Với những người chỉ quen chạy xe máy trong thành phố hoặc đường trường nhưng bằng phẳng thì đường đèo dốc quanh co là một thách thức lớn. Độ dốc lớn của đường núi sẽ khiến xe lao xuống nhanh, hướng thay đổi liên tục nên nếu không thể kiểm soát tốc độ, rất dễ tai nạn.
Một rủi ro hàng đầu khi đổ đèo là mất phanh vì người lái phải phanh liên tục. Với hệ thống phanh đã cũ, không được bảo dưỡng thường xuyên, khi phanh liên tục, má phanh nóng lên, mất ma sát nên phanh mất tác dụng. Để hạn chế phanh bằng tay, người lái nên sử dụng phanh động cơ, theo cách sau đây.
Không tắt máy
Dù đi xe máy gì, cũng nhất thiết không được tắt máy. Khi tắt máy, xe sẽ chạy theo quán tính rất nguy hiểm, khi ấy không thể phanh động cơ, thậm chí phanh tay cũng mất tác dụng bơm dầu.
Xe số (gồm cả xe côn tay, côn tự động)
Với xe số, sẽ rất dễ để phanh động cơ bằng cách đơn giản là về số thấp. Ví dụ, khi xuống dốc bằng số 4, thấy xe chạy nhanh quá mức, hãy về số 3 để xe ghìm lại. Lúc ấy xe sẽ chạy chậm hơn.
Về cơ bản, khi xuống số thấp, xe sẽ phải cần lực kéo lớn hơn, nhưng không thêm ga nên xe sẽ chạy chậm hơn khi ở số cao.
Xe ga
Với xe ga, kỹ năng sử dụng phanh động cơ sẽ khó hơn, vì xe ga sử dụng hộp số CVT (biến thiên vô cấp), không sử dụng bánh răng nên không thể lên, xuống số. Với người ít kinh nghiệm, tốt nhất không nên đổ đèo bằng xe ga.
Nếu phải đổ đèo bằng xe ga, sử dụng phanh bằng động cơ bằng cách lợi dụng độ bám của bộ ly hợp (côn) để ghìm xe ở một tốc độ nhất định, đủ để không phải sử dụng liên tục.
Khi bắt đầu đổ đèo, cho xe chạy xuống với tốc độ khoảng 15 km/h thì bắt đầu rà phanh, xoắn nhẹ tay ga, vừa mớm ga vừa phanh để giữ tốc độ ổn định từ 15-20 km/h. Khi đó, bộ côn đã bám (côn sẽ không bám nếu chạy quá chậm, dưới 15 km/h). Nhả phanh và ga, xe sẽ bị ghìm lại. Do côn vẫn bám và xe bị động cơ kéo giật lại, máy sẽ gào, gằn ra tiếng to lơn.
Khi xe chạy nhanh hơn vì độ dốc lớn, người lái chủ động mớm phanh để giữ tốc độ trong tầm kiểm soát.
Minh Vũ