Bản quyền quốc ca là vấn đề phức tạp với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, một trong những quốc gia hàng đầu về bản quyền. Bài hát "The Star-Spangled Banner" được quốc hội Mỹ năm 1931 tuyên bố là quốc ca, nên bản quyền thuộc sở hữu toàn dân.
Tuy nhiên, các quyền cơ học, quyền phát hành và trình diễn vẫn được áp dụng với quốc ca Mỹ. Quyền cơ học bảo vệ bản quyền phần phối khí cho các tổ chức, cá nhân đã đầu tư công sức, tiền của để ghi âm một bản quốc ca.
Theo lý giải trên cổng thông tin của hãng luật chuyên về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Suiter Swantz IP, dù quốc ca Mỹ không còn bản quyền tác giả là cá nhân cụ thể, hệ thống luật liên bang về bản quyền âm nhạc tại Mỹ vẫn lưu ý đến quyền tái sản xuất bản nhạc.
Giải Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ (NFL) tự tổ chức trình diễn, thu âm quốc ca để cử lên trước mỗi trận đấu và phát sóng trên các kênh truyền hình. Trong trường hợp này, NFL sẽ nắm quyền cơ học, trình diễn và phát hành đối với riêng phiên bản ghi âm đó. Các tổ chức hay cá nhân sử dụng lại bản nhạc do NFL thực hiện cần xin phép tổ chức này hoặc bỏ tiền ra mua.
Các giải thi đấu thể thao nhà nghề Mỹ cũng phải tự thu âm các bản quốc ca của riêng mình để phát tại các trận đấu, tương tự NFL.
Tuy nhiên, tất cả người dân Mỹ đều có quyền hát, trình bày, biểu diễn quốc ca ở mọi nơi và trên các nền tảng trực tuyến như YouTube, miễn là không sử dụng bản ghi âm của NFL hay các tổ chức tương tự.
Tại Singapore, dư luận đảo quốc đầu năm nay cũng dậy sóng vì bài hát "We Can Achieve" được nhạc sĩ Ấn Độ Joseph Mendoza sáng tác giống hệt bài "Count on Me, Singapore", vốn thuộc danh sách những bài hát quốc gia của Singapore, trong đó có quốc ca.
Bản quyền nhạc và lời bài hát "Count on Me, Singapore", do nhạc sĩ người Canada Hugh Harrison sáng tác và được nhạc công Jerremy Monteiro biểu diễn vào lễ quốc khánh năm 1986, thuộc về chính phủ Singapore.
Trả lời chất vấn quốc hội Singapore hồi tháng 4, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Edwin Tong tuyên bố cơ quan này sẵn sàng dùng công cụ pháp lý để giải quyết tranh chấp tác quyền về bài hát với Mendoza.
Ông nhấn mạnh các "bài hát quốc gia", cũng như quốc ca, được bảo vệ bằng Luật Quốc huy, Quốc kỳ và Quốc ca Singapore cùng Đạo luật Bản quyền, song không giải thích hướng áp dụng cách giải quyết pháp lý cụ thể với trường hợp tranh chấp bản quyền bài hát trên.
Trước những cáo buộc đạo nhạc, Mendoza tuyên bố bài hát của ông ra đời sớm hơn "Count on Me, Singapore" ba năm, nhưng mọi bằng chứng gồm băng ghi âm và tài liệu soạn nhạc đã hủy hoại trong đợt lũ năm 2005 tại Mumbai.
Lập luận của nhạc sĩ Ấn Độ khiến nhạc sĩ Harrison và người dân Singapore phẫn nộ, cho rằng Mendoza ám chỉ bài hát dân tộc của Singapore là "bản nhái". Lùm xùm tranh chấp này khiến bản nhạc "Count on Me, Singapore" thuộc sở hữu toàn dân của Singapore có nguy cơ bị đánh tác quyền trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube.
Sau khi làm việc với Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore, Mendoza chấp nhận rút lại mọi tuyên bố bản quyền bài hát vì không đủ chứng cứ, thông báo sẽ yêu cầu các bên liên quan và nền tảng mạng xã hội gỡ tất cả video bài hát này.
Đơn vị phát hành bài hát cũng thừa nhận sai sót gây nhầm lẫn đáng tiếc và gửi lời xin lỗi đến chính phủ Singapore.
Để giải quyết câu chuyện bản quyền phức tạp liên quan đến quốc ca và các bài hát quốc gia, chính phủ một số nước chủ động tổ chức thu âm và đăng ký bản quyền rồi đưa vào kho lưu trữ công cộng. Những tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng quốc thiều, quốc ca có thể tìm đến các nền tảng số do chính phủ quản lý hoặc liên hệ cơ quan chuyên trách để tải về.
Mô hình này được chính phủ Australia áp dụng với bản nhạc "Advance Australia Fair", được chọn làm quốc thiều vào năm 1984 và lời được soạn thảo bởi Hội đồng Quốc khánh Australia (bài hát được điều chỉnh lời vào ngày 1/1). Chính phủ Australia giữ bản quyền phần lời bài hát và một số bản trình diễn, được lưu trữ trên cổng thông tin chính phủ cho toàn dân tiếp cận và sử dụng.
Tổ chức hay cá nhân sử dụng quốc ca Australia vì mục đích thương mại cần xin phép chính phủ nước này, bao gồm sử dụng toàn bộ hay một phần bài hát, "tái sản xuất" phần nhạc không lời và "tái sản xuất" phần lời không kèm nhạc. Tất cả đơn xin phép phải được gửi về Văn phòng Thủ tướng và Nội các Australia.
Tại Singapore, Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên nước này vẫn đang nghiên cứu cải thiện quy định về bảo vệ tài sản trí tuệ đối với những biểu tượng quốc gia.
Bộ trưởng Tong cho biết bản quyền đa số bài hát quốc gia cùng các bản ghi thuộc về chính phủ Singapore hoặc do chính phủ quản lý. Trong mọi trường hợp, bên thứ ba muốn sử dụng bài hát thuộc sở hữu toàn dân của Singapore phải xin phép và được chính phủ nước này chấp thuận.
Singapore cũng đăng một số bản ghi âm quốc ca do Dàn hợp xướng Quốc gia hoặc Ban Quân nhạc Trung ương trình diễn lên kho lưu trữ công cộng, để mọi người sử dụng với mục đích phi thương mại. Bản ghi âm quốc ca mới nhất được thực hiện vào năm 2019 và được lưu trên cổng thông tin Ủy ban Di sản Quốc gia Singapore.
Trung Nhân (Theo Suiter, NST)