Lời hứa được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra năm 2018 tại lễ khởi công nhà máy trị giá 10 tỷ USD của Foxconn ở Wisconsin, nơi dự kiến thuê 13.000 nhân công để sản xuất ti vi màn hình phẳng ngay giữa trung tâm nước Mỹ.
Tháng này, chính quyền bang Wisconsin từ chối trợ cấp thuế cho Foxconn, vì nhà máy này không thực hiện tốt cam kết đầu tư của mình ở địa phương. Công ty mới thuê chưa tới 1/4 trong số 2.080 công nhân dự kiến tuyển dụng năm ngoái và chỉ đầu tư 300 triệu USD, chỉ bằng số lẻ trong mức dự kiến 3,3 tỷ USD, theo báo cáo từ Sở Tài chính và Ngân sách Wisconsin.
Báo cáo cho biết nhà máy Foxconn dường như chủ yếu được sử dụng để lưu trữ sản phẩm, thay vì là "cơ sở sản xuất" như kế hoạch ban đầu. Các trung tâm đổi mới mà công ty đến từ đảo Đài Loan này dự kiến mở trên khắp bang Wisconsin cũng chưa xuất hiện.
Thất bại của Foxconn trong việc tạo ra "kỳ quan thứ 8" như Trump mô tả đã cho thấy lời hứa vực dậy ngành sản xuất Mỹ chưa được hoàn thành. Tổng thống Trump từng đe dọa áp thuế và tẩy chay các công ty như General Motors, Harley-Davidson hay Carrier, nếu họ chuyển sản xuất ra nước ngoài, với cam kết đem việc làm về cho người Mỹ.
Trong cuộc tranh luận đầu tiên với ứng viên Joe Biden hồi tháng 9, Tổng thống Trump tuyên bố ông đã mang 700.000 công việc sản xuất về Mỹ, sau khi cáo buộc chính quyền Barack Obama bỏ bê lĩnh vực này. Số lượng việc làm ở Mỹ đã tăng trong ba năm đầu nhiệm kỳ của Trump, dù chưa đạt mức ông tuyên bố, khi tăng chưa tới 500.000. Song tới tháng 8, việc làm trong lĩnh vực này đã giảm hơn 200.000 so với khi ông nhậm chức, do hàng loạt nhà máy phải đóng cửa và kinh tế suy thoái vì đại dịch.
"Tổng thống thích tới để cho thấy ông đang tham gia và đang làm mọi thứ tiến triển", Matthew Jewell, giáo sư về khoa học và kỹ thuật tại Đại học Wisconsin-Eau Clair, người từng hy vọng sinh viên của ông có thể tìm được việc tại các trung tâm đổi mới của Foxconn, nói. "Điều đó khiến chúng tôi bực mình".
Tuy nhiên, những lời hứa chưa hoàn thành đó có thể không quan trọng đối với nhóm cử tri ủng hộ Trump, khi họ luôn xem tuyên bố của Tổng thống về sản xuất và nỗ lực hợp tác là bằng chứng cho thấy ông đang đấu tranh hết mình cho lao động Mỹ. Hầu hết khảo sát đều cho thấy Tổng thống Trump có lợi thế hơn ứng viên Biden khi nói tới vấn đề điều hành nền kinh tế.
Giới phân tích nhận định chính các chính sách của Trump đã làm suy yếu nỗ lực vực dậy ngành sản xuất của ông. Quyết định cắt giảm thuế năm 2017 của ông đã giúp đầu tư tăng vọt và khiến nhiều công ty hứa hẹn về việc làm mới. Nhưng ngay sau đó, Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, áp thuế với các đối tác thương mại lớn như châu Âu, Canada và Mexico, khiến hàng hóa Mỹ bị áp thuế trả đũa, tạo ra lực cản đối với nền kinh tế.
Thuế quan của Trump đối với thép, nhôm nước ngoài và 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã "giáng đòn mạnh" lên lĩnh vực sản xuất, vốn đã rơi vào suy thoái từ năm ngoái. Đại dịch Covid-19 sau đó đã đảo lộn hoàn toàn nền kinh tế, xóa bỏ "sự bùng nổ của tầng lớp nhân viên cổ cồn xanh" mà chính quyền Trump thúc đẩy.
Tháng trước, Tổng thống Trump đã mời Steve Burns, giám đốc điều hành của Lordstown Motors tới Nhà Trắng để nghe báo cáo về loại xe bán tải điện mới của công ty này. Chuyến thăm cũng nhằm tôn vinh vai trò của Tổng thống Trump như một người "giải cứu việc làm". Năm 2019, ông đã thuyết phục thành công General Motors (G.M) bán một nhà máy ở Lordstown, bang Ohio cho Lordstown Motors, nhà sản xuất ô tô mới nổi, nhằm ngăn nguy cơ sa thải khoảng 1.600 nhân viên.
Cơ quan Tín dụng Thuế Ohio cho biết đã yêu cầu G.M hoàn trả 28 triệu USD tín dụng thuế và đầu tư 12 triệu USD cho Thung lũng Mahoning vì quyết định đóng cửa nhà máy lắp ráp Lordstown. Năm 2008, công ty này được nhận các khoản tín dụng thuế với điều kiện phải thuê 3.700 lao động của thành phố trong 20 năm.
