Sau bài viết Tội của xe máy, nhiều độc giả chia sẻ ý kiến cá nhân trên VnExpress.
Cấm xe máy là việc cần làm ngay. Số lượng ôtô tăng rất nhỏ so với xe máy (theo một thống kê của ngành giao thông). Vì vậy, cấm xe máy là sự thỏa hiệp, hòa hoãn trong khi chờ đợi các điều kiện khác phát triển như tăng diện tích đường giao thông, khắc phục các nhược điểm của hệ thống giao thông công cộng....nói chung nhằm mục đích giảm thiểu mật độ giao thông trên đường.
Tôi không hiểu các bạn muốn quy hoạch giao thông đô thị thế nào. Ở TP HCM, quanh khu trung tâm, gần như đã "chật kín", làm sao có đường rộng hay không gian thông thoáng như ý mọi người được.
Về giao thông công cộng, metro có thể xem là bước thay đổi quan trọng nhất trong thời gian sắp tới, và hy vọng có hiệu quả cao. Dù sao đi nữa, chúng ta ai cũng biết được hạn chế này. Sống trong môi trường như vậy thì cũng phải chấp nhận các yếu điểm kèm theo. Vấn đề là bản thân mỗi người dân làm gì để giúp tình hình này có thể tốt hơn mà thôi.
Với tôi, lỗi không ở xe máy hay xe hơi, do người tham gia giao thông là chính. Lấn làn, quẹo không tín hiệu, đậu xe gây ùn tắc thì xe máy hay xe hơi đều có, nên cần phải xử phạt nghiêm mọi vấn đề này. Tôi vừa qua Hàn Quốc và nghe kể người dân có quyền quay clip vi phạm của người khác, gửi lên cho chính quyền xử phạt và sẽ được nhận phần trăm từ số tiền thu từ người bị phạt. Hy vọng rằng điều này có thể áp dụng được ở nước mình và giúp mọi người giao tham gia giao thông có ý thức hơn.
Tội của xe máy là quá tiện lợi và rất phù hợp với mức thu nhập của đại đa số người dân. Cũng chính vì thế, người dân sẽ không chọn hình thức di chuyển khác nếu không tiện lợi và rẻ hơn.
Giao thông công cộng ở Việt Nam chưa phát triển nên mọi hình thức đều thua xe máy. Vậy nếu còn xe máy, người dân sẽ không chọn hình thức di chuyển nào khác cả. Khi người dân không chọn thì cũng chẳng có cái nào phát triển cả. Cấm xe máy là một cách để cho các phương tiện khác phát triển, các nhà quản lý cũng có cái lý đúng của họ.
>> 'Thế hệ chúng tôi không muốn thấy xe máy đầy đường Việt Nam nữa'
Về cơ bản, tôi thấy ý kiến của tác giả cũng không có gì mới. Những lý do để duy trì xe máy đều đã được nêu ra thì quanh quẩn vẫn là những điều đó. Có cái hợp lý nhưng có những cái không còn phù hợp nữa.
Tôi ví dụ, để lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, hạn chế xe máy là một phương án có thể giải quyết 70-80%. Hãy nhìn mà xem, vỉa hè chủ yếu đang bị chiếm dụng để dựng chính những chiếc xe máy của chúng ta. Vậy ta phải làm điều gì trước?
Ngoài ra ai cũng thấy làm mới hoàn toàn hạ tầng hệ thống giao thông công cộng là điều vô cùng tốn kém. Vậy phương án là làm song song trên cùng hệ thống hạ tầng hiện tại. Nhưng thử hình dung, nếu ta cứ thả cửa cho phương tiện cá nhân bao gồm cả xe máy và ôtô gia tăng, thì đường đâu cho xe công cộng hoạt động.
Chỉ lấy ví dụ xe buýt. Nếu có đường thông thoáng, chúng có thể chạy với tần suất dày hơn, tốc độ nhanh hơn, vận chuyển và phục vụ được nhiều hành khách hơn... nhưng chúng ta lại chờ nó tốt hơn mới chịu bỏ phương tiện cá nhân.
Vậy đây là bài toán con gà quả trứng, phải bỏ cái nào và phát triển cái nào? Ai cũng muốn phát triển giao thông công cộng nhưng lại không chịu hy sinh để tạo điều kiện cho nó phát triển.
Giống như câu chuyện 2 con dê tranh nhau qua cầu thì mãi mãi sẽ không qua được cầu.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.