Trả lời:
Sởi dễ lây lan qua đường hô hấp. Bệnh có thể gây biến chứng như mù, tiêu chảy cấp, viêm tai giữa, viêm phổi.
Trong đó, khoảng 0,1-0,6% bệnh nhân gặp biến chứng viêm não. Biến chứng này thường xuất hiện ở trẻ em tuổi đi học, vào tuần đầu khi phát ban sởi. Viêm não để lại di chứng nặng nề như yếu, liệt, giảm thị lực. 10-40% bệnh nhân sởi biến chứng viêm não có thể tử vong.
Ngoài ra, sởi có thể gây viêm não xơ cứng bán cấp (SSPE). Theo trang y khoa MSD Manuals, đây là bệnh hiếm gặp, xảy ra khi nhiễm virus sởi dai dẳng. Triệu chứng của SSPE gồm hiệu quả học tập giảm sút, hay quên, nóng nảy, mất tập trung... Khi tiến triển, bệnh nhân có thể bị sa sút trí tuệ và rung giật cơ đặc trưng. Nguy cơ phát triển SSPE cao nhất ở người dưới hai tuổi và không tiêm vaccine.
Tiêm phòng là biện pháp quan trọng để phòng sởi và biến chứng viêm não. Các vaccine hiện có gồm mũi đơn, mũi phối hợp phòng: sởi - rubella, sởi - quai bị - rubella.
Trong đó mũi đơn và mũi phối hợp phòng ba bệnh đã phổ biến trong chương trình tiêm chủng dịch vụ cho trẻ từ 9 tháng tuổi lẫn người lớn. Hai mũi sởi - quai bị - rubella có hiệu quả phòng bệnh lên đến 97%.
Vaccine không được tiêm trong khi mang thai. Do đó, phụ nữ cần chủng ngừa và hoàn thành phác đồ trước khi có bầu tối thiểu ba tháng. Việc tiêm ngừa giúp phòng bệnh cho mẹ và bé trong thai kỳ, đồng thời bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời.
Bên cạnh tiêm ngừa, nhiều biện pháp phòng bệnh khác cũng cần được tuân thủ như vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ môi trường thông thoáng, không tiếp xúc với người bệnh. Khi đến nơi đông người, nên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.
Trường hợp sốt cao không đáp ứng thuốc hoặc sốt cao kèm phát ban, người dân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị. Sởi rất dễ lây nên bệnh nhân cần thông báo cho trường học, nơi làm việc để có biện pháp phòng ngừa đối với những người tiếp xúc gần.
Bác sĩ Huỳnh Trần An Khương
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC