nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ. Trung Quốc cũng phủ nhận thông tin do truyền thông Mỹ đưa ra.
Vấn đề quân cảng Ream đã khiến quan hệ Mỹ - Campuchia gần đây trở nên căng thẳng. Bộ Quốc phòng Campuchia tháng 6/2021 kêu gọi phía Mỹ "ngừng tạo ra các tình huống mới tiêu cực, yêu cầu Mỹ tôn trọng chủ quyền và bí mật quân sự của Campuchia".
Mỹ hồi tháng 11/2021 trừng phạt phó đô đốc Tea Vinh, tư lệnh hải quân Campuchia, và tướng Chau Phirun, người đứng đầu Cục Vật tư và Dịch vụ Kỹ thuật của Bộ Quốc phòng Campuchia, với cáo buộc "trục lợi" bằng cách tăng chi phí dự án xây dựng tại căn cứ Ream.
Campuchia khi đó chỉ trích Mỹ đưa ra quyết định đơn phương, không dựa trên pháp quyền, mang động cơ chính trị và là hành vi bất công với nước này.
Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân có quy mô lớn nhất thế giới với hơn 350 chiến hạm, dự kiến bổ sung thêm 100 chiến hạm nữa vào cuối thập kỷ này. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ có một căn cứ ở nước ngoài đặt tại Djibouti, không thể sánh được với số lượng căn cứ của Mỹ tại các vị trí chiến lược trên toàn cầu.
Nguyễn Tiến (Theo Fox News)