Thứ bảy tuần trước, người dân nườm nượp đổ về đường Đông Nam Kinh, một khu mua sắm ở Thượng Hải. Khoảng 20 gian hàng được dựng lên trên phố để bán thực phẩm, hoa và đồ lặt vặt. "Trung Quốc đã đánh bại Covid-19", một phụ nữ 25 tuổi tuyên bố. "Tôi đã bị giam trong nhà trong nhiều tuần, vì vậy những sự kiện này rất thú vị", cô nói thêm.
Sự kiện Đường Đông Nam Kinh là một trong các chợ đêm mà Thượng Hải bắt đầu tổ chức từ tháng này. Chính quyền thành phố hợp tác với các nhà bán lẻ và các công ty công nghệ để tổ chức các sự kiện tập trung mua sắm quy mô lớn. Họ cũng đang khuyến khích các trung tâm thương mại kéo dài thời gian hoạt động vào cuối tuần.
Cùng với mở thêm chợ đêm, phát phiếu giảm giá (coupon) và phiếu mua hàng (voucher) cũng là lựa chọn phổ biến của nhiều địa phương. Thượng Hải đã phát ra 2 tỷ USD coupon và hợp tác cùng Alibaba để phát hành lượng voucher trị giá 13 tỷ nhân dân tệ (1,84 tỷ USD) từ tháng 5 đến tháng 6. Người dân có thể dùng voucher để mua sắm tại các trang web trực tuyến, cửa hàng bách hóa, siêu thị, nhà hàng và các nơi khác.
Tương tự, Bắc Kinh cũng quyết định phát hành 12,2 tỷ nhân dân tệ voucher cho dân với sự hợp tác của các nhà bán lẻ. Tại Vũ Hán, Alibaba và Tencent Holdings tài trợ 500 triệu nhân dân tệ voucher trong tổng số 2,3 tỷ nhân dân tệ voucher mà thành phố này phát ra.
Để kích thích tiêu dùng, một số nơi cũng bỏ lệnh cấm buôn bán hàng rong. Trước đó, từ khoảng năm 2000, việc bán hàng rong được xem là bất hợp pháp ở nhiều địa phương vì lý do sức khỏe cộng đồng và nỗ lực cải thiện cảnh quan đô thị. Những người bán hàng rong phải đối mặt với đợt truy quét của cảnh sát.
Nhưng hiện này, một số nơi đã nới lỏng lệnh cấm để giải cứu các doanh nghiệp vi mô. Tại Quảng Châu, không gian trống trong trung tâm mua sắm và bãi đỗ xe đang được tích cực cho những người bán hàng rong thuê.
Mở rộng hoạt động bán hàng miễn thuế cũng là lựa chọn khác để kích thích tiêu dùng của Bắc Kinh. Hôm qua (10/6), Wangfujing Group, một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất Trung Quốc cho biết đã nhận được giấy phép bán hàng miễn thuế từ Bộ Tài chính. Đây là giấy phép thứ 8 từ trước đến nay mà bộ này cấp ra và lần này là nhằm nỗ lực kích thích tiêu dùng sau dịch.
Wangfujing Group là chủ sở hữu của Trung tâm Thương mại Bắc Kinh nổi tiếng tại thủ đô. Nhà bán lẻ này có ít nhất 54 trung tâm mua sắm tại 33 thành phố trên khắp Trung Quốc, vị thế khá vượt trội so với các đối thủ đã có giấy phép bán hàng miễn thuế trước đó như China Duty Free Group và Sunrise Duty Free.
"Chi tiêu sẽ phục hồi sau chính sách mở rộng hoạt động bán hàng miễn thuế tại các hòn đảo và trung tâm thành phố", hai nhà phân tích Fan Junhao và Xu Zhuonan củaChina International Capital Corp (CICC), bình luận hôm 10/6.
Tháng 4, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ cải thiện chính sách và giúp tăng lượng cửa hàng miễn thuế tại các sân bay và trong trung tâm thành phố, như một phần của kế hoạch kích thích tiêu dùng. Gần đây, Quảng Châu cũng đang xin phép được thành lập các cửa hàng miễn thuế tại trung tâm thành phố.
Theo SCMP, mở rộng mua sắm miễn thuế cũng sẽ giúp Bắc Kinh đáp ứng cam kết mở cửa kinh tế cho các công ty nước ngoài, trong bối cảnh các đối tác thương mại lớn từ lâu đã khiếu nại về đối xử không công bằng đối với các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc.
Wu Qi, thành viên cao cấp của Viện Pangoal (Bắc Kinh), bình luận rằng chính phủ muốn tăng chi tiêu tiêu dùng trong nước do sự gián đoạn của khách du lịch nước ngoài, nhưng khả năng thành công của việc mở rộng bán hàng miễn thuế cũng đáng hoài nghi. Bằng chứng là, giá trị bán hàng của các cửa hàng miễn thuế ở Hải Nam, một hòn đảo thương mại tự do, đã giảm 30,3% trong quý đầu tiên.
Bốn tháng đầu năm 2020, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc giảm 16,2% so với cùng kỳ 2019, trong khi GDP giảm 6,8% vào quý đầu tiên. Trong báo cáo công việc của chính phủ trước quốc hội hồi tháng trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết khuyến khích tiêu dùng trong nước sẽ giúp ổn định nền kinh tế và là động lực chính cho tăng trưởng trong năm nay.
Phiên An (Nikkei, SCMP)