Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết bất cứ bác sĩ nào đối mặt với một bệnh nhân thập tử nhất sinh, sau khi đã sử dụng hết mọi thứ được khuyến cáo nên dùng, đều phải nghĩ đến chuyện "còn thứ gì trong tay thì dùng thứ đó trước khi thua cuộc".
"Người thầy thuốc với đầy đủ kiến thức sẽ cân nhắc giữa lợi và hại nếu dùng thêm một thứ thuốc nào đó được cho là hiệu quả dù chưa được thử nghiệm lâm sàng chứng minh, rồi đi đến quyết định dùng nó như là biện pháp 'cầu may' cuối cùng cho người bệnh của mình", bác sĩ Châu chia sẻ.
Theo ông, vấn đề quan trọng nhất là bác sĩ phải hiểu rõ rằng "lựa chọn này sẽ có rủi ro".
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, cho biết chloroquine ngoài tác dụng điều trị bệnh sốt rét còn có thể chống lại sự nhân lên của virus cúm A, B và một số bệnh lý khác.
Bác sĩ Phúc cho rằng có khả năng thuốc này đã giúp vợ "bệnh nhân 243" không bị lây nhiễm nCoV từ chồng. Người vợ này có tiền sử mắc bệnh lupus ban đỏ 12 năm, sử dụng đơn thuốc có chloroquine hoặc hydroxychloroquine.
"Ngoài lý do sức đề kháng của mỗi người khác nhau, có thể người vợ sử dụng thuốc chloroquine hoặc hydroxychloroquine chữa lupus ban đỏ nên không bị lây nhiễm từ chồng dù tiếp xúc gần", bác sĩ Phúc phán đoán. "Bệnh nhân 243" ở Mê Linh, Hà Nội, lây nhiễm cho 3 người gồm hai hàng xóm, một chị dâu.
Chloroquine là một chất gốc quinine được người Đức bào chế vào những năm 1930. Khởi đầu thuốc dùng điều trị bệnh sốt rét. Quá trình sử dụng, người ta dần phát hiện những tính chất mới nên có những chỉ định điều trị mới.
Hydroxychloroquine là một hợp chất mới có tác dụng giống chloroquine nhưng ít độc tính hơn, chỉ định điều trị sốt rét, viêm khớp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm cơ bì, sarcoidosis, một số bệnh da do ánh sáng... Ở mỗi loại bệnh cần một liều lượng, cách dùng và thời gian dùng khác nhau.
Theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, chloroquine là thuốc điều trị bệnh sốt rét và một số bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ... Một số quốc gia sử dụng chloroquine/hydroxychloroquine điều trị cho bệnh nhân Covid-19 như Mỹ, Trung Quốc,...
Tuy nhiên, hiện một số nước đã ngừng sử dụng chloroquine điều trị Covid-19 do tác dụng phụ của thuốc. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã gỡ bỏ khỏi trang web hướng dẫn về cách kê toa hydroxychloroquine và chloroquine để trị nCoV.
Các bác sĩ khuyến cáo chloroquine/hydroxychloroquine là thuốc bắt buộc dùng phải có chỉ định của bác sĩ nên người dân không được tự ý sử dụng.
Hiện chưa có thuốc hay vaccine Covid-19 nào được phê duyệt. Các loại thuốc được xem là tiềm năng vẫn trong giai đoạn thử nghiệm ở các bệnh viện.
Theo bác sĩ Phúc, chloroquine có thời gian bán hủy từ 2,5 đến 10 ngày. Nếu tích trữ và uống đều đặn hàng ngày, khi vào cơ thể thuốc sẽ tích lũy dần, độc tính cũng vì thế tăng liên tục, gây hại cho cơ thể. Đây là thuốc cực độc với mắt, máu, gan, thận, đặc biệt là tim. Thầy thuốc phải tầm soát bệnh nhân kỹ về tim, siêu âm tim, điện tim... rồi mới có thể ra quyết định dùng chloroquine.
Loại thuốc này không thiếu, nếu cần trong điều trị, ngành y tế sẽ trang bị đầy đủ.
Thùy An - Lê Phương