Israel đã tiêm chủng đầy đủ hơn 50% dân số từ ngày 25/3. Số ca nhiễm sau đó giảm, các địa điểm mở cửa trở lại với người đã tiêm chủng và Thủ tướng Naftali Bennett tuyên bố người dân Israel có thể ra ngoài vui chơi. Tới tháng 6, tất cả biện pháp hạn chế, gồm đeo khẩu trang trong không gian kín, đều được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, Israel đã phải trả giá cho việc buông lỏng cảnh giác quá sớm. Nước này hiện ghi nhận trung bình gần 7.500 ca nCoV mỗi ngày, gấp đôi so với hai tuần trước, tương đương cứ 150 người Israel thì có một người mắc Covid-19.
Giới chức y tế và sau đó công ty Pfizer cho biết dữ liệu chỉ ra khả năng miễn dịch của vaccine suy giảm sau khoảng 6 tháng tiêm mũi thứ hai. Dữ liệu về khả năng bảo vệ của vaccine suy giảm được đưa ra cùng lúc biến chủng Delta hoành hành ở Israel, trở thành chủng trội ở quốc gia này.
"Rất nhiều người đã ra nước ngoài nghỉ dưỡng trong mùa hè và mang biến chủng Delta trở về Israel rất nhanh", Siegal Sadetzki, cựu giám đốc y tế công cộng thuộc Bộ Y tế Israel, nói.
Tuy nhiên, tin tốt là vaccine vẫn giúp bảo vệ con người trước nguy cơ bệnh nặng. Dữ liệu từ Bộ Y tế Israel cho thấy số ca bệnh nặng ở nhóm chưa tiêm chủng trên 60 tuổi cao gấp 9 lần người đã tiêm chủng ở cùng độ tuổi. Tỷ lệ ca nặng ở nhóm chưa tiêm chủng dưới 60 tuổi cũng cao hơn hai lần so với nhóm đã tiêm chủng.
Nhưng tin xấu là một nửa số ca nặng của Israel đang phải nhập viện thuộc nhóm đã tiêm chủng đầy đủ ít nhất 5 tháng trước. Hầu hết trong số họ đã trên 60 tuổi và có bệnh lý nền. Trong khi đó, những ca nặng chưa tiêm chủng chủ yếu là nhóm người trẻ tuổi, khỏe mạnh và bệnh thường chuyển xấu nhanh.
Số ca nhiễm trung bình hàng ngày ở Israel đã tăng gần gấp đôi trong hai tuần và tăng gấp 10 lần so với giữa tháng 7, gần bằng giai đoạn đỉnh dịch hồi mùa đông. Số ca tử vong tăng từ 5 người trong tháng 6 lên ít nhất 248 ca trong tháng này. Giới chức y tế nói rằng hiện có 600 ca bệnh điều trị tại bệnh viện và cảnh báo hệ thống y tế nước này không thể xử lý 1.000 ca bệnh nặng cùng lúc.
78% người trên 12 tuổi đủ điều kiện ở Israel đã tiêm vaccine. Nhưng quốc gia này có dân số trẻ, với rất nhiều người chưa đủ tuổi tiêm chủng và khoảng 1,1 triệu người đủ điều kiện, phần lớn trong độ tuổi 12-20, từ chối tiêm vaccine. Điều này đồng nghĩa chỉ khoảng 58% tổng dân số Israel được tiêm chủng đầy đủ và các chuyên gia cho rằng tỷ lệ phủ vaccine chưa đủ cao.
"Một bộ phận lớn dân số của chúng tôi đang phải trả giá cho một phần nhỏ dân số không chịu tiêm chủng", Eran Segal tại Viện Khoa học Weizmann, cố vấn về Covid-19 cho chính phủ Israel, nói.
Những người chưa tiêm đã góp phần khiến virus lây lan nhanh hơn khi đất nước mở cửa cho hoạt động kinh doanh trong những tháng gần đây, dù đã áp dụng một số hạn chế nghiêm ngặt. "Điều đó dẫn tới các chùm lây nhiễm và đây chính xác là những gì chúng tôi đang thấy", Segal nói.
