So với hồi đầu năm, phác đồ điều trị của Việt Nam giai đoạn hiện nay có nhiều cải tiến. Trước đây người bệnh chủ yếu điều trị triệu chứng và nâng thể trạng, còn trong phác đồ mới, các loại kháng virus thể hiện công dụng rõ ràng hơn.
Giáo sư Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu, đứng đầu ban chuyên môn điều trị các ca Covid-19 nguy kịch, nói về phác đồ mới trong hội nghị ngày 1/8. Những cải tiến trong phác đồ được Bộ Y tế hoàn thiện xuất phát từ kinh nghiệm xử lý trong đợt dịch trước và nghiên cứu của y tế thế giới.
Cải tiến về thuốc
Đợt dịch trước, Việt Nam chưa có thuốc đặc hiệu điều trị Covid-19. Các loại thuốc kháng virus đặc hiệu như Lopinavir/Ritonavir, Chloroquine, Hydroxychloroquine, Remdesivir chưa được cấp phép điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam. Hiện nay, giáo sư Nguyễn Gia Bình khẳng định thuốc kháng virus đã có nhiều tiến bộ.
Cụ thể, Lopinavir, Ritonavir và Interferon đã được Việt Nam sử dụng hiệu quả, bệnh nhân hết virus sau 7 ngày dùng. Remdesivir của Mỹ có thể dùng nhưng không dễ mua. Immunoglobuline truyền tĩnh mạch (IVIG) sẵn có, còn Favipiravir của Nga mang đến khá nhiều hứa hẹn.
Đặc biệt, huyết tương của người khỏi bệnh cũng được xem là một giải pháp thay thế thuốc kháng virus, được đưa vào trong phác đồ điều trị giai đoạn mới. Riêng Chloroquine, Hydroxychloroquine không còn sử dụng để điều trị.
"Theo nguyên tắc, bác sĩ sẽ điều trị theo nguyên nhân, chống cơn bão cytokine, điều trị triệu chứng, bệnh kèm theo, chống bội nhiễm và hỗ trợ về dinh dưỡng, phục hồi chức năng", giáo sư Bình cho biết.
Phân loại mức độ nặng
Những ngày đầu dịch, hầu hết bệnh nhân Covid-19 chỉ ở mức độ nhẹ, được điều trị triệu chứng nhẹ kết hợp truyền dịch và dùng thuốc nâng cao thể trạng. Song có bệnh nhân diễn tiến bất thường viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, suy hô hấp nặng, sốc nhiễm trùng... được điều trị tích cực, phải liên tục theo dõi phản ứng, nếu thuốc có hiệu quả thì tiếp tục áp dụng, nếu không đáp ứng tốt thì ngay lập tức phải đổi phác đồ.
Đối với phác đồ điều trị mới, các bác sĩ sẽ phân loại bệnh nhân và đánh giá toàn diện mức độ suy tạng liên quan đến hô hấp, tuần hoàn, tắc mạch, thần kinh, thận, gan... cùng những bệnh kèm theo trước khi tổ chức điều trị. Đặc biệt, việc phân loại mức độ nặng nhẹ giúp y bác sĩ lên kế hoạch điều trị đồng thời sắp xếp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực phù hợp nhất.
Ví dụ trong điều trị suy hô hấp, việc phân loại mức độ nặng thông qua nhịp thở, nhận định tình trạng tổn thương phổi bằng các biện pháp chẩn đoán sẵn có. Qua đó, các y bác sĩ mới xác định đặt ống nội khí quản và cho thở máy khi cần.
Ngoài ra, giáo sư Bình bổ sung về mức độ quan trọng trong công tác chống rối loạn đông máu, suy tuần hoàn, cơn bão cytokine, điều trị các dạng suy tạng liên quan đến tiêu hóa, thần kinh, thận...
Có bốn mức độ xếp loại bệnh nhân, gồm nhẹ, trung bình, nặng, nguy kịch. Người bệnh nặng là bệnh nhân nhiễm nCoV kèm suy hô hấp, suy tạng và có các bệnh sẵn kèm theo. Người nguy kịch bị suy tạng, sốc nhiễm khuẩn, có bệnh kèm.
Chú trọng vấn đề tâm lý
Trong giai đoạn mới, Bộ Y tế nhận định việc động viên tinh thần bệnh nhân khi họ còn tỉnh là rất cần thiết, các bệnh viện cần bố trí bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân để tạo sự lạc quan.
Về dinh dưỡng, y bác sĩ, điều dưỡng cần lên kế hoạch về chế độ ăn nhiều bữa, dễ tiêu, kiểm soát lượng đường trong máu, huyếp áp, nhiễm khuẩn và xử lý các bệnh kèm theo.
"Để hoàn thành những nhiệm vụ này, bệnh viện và các nhân viên y tế cần chủ động làm việc nhóm, hội chẩn với sự tham gia của nhiều chuyên khoa", giáo sư Bình nói.
Trong nhiều liệu pháp tâm lý, Giáo sư Bình nêu người bệnh cần tập thể dục thường xuyên và tạo thành thói quen, không sử dụng các chất kích thích, chủ động chia sẻ với người thân và y bác sĩ về những điều khiến người bệnh lo lắng, giữ kết nối với gia đình.
Thùy An