Sau thương vụ với Lordstown Motors, một số nhân viên của G.M được chuyển sang các nhà máy khác, nhưng nhà máy Lordstown Motors hiện chỉ có 50 kỹ sư. Ông Burns cho biết dự định thuê thêm 600 công nhân vào năm sau và tiếp tục tăng tuyển dụng vào năm 2022.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Sherrod Brown của bang Ohio hoan nghênh công ty mới, nhưng chỉ trích Tổng thống Trump vì không làm nhiều hơn để bảo vệ các công nhân của G.M. Rất nhiều công nhân của nhà máy này đã phải chuyển tới các bang khác để tìm việc mới. Ông thêm rằng khi Tổng thống chuyển sự chú ý sang nơi khác, các công nhân chỉ biết hy vọng lời hứa việc làm sẽ thành hiện thực.
"Ông ấy đến mang theo nhiều hứa hẹn, nhưng sau đó các công nhân phải tự mình chống đỡ", Brown nói.
Năng lực thuyết phục của Tổng thống Trump đôi khi chỉ hiệu quả một phần. Hồi năm 2016, trước khi nhậm chức, ông Trump từng gây áp lực thành công với United Technologies, công ty mẹ của nhà sản xuất hệ thống sưởi và làm mát Carrier, để họ không đóng cửa một nhà máy ở Indianapolis để chuyển sang Mexico, giúp giữ lại 700 việc ở Mỹ. Nhưng tới năm 2017 và 2018, Carrier đã cắt giảm 500 việc làm ở nhà máy này và chuyển sang Mexico.
Nhiều công ty khác thậm chí phớt lờ yêu cầu của Tổng thống Mỹ. Ông Trump từng chỉ trích Harley-Davidson hai năm trước khi công ty này thông báo chuyển một số công việc sản xuất ra nước ngoài. Quyết định của Harley-Davidson được đưa ra nhằm tránh thuế suất mà châu Âu áp lên hàng hóa Mỹ, nhằm đáp trả thuế quan mà Trump áp lên sản phẩm thép và nhôm của họ.
Tổng thống Mỹ đã kêu gọi tẩy chay Harley-Davidson và đe dọa áp thuế mới. Dù vậy, trong bối cảnh phải vật lộn về tài chính, công ty này vẫn quyết định tiến hành kế hoạch xây dựng nhà máy ở Thái Lan và đóng cửa nhà máy ở thành phố Kansas, bang Missouri.
Tới năm ngoái, ông chủ Nhà Trắng dường như đã buông bỏ "oán giận" với công ty này. Sau khi Harley-Davidson báo cáo lợi nhuận sụt giảm vì thuế quan của châu Âu, Tổng thống Mỹ đăng Twitter nói rằng "Thật không công bằng với Mỹ. Chúng tôi sẽ đáp trả". Tuy nhiên, không có thêm bất kỳ động thái nào sau đó.
Trong cuộc chạy đua tái tranh cử năm nay, Trump nhiều lần tự ca ngợi đã tạo ra nền kinh tế Mỹ lớn mạnh nhất trong lịch sử, mà bỏ qua nhiều hậu quả do chính sách của ông gây ra.
Tổng thống Trump đã áp thuế đối với sản phẩm thép nhập khẩu toàn cầu ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhằm tăng giá tạm thời và giúp các nhà sản xuất Mỹ. Nhưng khi nhu cầu thép toàn cầu giảm xuống do giá tăng, ngành công nghiệp này đã rơi vào tình trạng chao đảo.
Tập đoàn Thép Mỹ ở Illinois, nơi Trump từng ghé thăm hồi năm 2018, đã thông báo kế hoạch cho 700 công nhân nghỉ việc năm nay, trong khi công ty có trụ sở ở Pittsburgh hồi tháng 5 cho biết sẽ cắt giảm khoảng 2.700 nhân sự do tổn thất gia tăng.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định Tổng thống Trump cũng có một số thành công khi can thiệp vào các dự án việc làm mà chính phủ trực tiếp quản lý. Hồi tháng 8, ông sa thải thành viên hội đồng quản trị của Tennessee Valley Authority, một công ty điện lực thuộc sở hữu liên bang, sau khi đơn vị này thông báo kế hoạch chuyển 100 công việc công nghệ cho các nhà thầu nước ngoài.
Ông chủ Nhà Trắng cũng công kích giám đốc điều hành của công ty vì được trả lương quá cao và cảnh báo sa thải nhiều hơn trước khi Tennessee Valley Authority thay đổi quyết định của mình.
Peter Navarro, giám đốc Văn phòng Chính sách Sản xuất và Thương mại của Nhà Trắng, cho rằng các biện pháp thuế quan của Trump đã hiệu quả khi khiến nhiều công ty phải giữ việc làm ở trong nước. Ông cũng thêm rằng các quy định nghiêm ngặt về ngành năng lượng và dự định cắt giảm chi tiêu quân sự của đảng Dân chủ có thể gây tổn hại cho lao động trong các lĩnh vực liên quan.
"Trong thế giới của Biden, việc làm sẽ biến mất", ông Navarro nói.
Về phía Foxconn, ông Navarro nói công ty đang giúp Mỹ cạnh tranh trong lĩnh vực mà Trung Quốc chi phối và bác bỏ ý kiến cho rằng công ty không đạt được mục tiêu đầu tư năm 2019, vì cho rằng đó là do Covid-19. "Virus Trung Quốc đã làm đình trệ mọi thứ", ông nói.
Foxconn tuần trước nói rằng vẫn duy trì cam kết với bang Wisconsin, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về vấn đề này.
Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Milwaukee tuần trước, Tổng thống Trump khẳng định nếu ông tái đắc cử, Foxconn sẽ hoàn thành mọi cam kết với bang Wisconsin.
"Họ sẽ làm điều mà tôi từng bảo họ làm", ông Trump nói. "Họ sẽ làm những điều đáng lẽ đã được làm".
Thanh Tâm (NYTimes)