Báo cáo công bố tuần trước của của hãng nghiên cứu Nielsen cho biết tại Trung Quốc, những người độc thân có xu hướng thức khuya hơn là những người có gia đình. Báo cáo của Nielsen cũng chỉ rõ, với việc số người độc thân tăng trưởng liên tục, sức mạnh tiêu thụ của nhóm này không nên bị đánh giá thấp.
Việc này thậm chí có thể tạo ra một làn sóng tiêu thụ mới. Báo cáo chỉ ra 42% người tiêu dùng độc thân chi tiêu để làm hài lòng chính bản thân họ, cao hơn 27% so với người không độc thân. Bên cạnh đó, 75% người độc thân có kế hoạch mua quần áo trong năm tới, cao hơn so với 65% người không độc thân. Trong số đó, 35% thuộc nhóm độc thân cho biết sẽ mua quần áo chất lượng tốt, đắt tiền. Tỷ lệ này với nhóm còn lại chỉ là 25%.
Thống kê của Nielsen chỉ ra, tỷ lệ người tiêu dùng độc thân dự định mua sản phẩm điện tử trong năm tới cao hơn người tiêu dùng không độc thân (28%). Trong số đó, 50% người độc thân sẵn sàng mua các sản phẩm điện tử chất lượng cao, đắt tiền. Với nhóm người tiêu dùng không độc thân, tỷ lệ này là 43%.
Báo cáo cũng khẳng định, người độc thân thích sự tiện lợi. 52% người nhóm này hướng tới tiêu dùng thuận tiện, tiết kiệm thời gian, trong khi ở nhóm không độc thân, con số này là 39%. Tỷ lệ độc thân trong dân số đi mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi tăng lên 39% năm ngoái.
Từ góc độ mua sắm trực tuyến, sự tiện lợi đã trở thành yếu tố quan trọng cho người tiêu dùng độc thân. Trong nhóm này, 97% chọn mua sắm trực tuyến, 62% có xu hướng đặt hàng mang đi nhiều hơn là ăn tại cửa hàng.
Báo cáo cho rằng, đằng sau sự nóng dần lên của "nền kinh tế độc thân" là sự thức tỉnh ý thức tiêu dùng của nhóm này, nhằm theo đuổi một cuộc sống chất lượng. "Khi nhóm độc thân tiếp tục phát triển, nền kinh tế độc thân sẽ đem đến nhiều cơ hội phát triển mới cho các thương hiệu, các nhà bán lẻ. Tìm cách gần gũi với lối sống và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng độc đáo của họ là điều quan trọng giúp thúc đẩy sức mua của nhóm này", báo cáo nhận định.
Bên cạnh đó, trong nhóm người tham gia các hoạt động mua sắm, giải trí sau 23h, có 11% là độc thân. Nền kinh tế ban đêm lại đang được giới chức nhiều nước, kể cả Trung Quốc, tích cực thúc đẩy vài năm qua.
Theo kết quả khảo sát về thói quen tiêu dùng của cư dân đô thị do Bộ thương mại Trung Quốc công bố năm 2019, 60% lượng tiêu dùng được thực hiện vào ban đêm và "nền kinh tế ban đêm" đã trở thành một không gian tăng trưởng mới. Có thể thấy những người tiêu dùng đơn lẻ đặt mua hàng vào thời điểm này sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế ban đêm.
Thùy Linh (Theo Sina)