Nhiều nhà phân tích cho rằng mối quan hệ Mỹ - Trung đang ở bước ngoặt quan trọng, và các chỉ báo về tương lai toàn cầu đã xuất hiện vài ngày sau khi Trung Quốc kết thúc kỳ họp quốc hội hôm 28/5. Ngoài việc thông qua dự luật an ninh mới cho Hong Kong, vốn đang bị Mỹ phản ứng mạnh và đe dọa trả đũa, kỳ họp lần này của Trung Quốc còn gửi một thông điệp lớn đến người dân nước này rằng họ đã vượt qua đại dịch và việc kinh doanh đang nhanh chóng trở lại bình thường.
Bỏ qua vấn đề địa chính trị, một số nhà phân tích đồng ý với thực tế rằng trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, Trung Quốc dường như là một trong số ít các quốc gia sẽ phát triển về kinh tế lẫn chính trị.
"Những tiến triển nhanh hiện tại và diễn biến mối quan hệ Mỹ - Trung là điều mà các doanh nghiệp cần nắm bắt một cách nghiêm túc", Tom Rafferty - Giám đốc khu vực châu Á của Economist Intelligence Unit (EIU) bình luận. Ông cho biết cuộc chiến thương mại đã chuyển sang cuộc chiến công nghệ và nay là xung đột tài chính, khi Mỹ muốn trừng phạt các thực thể tài chính Trung Quốc.
Đầu tư vẫn chảy vào Trung Quốc
Là nơi đầu tiên xuất hiện Covid-19 vào cuối năm ngoái, Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên phục hồi sau khi chấm dứt phong tỏa. Hơn 4.600 người đã chết vì Covid-19 tại Trung Quốc, trong khi số người chết lên tới 100.000 ở Mỹ - quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất thế giới.
Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc sẽ tăng trưởng hơn 1% năm nay. Trong khi đó, GDP Mỹ có thể sẽ giảm gần 6% trong năm nay - tệ hơn cả mức giảm 3% của toàn cầu.
"Toàn cầu hóa vẫn sẽ tồn tại và sẽ được điều chỉnh quanh một số vấn đề, đặc biệt là công nghệ", Walter Lohman - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Di sản nhận xét.
Theo ông, mọi người vẫn muốn đầu tư vào thị trường Trung Quốc. "Đó là câu chuyện của 100 năm nay và giờ vẫn như thế. Trung Quốc không phải là nơi tệ nhất để kinh doanh. Ngay cả về mặt minh bạch, thì thị trường này cũng thuộc tầm trung", ông nói.
Lần đầu tiên sau khoảng hai thập kỷ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không đặt mục tiêu GDP hàng năm. Thay vào đó, các nhà chức trách đặt mục tiêu cho các ưu tiên như giảm thất nghiệp. Nhiều nhà kinh tế cho biết, loại bỏ mục tiêu GDP có thể cải thiện chất lượng tăng trưởng. Họ dự đoán kinh tế Trung Quốc có thể tăng 1-3% trong năm nay.
Căng thẳng địa chính trị và Covid-19 đã khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc chững lại. Tuy nhiên, các công ty có lợi ích tại đây không có khả năng thay đổi ý định một sớm một chiều. Các nhà phân tích từ công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics cho biết trong một báo cáo vào tháng 8/2016 rằng, doanh thu của doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc là 450 tỷ USD, trong khi doanh thu của công ty Trung Quốc ở Mỹ chưa đến 50 tỷ USD.
"Trong các cuộc tiếp xúc với chỉnh phủ Trung Quốc, chúng tôi nhận được tín hiệu rằng họ vẫn chào đón doanh nghiệp Mỹ", Alan Beebe - Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ (AmCham) ở Trung Quốc cho biết hôm 29/5, "Đây là xu hướng khá nhất quán mà chúng tôi nhận thấy trong năm nay". Ông nói rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc còn đề nghị AmCham đề xuất các ý tưởng để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ một cách hiệu quả.
Cứng rắn hơn về chính trị
Trung Quốc cũng đã mạnh hơn trên mặt trận chính trị. Các nhà ngoại giao nước này sẵn sàng tranh luận quyết liệt về nguồn gốc của virus gây ra Covid-19, không chỉ với Mỹ mà còn với châu Âu, Australia và các nước khác.
