Lần gần nhất Taliban tiến vào Kabul và kiểm soát Afghanistan vào năm 1996, lực lượng này lập tức dùng bạo lực để thiết lập một xã hội tuân thủ cách diễn giải hà khắc nhất của luật Hồi giáo Sharia. Trong "Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan" do Taliban điều hành, không có chỗ cho những giá trị bị xem là ngoại lai.
Cuối tháng 9/1996, các chiến binh thánh chiến tra tấn và hành quyết cựu tổng thống Mohammad Najibullah rồi treo thi thể ông trên cột đèn giao thông. Trong vòng một tháng, giới lãnh đạo phong trào thành lập cơ quan "Lan tỏa Đức hạnh và Triệt tiêu Suy đồi", triển khai nhiều đơn vị cảnh sát đạo đức khắp đất nước.
Bóng đá bị cấm. Sân vận động Ghazi trở thành nơi tổ chức những buổi tử hình công khai bằng cách ném đá. Chính quyền cấm tuyệt đối truyền hình, âm nhạc và phim ảnh.
Nam giới không cầu nguyện đủ 5 lần mỗi ngày hay không để râu như truyền thống bị phạt đánh roi thị chúng. Phụ nữ bị cấm đi làm, đi học, bắt buộc mang khăn choàng burqa màu đen trùm kín mặt. Họ không được ra đường nếu không có đàn ông trong gia đình đi cùng.
Những hình ảnh hiếm hoi truyền đi từ Afghanistan từng khiến thế giới rúng động. Đoạn video một người mẹ quỳ phục trong sân vận động rồi nhận phát đạn kết liễu giữa khung thành. Trẻ em chết mòn trong bệnh viện đổ nát khi Taliban từ chối khoa học. Hàng nghìn người tị nạn và tha phương trong những khu trại rải rác khắp đất nước.
Tháng 3/2001, vài tháng trước vụ khủng bố 11/9 của al-Qaeda trên đất Mỹ, Taliban cho nổ bom phá hủy hai tượng phật khổng lồ Bamiyan gần 1.500 năm tuổi bất chấp lời kêu gọi bảo tồn từ cộng đồng quốc tế. Những chiến binh thánh chiến xem kỳ quan tôn giáo này là sự báng bổ đối với đức tin.
Cổ vật vô giá trong Bảo tàng Kabul cũng chịu chung số phận, khi Taliban không chấp nhận bất kỳ giá trị nào tồn tại trước nền văn minh Hồi giáo.
"Trước khi có khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), chính Taliban là những người thị phạm", John Lee Anderson, cây viết kỳ cựu của The New Yorker về Afghanistan, nhận định.
Giới lãnh đạo Taliban khi đó tập trung quyền lực trong tay một nhóm nhỏ cựu phiến quân từng chiến đấu chống can thiệp quân sự của Liên Xô vào thập niên 1980. Người đứng đầu chính quyền, Mohammad Omar, nhiều lần tìm kiếm sự công nhận từ cộng đồng quốc tế, mở lời hợp tác với Mỹ vào năm 1996 và cố gửi nhà ngoại giao đến Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Tiểu vương quốc Hồi giáo cũng thử theo đuổi mô hình nhà nước hiện đại, với các bộ trưởng đảm trách y tế và thương mại hay thống đốc ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, đội ngũ lãnh đạo Taliban vẫn chủ yếu là những cựu chỉ huy quân sự, được đào tạo trong những ngôi trường giáo lý Hồi giáo.
Omar hiếm khi rời thành phố Kandahar. Ông truyền đạt chỉ đạo qua những người đưa tin thân tín. Các đơn vị dân quân Taliban tiếp tục mở những chiến dịch nhắm vào cộng đồng thiểu số theo Hồi giáo Shiite, đốt phá làng mạc. Môi trường hỗn loạn tại Afghanistan, yếu tố giúp Taliban trỗi dậy nắm chính quyền, lại trở thành thách thức lớn nhất cho giấc mơ trị vì của Omar.
Khi tình trạng vi phạm nhân quyền ở Afghanistan ngày càng nghiêm trọng và được tiết lộ nhiều hơn cho truyền thông quốc tế, cơ hội ngoại giao giữa Taliban với thế giới bên ngoài cũng cạn dần. Chỉ có 4 nước chính thức công nhận chính quyền Taliban gồm Pakistan, Arab Saudi, UAE và Turkmenistan.
Vùng đất trở thành điểm đến lý tưởng cho những lực lượng cực đoan như al-Qaeda. Thời điểm tư gia của Mohammad Omar bị đánh bom, chính Osama bin Laden là mạnh thường quân rót tiền cho ông xây dinh thự mới.
Thủ lĩnh kiêm sáng lập tổ chức khủng bố al-Qaeda cũng được cho là người cung cấp tài chính đưa Taliban đến chiến thắng. Mối quan hệ này cùng quyết định từ chối dẫn độ Bin Laden sau vụ khủng bố 11/9/2001 đã chấm dứt 5 năm cầm quyền của Omar khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan.
Trở lại nắm quyền sau 20 năm, Taliban đang cố tạo dựng một hình ảnh khác với lần gần nhất họ tiến quân vào Kabul. Các chỉ huy yêu cầu chiến binh thánh chiến không khám xét nhà dân hay cướp phá tài sản. Họ ra thông báo ân xá cho bất kỳ ai từng làm việc cho chính quyền cũ, cùng những lời hứa hẹn về nhân quyền và đảm bảo an ninh, hòa bình cho người dân.
Một số nhà phân tích lưu ý thế hệ lãnh đạo mới của Taliban trải qua hơn một thập kỷ ở Pakistan hay các nước Vùng Vịnh và có cái nhìn ít bảo thủ hơn. Thông qua các nỗ lực ngoại giao thời gian qua, nhóm lãnh đạo Taliban phát đi tín hiệu họ đang cân nhắc điều chỉnh cách diễn giải luật Sharia để đổi lấy sự công nhận và hỗ trợ quốc tế.
Tuy nhiên, giới quan sát và cộng đồng quốc tế vẫn theo dõi Taliban với thái độ dè chừng và hoài nghi. Làn sóng dân thường Afghanistan tháo chạy từ các thành phố về Kabul vào tuần qua và kéo đến sân bay Hamid Karzai ngày 15/8 tìm đường thoát khỏi đất nước đã chứng tỏ rõ thực tế: 20 năm vẫn chưa đủ để người dân nước này quên đi nỗi ám ảnh về cuộc sống dưới quyền Taliban.
Thanh Danh (Theo Washington Post/NPR)