Năm nay, Quốc hội Trung Quốc không đặt mục tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mặc dù vậy, ông Ning Jizhe, Phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, nói hôm 24/5 rằng, một mức tăng trưởng nhất định vẫn rất quan trọng đối với nền kinh tế và nhằm thực hiện một loạt các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội.
"Ngay cả những yêu cầu về bảo đảm sinh kế, bảo vệ việc làm hoặc xóa đói giảm nghèo, những mục tiêu này đều phải được hỗ trợ bởi tăng trưởng kinh tế", ông Ning nói và cho biết Trung Quốc sẽ duy trì tăng trưởng thông qua nhiều cải cách và mở cửa thị trường rộng hơn ra thế giới.
Năm 2020 cũng không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh không đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm. "Đây là lần thứ tư kể từ khi cải cách và mở cửa", ông nói ba lần trước đó là vào các năm 2000, 2001 và 2002.
Thứ sáu tuần trước (22/5), báo cáo của chính phủ Trung Quốc đến Quốc hội đã bỏ qua mục tiêu tăng trưởng cho năm nay. Trước đó, động thái này đã được dự đoán bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trải qua nhiều thách thức trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch. Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, nếu không có Covid-19, nước này có thể đã đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6%.
"Suy thoái kinh tế thế giới là không thể tránh khỏi, và vẫn còn nhiều điều bất ổn về mức độ ảnh hưởng của nó đối với chúng ta", ông Tập nói với một phái đoàn từ khu tự trị Nội Mông vào thứ sáu (22/5).
Nhưng ông Tập cũng nói rằng, việc bỏ mục tiêu cứng cũng giúp nước này có cơ hội tạm biệt thói quen cũ là đặt tăng trưởng GDP lên trên tất cả chương trình nghị sự kinh tế khác, để tập trung nhiều hơn vào cách hỗ trợ hạnh phúc cho người dân.
Ông Huang Shouhong, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Hội đồng Nhà nước, người đứng đầu nhóm soạn thảo bài báo cáo cho Chính phủ trước Quốc hội vào tuần trước, cho biết đã có những tranh luận gay gắt về việc có nên bỏ mục tiêu tăng trưởng hay không.
Cuối cùng, quyết định này được đưa ra nhằm giải phóng chính quyền địa phương khỏi áp lực của một mục tiêu số và khuyến khích họ tập trung vào việc bảo vệ công ăn việc làm, sinh kế và các doanh nghiệp nhỏ. Nhưng ông cũng nói rằng không thể thả rơi tự do cho tăng trưởng vì nó sẽ làm suy yếu việc làm và mức sống cơ bản.
Ông Sun Guojun, một người tham gia khác vào việc soạn thảo báo cáo, cho biết chính phủ trung ương vẫn sẽ chú ý đến tốc độ tăng trưởng kinh tế vì sự chậm lại có thể dẫn đến những vấn đề mới. Trong báo cáo công việc của chính phủ, Trung Quốc vẫn đặt mục tiêu tạo ra 9 triệu việc làm đô thị mới trong năm nay.
Theo Liang Zhonghua, nhà phân tích vĩ mô tại viện nghiên cứu của Zhongtai Securities cho biết, điều đó có thể ám chỉ mục tiêu tốc độ tăng trưởng tiềm năng phải từ 3% đến 4%, với một điểm phần trăm tăng trưởng GDP tạo ra 2,216 triệu việc làm mới trong năm ngoái.
Quý I/2020, kinh tế Trung Quốc đã sụt giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp quốc hội hôm thứ sáu (22/5), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết thay vì đặt mục tiêu GDP như những năm trước, Trung Quốc ưu tiên ổn định việc làm và đảm bảo mức sống sau đại dịch Covid-19.
"Chúng ta đã đạt được những thành tựu chiến lược lớn trong phản ứng với Covid-19. Dịch bệnh hiện vẫn chưa chấm dứt, trong khi các nhiệm vụ chúng ta phải đối mặt trong việc thúc đẩy phát triển là vô cùng lớn", ông Lý nói, thêm rằng chính phủ Trung Quốc phải "nhân đôi nỗ lực để giảm thiểu thiệt hại do virus gây ra".
Ông Lý cũng thông báo thâm hụt tài khóa của Trung Quốc dự kiến vượt hơn 3,6% trong GDP năm nay, với mức thâm hụt 1.000 tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) so với năm ngoái. Một nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ sẽ được phát hành để kiểm soát Covid-19, Thủ tướng Trung Quốc nói, gọi đây là "những biện pháp phi thường trong thời gian bất thường".
Theo ông, chính quyền các cấp nên "thắt lưng buộc bụng" và tất cả ngân sách dư, chưa sử dụng và chuyển giao sẽ được thu hồi, phân bổ lại để được sử dụng tốt hơn. Trước đó, vào tháng 3/2020, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã kêu gọi các quan chức ưu tiên việc làm hơn so với tăng trưởng GDP, nhấn mạnh sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao về vấn đề bất ổn xã hội. Ông cho rằng miễn là việc làm ổn định trong năm nay, thì tăng trưởng cao hay thấp hơn một chút không có vấn đề gì.
"Bắc Kinh đang thực hiện một cách tiếp cận thực tế và khiêm tốn hơn bằng cách bỏ qua một mục tiêu tăng trưởng trong năm nay trong bối cảnh có rất nhiều điều bất ổn", Betty Wang, nhà kinh tế của ANZ Research, bình luận.
Việc loại bỏ mục tiêu GDP cũng có thể xem là một chỉ báo rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn đối diện nhiều rủi ro trong các tháng tới. Thứ nhất, các nhà dịch tễ học đã cảnh báo về khả năng tái phát dịch vào mùa thu. Điều này có thể buộc các nhà chức trách trong và ngoài Trung Quốc phải có kiềm chế nhất định về các hoạt động kinh tế.
Thứ hai là một sự bất ổn lớn khác vẫn đang gia tăng. Đó là mối quan hệ căng thẳng và xấu đi nhanh chóng với Mỹ khi hai bên đang đối đầu về thương mại, công nghệ và nguồn gốc của Covid-19. Mối nguy hiểm cho Trung Quốc là Mỹ có thể tiến thêm các bước để chèn ép nền kinh tế Trung Quốc, nhằm phản ứng với các vấn đề liên quan đến Đài Loan và Hong Kong gần đây.
"Sự không chắc chắn là quá lớn, đặc biệt là trong cuộc bầu cử ở Mỹ vào cuối năm nay", ông Ding Shuang, một nhà kinh tế tại Standard Chartered nói trong bối cảnh đó thì Trung Quốc sẽ lúng túng nếu họ đặt mục tiêu tăng trưởng và không thể đạt được.
Nếu tình hình xấu hơn nữa, các nhà hoạch định chính sách có thể buộc phải tăng cường kích thích kinh tế, theo ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế tại Tập đoàn Macquarie. Như đã nói, Trung Quốc vẫn có các mục tiêu kinh tế khác trong năm nay như tạo ra hơn 9 triệu việc làm đô thị và giữ tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới mức 6%. "Chính quyền Trung Quốc không cần phải bảo vệ mục tiêu tăng trưởng GDP nữa", ông Hu nói, "nhưng họ vẫn chịu áp lực".
Phiên An (theo SCMP, WSJ)