Wang Huiyao, chuyên gia cố vấn cho chính phủ và Chủ tịch của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, nói rằng nước này giờ đây có nhiều sinh viên và doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới. Vì thế, mọi người không thể kỳ vọng Trung Quốc vẫn sẽ im lặng như 20-40 năm trước. "Trung Quốc giờ rất khác. Họ có quyền thể hiện quan điểm của mình với thế giới", ông nói.
Tăng trưởng vẫn là điểm mấu chốt của chính phủ Trung Quốc, nhằm đảm bảo ổn định xã hội. Thủ tướng Lý Khắc Cường tuần trước vẫn nhấn mạnh sự cởi mở của nước này với đầu tư nước ngoài. Chính quyền Trung Quốc đang cố gắng đưa ra những điểm lạc quan để khỏa lấp những thách thức trong nước, cũng như rủi ro chính trị mà các doanh nghiệp Mỹ và nước khác phải đối mặt từ quê nhà.
"Vấn đề là có đến hai Trung Quốc. Một là những thành phố tầm cỡ bậc nhất thế giới mà chúng ta thấy. Phần còn lại là một quốc gia thuộc thế giới thứ ba", ông George Friedman, Chủ tịch Geopolitical Futures, nhận xét về sự phân hóa trong chính nền kinh tế lớn nhì thế giới.
Ông ngờ vực về khả năng giảm nghèo của Trung Quốc. Friedman nói căng thẳng Mỹ - Trung có thể sẽ tăng và Trung Quốc cũng còn nhiều vấn đề trong nước cần giải quyết, nên khả năng đáp trả Mỹ của họ sẽ bị hạn chế. Gần đây, Mỹ liên tục tăng áp lực lên Trung Quốc, từ việc muốn hạn chế các công ty nước này niêm yết tại Mỹ đến tìm cách làm tê liệt Huawei.
"Việc Mỹ và Trung Quốc đối đầu chính trị sẽ kéo dài qua cả kỳ bầu cử năm nay", Walter Lohman nhận định. Để quan hệ này tốt đẹp trở lại, Trung Quốc cần cải tổ thị trường thực sự, giải quyết các vấn đề như tư nhân hóa, trợ cấp với doanh nghiệp nhà nước và ép buộc chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp nước ngoài.
Còn nhiều ẩn số
"Một biến số quan trọng trong tương lai là vị thế của Mỹ sẽ ra sao và liệu nước này có sẵn sàng tham gia vào các tổ chức đa phương nữa hay không", Rafferty cho biết. Dù vậy, ông cho rằng Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tham gia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng sẽ bỏ quy chế đặc biệt của Hong Kong nhưng đưa ra rất ít chi tiết. Tương tự, dự luật an ninh mới cho Hong Kong cũng gây ra nhiều bất ổn tiềm tàng cho Trung Quốc.
"Thông báo của Tổng thống không có nghĩa là các công ty Mỹ sẽ dừng hoạt động và rời khỏi Hong Kong", Tara Joseph - Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong nói. "Có rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời xoay quanh vấn đề chấm dứt quy chế đặc biệt mà Mỹ dành cho Hong Kong. Trong thời điểm thách thức này, doanh nghiệp càng nhận được những phản hồi rõ ràng thì sẽ càng hữu ích".
Bruce Pang của China Renaissance cho biết trước mắt, nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng Mỹ có nhiều lợi ích kinh doanh hơn ở Hong Kong. Mặt khác, áp lực tại thị trường tài chính Mỹ có thể sẽ khiến nhiều công ty Trung Quốc chuyển hướng sang niêm yết ở sàn Hong Kong, bù đắp lại dòng chảy đầu tư rời đi vì dự luật an ninh mới.
Cho đến khi các tuyên bố chính trị gần đây trở nên rõ ràng hơn, Trung Quốc và Mỹ vẫn công khai duy trì các kênh liên lạc. Doanh nghiệp toàn cầu thì vẫn giữ hy vọng có các cuộc thảo luận mang tính xây dựng hơn.
"Chúng tôi không muốn rời khỏi Trung Quốc", Joerg Wuttke - Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc thừa nhận. Họ muốn tham gia nhiều hơn vào thị trường này. Ông Wuttke cho biết EuroCham Trung Quốc đang tìm kiếm khả năng được hợp tác tại nhiều lĩnh vực trên khắp Trung Quốc. "Trong tình huống bây giờ thì không còn giải pháp lớn nào nữa", ông nói.
Phiên An (theo CNBC)