Từ trước khi vaccine Covid-19 được cấp phép sử dụng, các nước giàu đã đặt hàng mua lượng vaccine cao hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế, khiến những quốc gia khác trên thế giới vào tình cảnh khát nguồn cung. 9 tháng sau khi vaccine bắt đầu được triển khai, chỉ 20% người dân ở các nước thu nhập thấp và dưới trung bình được tiêm mũi vaccine đầu tiên, trong khi con số này tại những quốc gia thu nhập cao và trên trung bình là 80%.
Giờ đây, nhiều nước sở hữu nguồn vaccine dồi dào tiếp tục thúc đẩy chương trình tiêm mũi tăng cường, khi dữ liệu sơ bộ cho thấy khả năng bảo vệ suy giảm theo thời gian ở một số loại vaccine. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ hôm 17/9 công bố nghiên cứu chỉ ra mức độ ngăn nguy cơ nhập viện của vaccine Pfizer giảm đáng kể từ 120 ngày sau khi tiêm đầy đủ.
Tuy nhiên, chưa có bằng chứng xác đáng nào để giải thích cho quyết định tiêm liều tăng cường cho những người khỏe mạnh. Theo nhiều chuyên gia, liều vaccine Covid-19 thứ ba chỉ nên dành cho một số ít những người dù đã tiêm đầy đủ vẫn đối mặt nguy cơ trở nặng và tử vong cao nếu nhiễm virus, như những người trên 65 tuổi hoặc bị suy giảm hệ miễn dịch. Hàng loạt nhà dịch tễ học đã lên tiếng phản đối tiêm liều tăng cường cho những người trẻ, khỏe mạnh.
"Việc tiêm liều tăng cường cho những người khỏe mạnh hiện nay giống như gửi khoản trợ cấp giáo dục hào phóng cho một tỷ phú, trong khi những người khác đang chật vật gom góp tiền đóng học phí", tiến sĩ Matshidiso Moeti, chuyên gia y tế cộng đồng và là giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đánh giá.
Theo Moeti, có lẽ không nơi nào chịu ảnh hưởng nặng nề vì vấn đề tích trữ vaccine hơn các nước châu Phi. Quá trình vận chuyển các lô hàng tới châu lục này đã bị đình trệ suốt nhiều tháng do tình trạng thiếu hụt nguồn vaccine trên toàn cầu, cùng những lệnh cấm xuất khẩu.
Hiện nay, chỉ 51 triệu người tại châu Phi, tương đương 3,6% dân số châu lục, được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn thành tiêm chủng cho hơn 60% dân số, Mỹ cũng đạt gần 55%.
Một số ước tính chỉ ra rằng ngay cả khi các nước giàu triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường, họ vẫn sẽ thừa hơn một tỷ liều vào cuối năm nay. Dù vậy, điều đó không đồng nghĩa với việc số vaccine này sẽ được chia sẻ hoặc kịp thời đến tay những người cần chúng.
Báo cáo mới của nhóm nghiên cứu Airfinity chỉ ra rằng hơn 100 triệu liều vaccine Covid-19 trong kho dự trữ của các nước giàu sẽ hết hạn vào tháng 12 và có khả năng bị vứt bỏ nếu không được chia sẻ. Trong khi đó, chỉ 15% trong số hơn một tỷ liều vaccine Covid-19 mà các nước thu nhập cao cam kết dành cho châu Phi đã được chuyển tới nơi.
Moeti cho rằng các nước giàu phải từ bỏ tích trữ vaccine, nhường suất mua vaccine cho sáng kiến Covax của WHO và Liên minh châu Phi, để họ có cơ hội tiếp cận số vaccine đang vô cùng cần. Mọi chính phủ đều có nghĩa vụ bảo vệ công dân, nhưng Moeti chỉ ra rằng việc tiêm mũi tăng cường đi ngược lại lợi ích của chính các nước giàu.
"Những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể trở thành các lò ấp biến chủng, làm gia tăng nguy cơ những biến chủng nguy hiểm hơn sẽ xuất hiện và xâm nhập vào mạng lưới giao thông quốc tế", chuyên gia WHO cho biết.
Biến chủng Delta là minh chứng rõ ràng nhất cho viễn cảnh thảm khốc khi virus đột biến. Hiện diện tại 180 quốc gia, biến chủng sở hữu khả năng lây lan nhanh này đang khiến số ca tử vong ở nhiều nước giàu ngày càng gia tăng, đồng thời làm phức tạp hóa phản ứng với đại dịch của châu Phi, dẫn đến những đợt bùng phát mới.
Mặc dù số ca nhiễm nCoV mới hàng tuần tại châu Phi đang có xu hướng giảm, con số vẫn ở mức cao và tốc độ giảm rất chậm. Châu lục này vừa vượt mức 8 triệu ca nhiễm giữa làn sóng đại dịch thứ ba tồi tệ nhất từ trước đến nay, dồn gánh nặng lên hệ thống y tế vốn yếu kém và luôn trong tình trạng quá tải. Vì vậy, họ cần vaccine được giao khẩn trương để kiềm chế ảnh hưởng của làn sóng thứ tư.
"Thông tin về hàng triệu liều vaccine đang bị lãng phí hoặc vứt bỏ ở các nước giàu thật đau lòng. Giống như rất nhiều người quen tại Cộng hòa Congo, nơi tôi đang sống, và quê nhà Botswana, tôi đã mất những người bạn và đồng nghiệp vì Covid-19. Mỗi liều vaccine bị lãng phí đáng lẽ có thể cứu một mạng sống ở châu Phi", Moeti cho hay.
Vấn đề bất bình đẳng vaccine cũng sẽ gây tác động mạnh mẽ về mặt kinh tế. Theo một ước tính, thiệt hại kinh tế toàn cầu do tình trạng tiêm chủng chậm trễ có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD trong những năm tới, nếu các quốc gia thu nhập thấp và trung bình không thể nhanh chóng phủ vaccine cho hầu hết dân số.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đánh giá vấn đề tiếp cận vaccine là nguyên nhân chính khiến quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu đang bị phân hóa. Nếu tình trạng bất bình đẳng vaccine vẫn tồn tại, tỷ lệ tăng trưởng ở những nước nghèo có nguy cơ không thể trở về mức trước đại dịch cho đến năm 2024.
Để giúp các quốc gia tiêm chủng đầy đủ cho 40% dân số, WHO đã kêu gọi hoãn tiêm liều tăng cường cho những người khỏe mạnh cho đến cuối tháng 12. Tuy nhiên, ít nhất 13 quốc gia đã triển khai hoặc lên kế hoạch chương trình này, cùng một số nước đang cân nhắc.
Theo phân tích của WHO, nếu tất cả quốc gia thu nhập cao và trên trung bình tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ dân số từ 50 tuổi trở lên, họ sẽ cần tới gần một tỷ liều vaccine mỗi năm. Với những vaccine liệu trình hai liều, con số này đủ để tiêm cho gần 40% dân số châu Phi, mục tiêu toàn cầu mà WHO đặt ra vào cuối năm nay.
"WHO đang làm việc với cơ quan quản lý của các nước trên khắp thế giới để thu thập dữ liệu về liều vaccine tăng cường. Chỉ có nỗ lực phối hợp nghiên cứu mới giúp chúng ta nắm rõ về mức độ bảo vệ bổ sung. Chúng tôi không nói 'không bao giờ', nhưng hiện tại chưa phải lúc tiêm liều tăng cường cho những người có hệ miễn dịch hoạt động bình thường", Moeti cho biết.
"Dù chưa rõ mức độ bảo vệ của liều tăng cường, chúng tôi biết việc triển khai chúng sẽ làm tổn hại cơ hội của nhiều người ở châu Phi. Những người đối mặt với nguy cơ cao nhất phải được ưu tiên tiêm chủng, bất kể họ ở đâu", chuyên gia nói thêm.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)