Bài viết Chín điều cần cải cách giáo dục phổ thông bàn về những vấn đề cần thay đổi và giải pháp trong ngành giáo dục nhận được nhiều tranh luận của độc giả.
Độc giả Quan Duong nêu:
Tôi đồng ý phải giảm tải số học sinh trong một lớp. Tuy nhiên nếu giữ số lượng học sinh không quá 20 người một lớp thì số lượng thầy cô giáo, số phòng học phải tăng gấp đôi. Thực trạng hiện nay đang thiếu hụt khá nhiều người làm sư phạm và số tiền đầu tư vào xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị vẫn còn khá khiêm tốn.
Điều thứ hai, "không cần cấm học thêm dạy thêm nhưng phải quy định rõ, thầy cô dạy chính khóa không được phép dạy thêm". Theo quan điểm của tôi thì dạy thêm có hai mục đích rõ ràng: Giúp các em có học lực đuối vươn lên, hoặc giúp các em có nhu cầu học nâng cao để luyện thi học sinh giỏi. Mục đích là vậy tuy nhiên hiện nay vẫn còn tình trạng các thầy cô dạy kiến thức ở lớp học thêm nhưng chỉ lướt qua ở trên lớp.
Một phần cũng vì khối lượng kiến thức mà các thầy cô phải dạy trên lớp quá lớn, không thể truyền đạt hết trong 2-3 tiết một tuần. Vì vậy theo tôi nên giảm tải khối lượng, không cấm dạy thêm và chú trọng phát triển kỹ năng tự học, tự nghiên cứu.
Các ý khác tác giả đưa ra tôi hoàn toàn đồng ý.
Độc giả Anbxc:
Từ quan điểm của một ông bố có hai con đang học tiểu học, tôi xin phản biện lại vài vấn đề:
Vấn đề 1, 6, 7, tác giả nên nhìn nhận cả về góc độ nhân lực giáo dục, cơ sở vật chất, tâm sinh lý học sinh. Nếu muốn đủ cả ba vấn đề, hãy cho con bạn học theo kiểu phong trào home-schooling.
Ghép nhi đồng với thiếu niên, thanh niên cùng một trường học là cực kỳ dở. Con tôi học lớp 2 nhưng cháu hóng hớt bố mẹ dạy anh cũng nhớ cách làm toán lớp 5. Bố mẹ dạy được, nhưng nhà trường nào dạy được kiểu đó?
Vấn đề 2: Các cô giáo ở trường con tôi chỉ dám dạy chui và dạy cho vài học sinh. Muốn học thêm phụ huynh cũng phải gãy lưỡi mà nhờ cô mới nhận, mà chỉ dám nhận học sinh gần nhà chứ không thì cô bị kỷ luật như chơi. Con học không theo kịp cũng có thể vì chương trình nặng và cha mẹ không kèm con chứ đừng đổ lỗi cho giáo viên ép học thêm.
Vấn đề 3: Bạn nên xem nó như là dạy kỹ năng lãnh đạo từ nhỏ, vậy có phải tốt hơn không. Chứ lớp trưởng, lớp phó của tụi nhỏ đâu có lợi ích gì.
Vấn đề 4: Giáo dục lớp lớn thì tôi không rõ, nhưng với lớp nhỏ, có mục tiêu rõ ràng và sách giáo khoa hiện tại mỗi bài học đều có một mục tiêu nhỏ. Có gì phải bàn thêm đâu.
Vấn đề 5: Trường con tôi, ngoài giờ môn học ngoại khóa theo tuần, năm rồi cũng 4 lượt liên kết ngoại khóa, chưa kể hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của nhà trường. Bạn thấy ít, tôi thì không.
Độc giả Thánh Tuệ:
1. Chống gian lận thi cử để đảm bảo những học sinh thực học, có chất lượng mới qua, loại bỏ những học sinh yếu kém, hoặc cảnh báo răn đe những học sinh lười học sẽ không thể qua nổi kì thi. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT có lẽ nên thực chất chỉ duy trì ở mức 60-70%.
2. Tăng lương giáo viên. Dù gì thì khi làm nghề mà không đủ sống, hoặc sống chật vật thì người ta sẽ xao nhãng, tìm cách khác để sống nên sẽ không tập trung chuyên môn. Đương nhiên phải tăng chất lượng giáo viên tương ứng bằng cách tự nâng cao trình độ bắt buộc. GV cấp 1-2 phải có bằng đại học, giáo viên cấp 3 phải có bằng thạc sĩ .
3. Giám sát chặt chẽ nhân viên, giáo viên, giảng viên để không gian lận thi cử, không tạo thời gian, tính tình chây lười trong công việc. Phải thực dạy, dạy nghiêm túc.
4. Sách giáo khoa phải được biên soạn làm sao cho học sinh phải tham gia tích cực trong bài giảng thay vì ngồi nghe và chép (chủ động vận động chứ không bị động), tập trung vào vận động não bộ (động não) mới có thể ghi nhớ thông tin (các quy tắc, luật chính tả, luật suy luận... không dạy trong mơ hồ).
5. Đầu tư cho khoa học, kỹ thuật của trường học, tăng cường tiếp xúc công nghệ đối với học sinh.
6. Nâng cao kỹ năng tự học hiệu quả của học sinh, sinh viên.
7. Kỹ năng mềm, kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng ngôn ngữ...
8. Trang bị đầy đủ tri thức cho thanh niên (lực lượng lao động quan trọng nhất của xã hội).
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp