Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo Tổng thống Mỹ Joe Biden "đừng đùa với lửa" khi đề cập đến vấn đề Đài Loan trong một cuộc điện đàm hồi tuần trước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên sau đó tuyên bố quân đội nước này "sẽ không ngồi yên" nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan. Tuy nhiên, bà Pelosi vẫn tới hòn đảo, bất chấp những tín hiệu cứng rắn từ phía Trung Quốc.
Theo giới quan sát, Trung Quốc không thực hiện những lời đe dọa của mình đối với máy bay chở bà Pelosi, bởi Bắc Kinh không muốn kích động một cuộc xung đột với Washington, có thể gây thiệt hại kinh tế trầm trọng cho cả hai bên. Tuy nhiên, sau khi bà Pelosi rời đi, Trung Quốc có thể tung ra nhiều động thái đáp trả Đài Loan mà không kích động xung đột trực diện với Mỹ.
Điều chiến đấu cơ áp sát bất thường
Với việc dư luận quốc tế đã trở nên quen thuộc với những lần Bắc Kinh điều máy bay chiến đấu xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, quân đội Trung Quốc giờ đây sẽ tăng cường triển khai những chuyến bay đặc biệt lớn hoặc bất thường ở gần Đài Loan nếu muốn gửi đi một tín hiệu cảnh báo, giới quan sát đánh giá.
Kỷ lục số chiến đấu cơ được ghi nhận trong một lần Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan là 56 chiếc vào tháng 10 năm ngoái, trùng với số máy bay Mỹ điều động tập trận gần đó lúc bấy giờ.
Hồi tháng 11, khoảng 15 chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay vòng quanh phía đông Đài Loan, thay vì di chuyển theo các tuyến bay ở phía tây nam như thường lệ, sau khi một phái đoàn quốc hội Mỹ đến thăm hòn đảo.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan ngày 3/8 thông báo quân đội Trung Quốc đã triển khai 27 chiến đấu cơ áp sát hòn đảo, trong đó 22 chiếc vượt qua "đường trung tuyến", ranh giới được ngầm hiểu là đường phân định eo biển Đài Loan, nhưng không tiến sâu.
Bắc Kinh có thể duy trì mức độ triển khai chiến đấu cơ áp sát như vậy trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, gây mệt mỏi cho lực lượng phòng vệ trên không của Đài Loan khi họ phải liên tục xuất kích, ngăn chặn máy bay Trung Quốc.
Amanda Hsiao, nhà phân tích cấp cao tại Nhóm Khủng hoảng Toàn cầu (ICG), trụ sở tại Đài Loan, nhận định Trung Quốc sẽ phản ứng quân sự "theo cách leo thang rõ ràng hơn so với những lần phô trương sức mạnh trước đây".
Điều tiêm kích bay qua Đài Loan
Tờ Global Times, thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, từng gợi ý rằng Bắc Kinh nên triển khai một chiến đấu cơ bay ngang qua đảo Đài Loan, buộc chính quyền hòn đảo phải quyết định có bắn hạ nó hay không.
Năm ngoái, người đứng đầu cơ quan phòng vệ Đài Loan Chiu Kuo-cheng cảnh báo máy bay Trung Quốc "càng tiến gần hòn đảo, chúng tôi sẽ phản ứng càng quyết liệt".
Ngoài ra, việc cử máy bay vượt qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan, một vùng đệm mà Mỹ thiết lập vào năm 1954 nhưng Bắc Kinh không công nhận, sẽ gây áp lực lớn với Đài Loan, khi hòn đảo phải duy trì lực lượng ứng trực trên không để theo dõi và ngăn chặn.
Máy bay Trung Quốc đã liên tục vượt qua giới tuyến này hồi tháng 9/2020, khi thứ trưởng ngoại giao Mỹ lúc bấy giờ Keith Krach tới Đài Loan.
Thử tên lửa gần Đài Loan
Một trong những phản ứng quyết liệt nhất của Trung Quốc đối với các tương tác giữa Mỹ và Đài Loan diễn ra vào mùa hè năm 1995, khi Bắc Kinh phóng thử tên lửa vào vùng biển gần hòn đảo. Động thái này là một phần trong chuỗi biện pháp phản ứng của Trung Quốc chống lại quyết định từ tổng thống Mỹ Bill Clinton để lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy đến thăm Mỹ.
Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập nhiều vùng cấm quanh khu vực mục tiêu trong các cuộc thử nghiệm tên lửa, làm gián đoạn giao thông đường biển và hàng không gần đảo Đài Loan.
Gần đây hơn, quân đội Trung Quốc đã phóng tên lửa đạn đạo "sát thủ tàu sân bay" xuống khu vực ở phía bắc Biển Đông hồi tháng 8/2020, đáp trả các cuộc tập trận hải quân của Mỹ.
Trả đũa kinh tế, ngoại giao
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan. Bắc Kinh có thể tận dụng lợi thế đó bằng cách trừng phạt các nhà xuất khẩu, tẩy chay một số mặt hàng của Đài Loan hoặc hạn chế thương mại hai chiều. Trung Quốc hôm 1/8 bắt đầu cấm nhập khẩu thực phẩm từ hơn 100 nhà cung cấp Đài Loan.
Tuy nhiên, Trung Quốc phải thận trọng với động thái trừng phạt kinh tế này, vì họ cần Đài Loan cung cấp chất bán dẫn vốn rất cần thiết cho lĩnh vực công nghệ cao, giới chuyên gia lưu ý.
Bắc Kinh đã áp lệnh trừng phạt với nhiều lãnh đạo Đài Loan, trong đó có cả lệnh cấm đến đại lục. Giới quan sát dự đoán sẽ có thêm nhiều quan chức Đài Loan phải đối mặt với những hành động tương tự sau chuyến thăm của bà Pelosi, nhưng tác động của chúng không thực sự lớn vì các chính trị gia Đài Loan hiếm khi đến đại lục hay làm ăn, kinh doanh ở đây.
Trung Quốc cũng có thể làm gián đoạn hoạt động vận chuyển ở eo biển Đài Loan, tuyến đường thương mại quan trọng của thế giới. Các quan chức quân sự Trung Quốc từng nhiều lần nói với những người đồng cấp Mỹ rằng eo biển này không phải vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, mọi động thái cản trở vận chuyển thương mại quốc tế nhiều khả năng sẽ chỉ làm tổn hại đến kinh tế Trung Quốc.
Ngoài sức ép kinh tế với Đài Loan, Mỹ cũng có thể tăng áp lực ngoại giao với Mỹ sau chuyến thăm của bà Pelosi. Giới quan sát dự đoán một trong những biện pháp phản đối ngoại giao Bắc Kinh có thể áp dụng là triệu hồi Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương, người mới nhậm chức hồi năm ngoái, về nước.
Năm 1995, Trung Quốc cũng rút đại sứ tại Mỹ về nước sau khi Washington cho phép lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy đến thăm nước này.
Năm ngoái, Trung Quốc đã triệu hồi đại sứ tại Litva sau khi quốc gia Baltic này cho phép Đài Loan mở văn phòng tại Vilnius với tên gọi "Văn phòng Đại diện Đài Loan", thay cho tên gọi cũ là "Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 2/8 cho biết Bắc Kinh sẽ liên lạc với đại sứ tại Washington "vào thời điểm thích hợp". Bà không trả lời khi được hỏi về cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra giữa ông Biden và ông Tập, nhưng cho biết bất kỳ cuộc gặp nào cũng sẽ được quyết định "thông qua các kênh ngoại giao".
Vũ Hoàng (Theo Bloomberg)