Giới chuyên gia nhiều lần cảnh báo vaccine hiệu quả trong việc chống lại nguy cơ bệnh nặng và tử vong, nhưng không thể chỉ dựa vào vaccine để chống Covid-19. Một chiến lược chống dịch tốt cần phối hợp giữa tiêm chủng và các biện pháp hạn chế khác.
Israel đang cố kiềm chế đợt bùng phát mới nhưng tránh tái áp đặt lệnh phong tỏa, điều mà Thủ tướng Bennett nói có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế và "phá hủy tương lai đất nước". Thay vào đó, giới chức hạn chế tụ tập, tăng nhân viên bệnh viện và kêu gọi những người chưa tiêm vaccine nhanh chóng chủng ngừa.
Trước sự tấn công mạnh của biến thể Delta, nhiều nước đã lên kế hoạch tiêm liều tăng cường cho người dân để tăng khả năng miễn dịch. Israel là quốc gia đầu tiên tiêm liều Pfizer thứ ba trên quy mô toàn quốc. Những nghiên cứu sơ bộ ở Israel cho thấy liều tăng cường giúp tăng khả năng bảo vệ trước Covid-19 sau khi tiêm một tuần.
Tổ chức chăm sóc sức khỏe HMO Maccabi tiến hành nghiên cứu sơ bộ với 149.144 người tiêm liều Pfizer thứ ba và nhận thấy với những người trên 60 tuổi, liều tăng cường giúp giảm nguy cơ nhiễm tới 86% và giảm nguy cơ bệnh nặng tới 92%.
Sau Israel, Mỹ tuần trước cũng công bố chiến dịch tiêm liều tăng cường bắt đầu từ cuối tháng 9 cho tất cả những người đã tiêm đủ hai mũi ít nhất 8 tháng. Anh cũng cam kết sớm triển khai kế hoạch, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêm liều tăng cường Pfizer cho những người đã tiêm Sinovac.
Israel đã mở rộng đối tượng tiêm liều tăng cường cho những người từ 40 tuổi trở lên. "Liều thứ ba là giải pháp để kiềm chế đợt bùng phát hiện tại", Anat Ekka Zohar, đại diện của Maccabi, nói.
Các chiến dịch tiêm liều tăng cường được triển khai giữa lúc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên tục kêu gọi các nước hoãn chương trình này, để ưu tiên nguồn vaccine cho nước nghèo.
"Israel rất tôn trọng WHO nhưng chúng tôi phải hành động dựa trên lợi ích của công dân Israel", một quan chức y tế Israel nói.
Các chuyên gia cảnh báo nếu các nước không tiêm chủng cho dân số của họ, nhiều biến chủng sẽ xuất hiện và đe dọa cả những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Hơn một triệu người Israel đã tiêm liều Pfizer thứ ba trong vài tuần qua. Cả thế giới đang dõi theo Israel, vì đây là quốc gia đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm liều tăng cường quy mô lớn.
"Chúng tôi trở thành chuột bạch", Etti Ben Yaakov nói. "Nhưng nó không khác gì như khi chúng tôi tiêm lần đầu. Do đó, tôi không cảm thấy có vấn đề gì cả. Tôi nghĩ điều này thật tốt".
Cô dự đoán Covid-19 sẽ sống như cúm và phải tiêm nhắc lại vaccine hàng năm. "Chúng ta phải sống chung với Covid-19", cô nói.
Ido Hadari, đại diện của HMO Maccabi, không chắc người dân liệu có phải tiêm liều tăng cường thường xuyên hay không. "Tôi chưa thấy căn bệnh nào mà mọi người phải tiêm chủng 6 tháng một lần", Hadari nói. "Nhưng bạn không thể nói trước bất kỳ điều gì với căn bệnh này".
Thanh Tâm (Theo NPR)