Bác sĩ Trần Huỳnh Tấn, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, khuyến cáo cách phòng bệnh nêu trên, thêm rằng cần áp dụng cho cả trẻ và phụ huynh, người chăm sóc trong bối cảnh nhiều ca bệnh xuất hiện từ đầu năm. Cụ thể, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 151 ca ho gà, chủ yếu là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa tiêm đầy đủ. TP HCM ghi nhận 30 ca ho gà tính đến ngày 12/6, 40% là trẻ dưới 2 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm chủng.
Tiêm ngừa cho trẻ
Trẻ em càng nhỏ tuổi càng dễ mắc ho gà và trở nặng do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Ho gà có thể gây bội nhiễm, biến chứng viêm phổi, viêm phế quản - phổi, đặc biệt nhóm dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.
Trong các biện pháp phòng ho gà, tiêm ngừa giúp trẻ có miễn dịch đặc hiệu an toàn. Em bé có thể tiêm phòng khi hai tháng tuổi với các mũi 5 trong 1 hoặc 6 trong 1. Vaccine hiệu quả bảo vệ lên đến 98% khi chủng ngừa đúng lịch, đủ mũi.
Phác đồ tiêm chủng gồm 3 mũi khi trẻ 2-3-4 tháng tuổi, tiêm nhắc một mũi khi 16-18 tháng. Ngoài ra, trẻ cũng cần tiêm nhắc mũi bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt khi 4-6 tuổi để củng cố miễn dịch.
Tiêm ngừa cho mẹ và người chăm sóc trẻ
Em bé dưới hai tháng tuổi phụ thuộc vào kháng thể từ mẹ. Mẹ không tiêm vaccine lúc mang thai sẽ không có miễn dịch truyền cho con trong thai kỳ, khiến trẻ dễ bị vi khuẩn xâm nhập, gây bệnh nặng.
Tiêm ngừa vaccine có thành phần ho gà trong thai kỳ được WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đưa vào chiến lược ngừa ho gà ở trẻ sơ sinh. Vaccine ngừa ho gà cho thai phụ là mũi kết hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván, tiêm vào ba tháng giữa hoặc ba tháng cuối thai kỳ. Thời gian tiêm trước khi sinh tối thiểu một tháng để cơ thể kịp sinh kháng thể và truyền sang con. Vaccine giúp bảo vệ trẻ sau sinh khỏi bệnh ho gà với tỷ lệ hơn 90%.
Người thân, người thường xuyên chăm sóc trẻ cũng cần tiêm ngừa để bảo vệ sức khỏe và tránh lây bệnh cho bé.
Tránh tiếp xúc bệnh nhân
Ho gà lây qua đường hô hấp. Một người nhiễm mầm bệnh có thể lây cho 12-17 người. Trẻ sơ sinh nhiễm ho gà khi tiếp xúc dịch tiết đường hô hấp của người bệnh thông qua ôm hôn, nói chuyện.
Biểu hiện của bệnh gồm cơn ho kéo dài không thể ngừng, rít như tiếng gà. Trẻ ho nhiều, lả đi do mất sức. Bệnh có thể biến chứng nặng như viêm phổi, bệnh lý não, suy dinh dưỡng, bội nhiễm thêm các tác nhân truyền nhiễm khác...
Người thân trong gia đình, người chăm sóc trẻ, anh chị em nghi nhiễm bệnh hoặc có các triệu chứng viêm đường hô hấp như đau cổ, ho, hắt hơi... cần hạn chế tiếp xúc gần với trẻ nhỏ. Cách này giúp trẻ phòng ho gà và tránh nhiễm các loại siêu vi đường hô hấp khác.
Vệ sinh họng miệng
Ho gà khi xâm nhập vào cơ thể sẽ trú ở vùng niêm mạc mũi họng. Vệ sinh đúng cách họng miệng giúp giảm lượng vi khuẩn và khả năng viêm nhiễm.
Niêm mạc họng miệng của trẻ sơ sinh còn mỏng nên thao tác cần nhẹ nhàng. Với vùng mũi, phụ huynh sử dụng một miếng bông tròn ẩm làm sạch dịch và gỉ mũi. Nếu trẻ bị nghẹt mũi, nhỏ 1-2 giọt nước muối sinh lý trước khi lau bằng bông gòn. Vùng họng miệng nên vệ sinh mũi vào buổi sáng trước khi cho bé bú bằng cách làm ẩm một miếng gạc mềm, quấn vào đầu ngón tay trỏ rồi lau thật nhẹ.
Người lớn cũng cần vệ sinh họng miệng bằng nước muối sinh lý để giữ vệ sinh, tránh mắc bệnh lây sang trẻ.
Vệ sinh bề mặt, đồ chơi
Vi khuẩn ho gà có thể tồn tại một thời gian ngắn bên ngoài cơ thể người bệnh, bám trên sàn nhà, tay nắm cửa. Do đó, phụ huynh, người chăm sóc cần chú ý vệ sinh bề mặt, sàn nhà, tay nắm cửa, đồ chơi và tay trẻ.
Khi trẻ bắt đầu đến trường mầm non, cần hướng dẫn thói quen rửa tay với xà phòng trước ăn, khi trở về nhà từ nơi đông người, sau vệ sinh hoặc lấy tay che miệng khi ho. Người lớn trong gia đình cũng cần rửa tay kỹ với xà phòng để tránh mầm bệnh lây sang trẻ trong quá trình chăm sóc.
Nhật Linh