Cách đây ít lâu, Hà Nội tổ chức cuộc thi tìm kiếm giải pháp chống ách tắc giao thông. Cuộc thi trao giải nhất cho một sáng kiến được nhận xét là "vậy mà cũng sáng kiến, ai mà không biết".
Sau đó giải pháp ấy được cho vào quên lãng, chẳng ai thực hiện, hay nói đúng hơn là chẳng ai có can đảm để thực hiện.
Sáng kiến đó chia ra làm nhiều bước, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ban ngành và nhân dân, cho nên nó bị bỏ xó. Nói chung thì phải giãn mật độ dân số, di dời các khu dân cư, di dời bệnh viện, trường đại học, xây dựng hệ thống giao thông công cộng, tăng phí dùng các phương tiện cá nhân, cải thiện ý thức giao thông...
Thực ra thì ban tổ chức chọn đúng sáng kiến để trao giải. Đơn giản là chỉ có một giải pháp diện rộng, tấn công mọi nguyên nhân gây ra ách tắc thì mới giải quyết được rốt ráo.
Ai tham gia kỳ thi ấy và cả người chấm thi đều biết rõ là chẳng tìm đâu ra một cái giải pháp gọn nhẹ ít tốn kém mà không làm phật lòng người dân cả nước, cùng những người nước ngoài yêu quý Việt Nam và yêu quý cả cái văn hóa lòng lề đường đặc trưng của người Việt.
>> 'Người Việt bỏ xe máy nếu xe buýt tốt' là điều viễn tưởng
Trên thực tế thì nhà chức trách đã cố gắng thực hiện mọi biện pháp được đề ra và đa phần đã hoàn toàn thất bại. Di dời ư? Những người bị di dời đều sở hữu những mảnh đất to và những cơ quan chức năng có quyền, không thể di dời. Metro thì quá tốn kém, xe buýt thì bị xe máy lấn làn, và bây giờ chỉ còn cách cấm xe máy.
Trong tất cả nhưng đối tượng bị ảnh hưởng bởi các giải pháp chống ùn tắc thì ai cũng có cái lý của mình, ý kiến nào ca cẩm về hậu quả của biện pháp nào cũng được vô số người tán dương, và ý kiến nào đề ra một phương pháp nào đấy đều bị ném đá. Rốt cục thì đường vẫn tắc và phương hướng giải quyết cũng tắc không kém.
Chiếc xe máy là nội dung gây tranh cãi dữ dội nhất, bởi vì nó bị cho là ảnh hưởng tới đa số người dân, và đây toàn là người nghèo, người thấp cổ bé họng...
Những miếng đất nội thành béo bở, những bệnh viện và trường học ở trung tâm, mấy khu chợ đông đúc thì chẳng ai thèm đi khi bị di dời...
Sẽ chẳng ai đi học ở một ngôi trường không thể đi xe máy tới. Chợ sẽ đìu hiu nếu nó nằm trên một con đường không ai chạy xe máy vào. Bệnh viện cũng vậy và cơ quan công quyền cũng thế, tuy người ta cũng vẫn sẽ đến nhưng ít đi, và chỉ ai thực sự cần mới chịu khó thuê xe hơi hay taxi, hay đi xe buýt.
>> 'Virus' xe máy đã tàn phá đô thị Việt Nam như thế nào
Viễn cảnh đó đúng là khổ sở. Nhưng ai muốn giải quyết vấn đề thì sẽ thấy ngay rằng các trường học, chợ, bệnh viện, cơ quan công quyền, cả những công ty, văn phòng... đều sẽ chuyển đi ngay khi ít người tới được.
Và họ chỉ có thể chuyển tới những nói tương đối trống vắng, tức là ở ngoại thành, và vì vậy mật độ dân cũng sẽ bị kéo giãn ra. Thậm chí, nhà nước cũng sẽ chẳng phải mất tiền để đền bù cho ai cả.
Những căn nhà hay chung cư gần trung tâm, nơi cấm xe máy, sẽ sụt giá ngay, giờ thì hoặc là bạn có xe hơi hay đi xe buýt thì mới tới được. Và người nào không ở được thì cũng sẽ dọn đi, giá nhà giảm và ít người mua hơn, nói tóm lại là mật độ dân số sẽ giảm.
Việc cấm xe máy vì vậy sẽ có tác động dây chuyền với đích đến cuối cùng là giãn dân.
>> 'Tư duy xe máy' sẽ là bài toán khó cho giao thông công cộng
Cấm xe máy thì lợi ích kinh tế của rất nhiều người sẽ bị ảnh hưởng, nhưng những người giàu đang sở hữu bất động sản, nhà mặt tiền ở trung tâm mới mất quyền lợi nhất. Người dân đi xe máy thì sẽ gặp khó khăn lúc đầu nhưng rồi khi những nơi mà mình cần tới giờ đã dời đi tới chỗ có thể đi xe máy tới được và ít đông đúc hơn thì sẽ cảm thấy mọi chuyện không tệ như mình nghĩ.
Các đô thị lớn trên thế giới đối phó với nạn kẹt xe không phải chỉ bằng các phương tiện công cộng. Các thành phố lớn thường có các trường đại học lớn nằm ở ngoại ô, bệnh viện thì chỉ một cái ở trung tâm, thêm vài cái ở ngoại ô, khu mua sắm cũng rải ra, và các cơ quan công quyền nhiều người tới như Sở Giao Thông (đăng ký xe và bằng lái) thì phải có nhiều chi nhánh và cũng ra ngoại ô nốt.
Quy hoạch đô thị ở Việt Nam đã sai, sai tới độ là chẳng có quy hoạch gì hết. Giờ để giải quyết vấn đề thì nhà nước phải đưa ra những biện pháp khó khăn và đụng chạm, như một cuộc đại phẫu mà ai trong vùng bị cắt cũng la ầm ầm.
Nhưng cuộc phẫu thuật này là cần thiết. Đây là lúc người dân phải nhận ra rằng, câu nói "Nhà nước và nhân dân cùng làm" không phải chỉ là tiền bạc, nó còn là đóng góp bằng những bất tiện ban đầu để đạt được kết quả về sau.
Và sau hết, rất nhiều bài viết chỉ trích các biện pháp mà nhà nước đề ra, nhưng mãi không thấy ai đưa ra biện pháp nào để có thể làm hài lòng tất cả người dân. Các biện pháp đó không tồn tại, còn kẹt xe thì tồn tại, và người dân đành phải chọn kẹt xe hay chọn bất tiện trong một thời gian rồi mọi việc sẽ khá hơn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.