Nhiều tiểu thương ở các chợ truyền thống đang điêu đứng vì lượng khách sụt giảm nghiêm trọng tới hơn 50%. Đó là tình trạng chung tại nhiều thành phố lớn ở nước ta hiện nay. Vậy đâu là nguyên nhân khiến chợ truyền thống vắng khách như vậy?
Độc giả Ahihi cho rằng: "Mấu chốt là vấn đề niêm yết giá cả. Tất cả chợ truyền thống chỉ cần niêm yết giá rõ ràng thì sẽ cạnh tranh được với các loại hình kinh doanh khác. Niêm yết giá vừa giúp người bán không phải lo khách xem hàng, hỏi giá mà không mua; trong khi người mua cũng yên tâm vì biết được giá bán, không phải lo bị mua hớ hay người bán mắng chửi vì không mua hàng.
Niêm yết giá còn chứng tỏ người bán không chặt chém người mua, không nhìn mặt phán giá, không phân biệt vùng miền, bán cùng một mức giá với bất kỳ ai, làm cho người mua yên tâm đi chợ. Niêm yết giá chính là biểu hiện sự văn minh trong kinh doanh.
Tại sao siêu thị vẫn hút khách gì bán giá cao hơn chợ truyền thống? Đó là bởi người ta ghi giá rõ ràng, bạn có quyền chọn mua hay không, không lo bị ép buộc? Người ta mua hàng ngoài giá cả còn nhiều yếu tố khác, anh bán rẻ hơn hay không chưa biết nhưng khi tôi hỏi giá mà không mua lập tức bị anh chửi như tát nước thì chắc chắn không có lần sau. Nhiều tiểu thương mặc định khách hỏi giá mà không mua là chửi, vậy thì mất khách là điều dễ hiểu".
Nói về lý do mua hàng ở siêu thị thay vì chợ truyền thống, bạn đọc Minh chia sẻ: "Tôi chủ yếu đi siêu thị, dù giá có đắt hơn một chút nhưng bù lại tôi không phải mệt đầu. Nhớ đợt trước ra chợ mua cái máy cạo râu, tôi có xem trước giá bán trên mạng là khoảng 120.000 đồng. Vậy mà khi ra chợ, tìm chính xác loại đó, chủ cửa hàng lại hét giá 420.000 đồng. Tôi hỏi xin bớt nhưng chị chủ nói chỉ bớt cho 20.000 đồng. Tôi không nói gì và quay xe đi thẳng. Từ đó, tôi không dám quay lại chợ truyền thống vì trả kiểu gì cũng hớ".
>> 'Phải niêm yết giá ở chợ Bến Thành'
Thất vọng vì thái độ bán hàng của tiểu thương chợ truyền thống, độc giả Machgiao bình luận: "Vào siêu thị, tôi cầm bốn trái ớt ra quầy thanh toán người ta vẫn bán, nhưng vào chợ mua 500 - 1.000 đồng tiền ớt sẽ chỉ nhận lại những cái hất mặt của người bán kèm lời nói như hét vào mặt 'mua 2.000 đồng mới bán'. Ở siêu thị không có kiểu ép người mua phải mua nhiều như vậy. Tôi mua một lạng thịt người ta cũng bán theo yêu cầu, còn ra chợ kiểu gì cũng bị ép 'lấy luôn hai lạng nhé'.
Ngoài ra, nếu vào siêu thị lúc sáng sớm, lượn một vòng không có món hàng mình muốn mua, tôi có thể thoải mái đi ra mà không cần mua gì. Trong khi đó, vào chợ chỉ ngắm nghía rồi không mua là sẽ bị nghe người bán chửi bới, xem mình như vong, đốt vía các kiểu. Thế nên, đã 5 năm rồi tôi chỉ đi siêu thị chứ không ra chợ truyền thống nữa".
"Chợ truyền thống có ba vấn đề:
Thứ nhất, chất lượng hàng hóa không rõ nguồn gốc, vấn đề bảo quản đặc biệt là thịt heo, bò, gà, vịt làm sẵn là một dấu hỏi.
Thứ hai, tình trạng gian lận, cân thiếu diễn ra phổ biến. Thế nên, mang tiếng là rẻ hơn siêu thị nhưng đôi khi mua 1 kg nhưng về nhà cân lại có 900 g, tính ra chẳng khác nào ngang giá siêu thị, thậm chí còn đắt hơn.
Thứ ba, vệ sinh môi trường ở chợ rất tệ, đường bẩn, ồn ào, không an ninh, dễ bị mất cắp, lừa đảo.
Trong khi đó, mua hàng ở siêu thị lại có nhiều tiện lợi như: hàng hóa có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng, có thể đổi trả, phản ánh chất lượng với nhà cung cấp; 100% cân đủ; không gian mua sắm mát mẻ, sạch sẽ, không bị mùi hôi, an ninh đảm bảo, không lo mất trộm... Tất cả điều đó khiến chợ truyền thống ngày càng vắng khách", bạn đọc Quang Dũng nói thêm.
Nhấn mạnh các tiểu thương chợ truyền thống cần thay đổi cung cách bán hàng để lấy lại thiện cảm và lòng tin của khách hàng, độc giả Hoàng Linh kết lại: "Tiểu thương cần phải thay đổi tư duy và phương thức bán hàng, nếu không thì sớm muộn bị đào thải khỏi thị trường tiêu dùng. Khách hàng phải là thượng đế, người mua hàng ở bất cứ thành phần nào cũng cần được phục vụ với một thái độ tốt. Tiếc rằng điều cơ bản ấy lại chưa xuất hiện ở chợ truyền thống".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.