"Họ lo ngân hàng mai đóng cửa", Chiu giải thích yêu cầu kỳ lạ của khách hàng lúc tan tầm, trong bối cảnh có nhiều thông tin máy bay chở Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sắp hạ cánh xuống Đài Loan.
Chiu lo lắng khả năng ngân hàng đóng cửa, nhưng động thái hối hả đi rút tiền của một số khách hàng phần nào cho thấy quan điểm của một bộ phận cư dân Đài Loan về chuyến thăm của bà Pelosi.
Vài tiếng sau, bà Pelosi cùng phái đoàn quốc hội Mỹ tới sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm vô cùng nhạy cảm, đe dọa châm ngòi một cuộc khủng hoảng mới ở eo biển Đài Loan.
Vài tuần trước, khi thông tin về chuyến thăm của bà Pelosi xuất hiện trên truyền thông Mỹ, người dân Đài Loan không mấy quan tâm. Trong lúc báo chí quốc tế liên tục đưa ra những đồn đoán, bình luận về chuyến thăm, truyền thông Đài Loan chủ yếu đưa tin về cuộc bầu cử địa phương, nắng nóng và người nổi tiếng.
Các bản tin liên quan đến bà Pelosi thậm chí không lọt vào top 5 của các tờ báo ở hòn đảo. Một số nhà bình luận thậm chí còn đùa rằng họ sẵn sàng đặt cược vài bao gạo về khả năng bà Pelosi sẽ không tới Đài Loan.
"Lo nhiều cũng vô ích", Chiu nói. "Chiến sự Nga - Ukraine cho chúng tôi thấy chiến tranh thực sự như thế nào. Cái gì phải đến thì cuối cùng sẽ đến thôi".
Người Đài Loan nêu nhiều nguyên nhân khiến họ không lo lắng, từ coi xung đột là điều không thể tránh khỏi, cho tới khả năng Mỹ giúp đỡ hòn đảo nếu chiến sự nổ ra, hay lý do đơn giản nhất là chiến tranh sẽ không bùng phát vì không ai muốn.
Nhưng khi chuyến thăm của bà Pelosi được xác nhận, tâm trạng của người Đài Loan bắt đầu thay đổi. Các tờ báo mở khảo sát ý kiến và gần 2/3 số người tham gia trả lời trên trang UDN rằng chuyến thăm gây bất ổn. Các chương trình phát thanh thảo luận phương án chuẩn bị và sơ tán, khiến bầu không khí lo lắng bắt đầu gia tăng.
Tối 2/8, hàng trăm người tụ tập tại nhiều địa điểm ở Đài Bắc để chào đón hoặc phản đối bà Pelosi. Bên ngoài khách sạn Grand Hyatt, nơi bà Pelosi nghỉ qua đêm, số người tập trung đông đến mức cảnh sát được huy động để đảm bảo trật tự.
Những người ủng hộ hô vang khẩu hiệu chào mừng Chủ tịch Hạ viện Mỹ, trong khi nhóm khác gọi bà là "kẻ gây chiến", bày tỏ phản đối chuyến thăm của bà.
Các nhà phân tích Đài Loan và quốc tế cho rằng chuyến thăm diễn ra vào thời điểm nguy hiểm nhất trong căng thẳng giữa hai bờ eo biển. Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan gần đây nhất kéo dài vài tháng năm 1996. Một năm sau, người tiền nhiệm của bà Pelosi là Newt Gingrich đã tới thăm hòn đảo. Bắc Kinh lúc đó không có động thái gì, nhưng đấy là chuyện của 26 năm trước.
Giờ đây, Đài Loan đang đối mặt một Trung Quốc thịnh vượng và quyết đoán hơn nhiều. Bắc Kinh không ngừng tuyên bố Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.
Đài Loan, một đối tác thương mại với Trung Quốc, mong muốn thế cân bằng an toàn hiện tại, tránh xung đột trong khi vẫn xây dựng quan hệ với quốc tế.
Tại Đài Bắc, Blair Lo, làm việc trong ngành y sinh, nhận định chính quyền không thể tiếp tục bảo vệ hiện trạng trong quan hệ với Trung Quốc đại lục. Với Trung Quốc ở phía bên kia eo biển, "hiện trạng nghĩa là không bao giờ như cũ nữa", cô nói.
Lo ủng hộ chuyến thăm của bà Pelosi, nhưng cho biết cô và những người lớn tuổi xung quanh đều sợ chiến tranh. Sau khi tin tức về chuyến thăm của bà Pelosi được truyền thông công bố tháng trước, Bắc Kinh đã cảnh báo "hậu quả thảm khốc" và Mỹ "chớ nên đùa với lửa".
Cảnh báo này trở thành hành động ngày 1 và 2/8. Tàu chiến và máy bay của quân đội Trung Quốc áp sát đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan, trong khi Bắc Kinh công bố kế hoạch tổ chức hàng loạt cuộc tập trận bắn đạn thật trong vài ngày tới.
Tại Trung Quốc, chuyến thăm trở thành chủ đề thu hút nhất mạng xã hội Weibo ngày 2/8. Phần lớn các cuộc thảo luận đều thể hiện chủ nghĩa dân tộc, ủng hộ Trung Quốc, phản đối Đài Loan độc lập.
Zhu Feng, viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nam Kinh Trung Quốc, cho rằng Mỹ đang "đổ thêm dầu vào lửa", nhưng Trung Quốc sẽ không trả đũa bằng bất kỳ hành động thù địch nào.
"Chúng tôi không muốn xung đột quân sự leo thang. Chúng tôi không muốn đánh nhau với Mỹ về vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, thật dễ hiểu khi chính quyền và người dân Trung Quốc tức giận vì chuyến thăm của bà Pelosi", ông nói.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)