Bác sĩ Lê Thị Minh Nguyệt, Quản lý Y khoa vùng 3 miền Trung - Tây Nguyên, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan hàng đầu. Bệnh gây ra các triệu chứng sốt, ho khan, sổ mũi, đau họng, viêm kết mạc, phát ban trên da... Những triệu chứng này giống với các bệnh dưới đây khiến nhiều người hiểu nhầm, dẫn đến chậm trễ điều trị, tăng nguy cơ trở nặng, nhất là ở trẻ nhỏ.

Phát ban của sởi (bên trái) và thủy đậu (bên phải) khác nhau, song bị dễ gây nhầm lẫn. Ảnh: Vecteezy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Sốt phát ban, thủy đậu và tay chân miệng
Sốt phát ban là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, do các loại virus thường lành tính gây ra. Trẻ có các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, lừ đừ, đau đầu, mỏi cơ, biếng ăn, có thể nôn ói hoặc tiêu chảy... Sau sốt, trẻ bắt đầu phát ban màu hồng hoặc đỏ, xuất hiện theo từng cụm, li ti, bề mặt ít sần sùi ở ngực, bụng, lưng rồi lan ra toàn toàn thân. Ở giai đoạn phát ban, trẻ thường khỏe và bắt đầu phục hồi, ban bay không để lại dấu vết.
Còn ban sởi thường nổi sau 3-4 ngày sốt cao đột ngột 39-40 độ, kèm theo viêm kết mạc, đỏ mắt, chảy nước mắt, chảy nước mũi, ho... Nốt sởi xuất hiện dưới hình dạng các đốm đỏ phẳng trên da, đôi khi có các vết sưng nổi lên. Ban có màu đỏ, sần, mọc theo thứ tự từ vùng mặt rồi đến cổ, toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân trong 3 ngày đầu và kéo dài khoảng 6 ngày. Da bị thâm sau khi hết ban sởi, gọi là vằn da hổ.
Trong giai đoạn phát ban, trẻ thường sốt cao, mệt mỏi và có thể gặp các biến chứng như tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm thanh quản... cần theo dõi sát.
Tương tự, thủy đậu cũng dễ nhầm với sởi do đều có triệu chứng sốt và phát ban. Song sốt ở thủy đậu từ 38-39 độ C, còn sởi có thể sốt đến 40 độ C. Phát ban thủy đậu bắt đầu bằng những vết sưng đỏ hoặc nổi sần lên, sau đó biến thành mụn nước chứa chất lỏng bên trong. Chúng sẽ vỡ ra, chảy dịch trước khi khô lại và đóng vảy, có nguy cơ để lại sẹo nếu không chăm sóc đúng cách.
Ngoài ra, trẻ mắc sởi có triệu chứng đau họng, biếng ăn, tiêu chảy, xuất hiện các nốt phát ban trên cơ thể cũng dễ nhầm với sởi. Khác với sởi, ban do tay chân miệng nổi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông, cùi chỏ và không theo trình tự.
Nhiễm trùng đường tiêu hóa
Trẻ nhiễm trùng đường tiêu hóa do các loại vi khuẩn, virus khác như Shigella, Escherichia coli, Rotavirus, cúm... cũng có biểu hiện đau bụng, sốt, tiêu chảy, nôn và buồn nôn. Ngoài ra, tiêu chảy do sởi cũng dễ bị phụ huynh nhầm lẫn thành ngộ độc thực phẩm. Điều này có thể khiến cha mẹ chủ quan, chậm trễ điều trị. Trẻ tiêu chảy cấp do sởi có thể mất nước, rối loạn điện giải, gặp biến chứng loạn nhịp tim, rối loạn hô hấp, tụt huyết áp, suy kiệt và tử vong.
Theo bác sĩ Nguyệt, sởi hay các bệnh kể trên trẻ dễ mắc và có thể khỏi trong vài ngày. Song nếu chậm trễ điều trị, điều trị không đúng trong khi trẻ không có kháng thể bảo vệ sẽ dẫn đến sốt cao co giật, tiêu chảy mất nước nhanh chóng. Khi vi khuẩn, virus xâm nhập đa cơ quan sẽ gây biến chứng viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim, suy hô hấp, tăng nguy cơ tử vong.

Vaccine sởi có hiệu quả phòng bệnh lên đến 98% nếu tiêm đủ mũi. Ảnh: Mộc Miên
Cách phòng sởi
Hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine chứa thành phần phòng sởi cho trẻ em và người lớn. Trước tình hình dịch sởi lan rộng tại nhiều địa phương, Bộ Y tế cho phép vaccine sởi tiêm từ 6 tháng tuổi. Đây được tính là mũi sởi 0 tức mũi chống dịch. Khi đến 9 tháng và sau 12 tháng tuổi, trẻ cần tiêm thêm ít nhất 2 mũi vaccine sởi để đảm bảo miễn dịch.
Người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử chủng ngừa cần tiêm đủ ít nhất hai mũi vaccine, phác đồ cách nhau một tháng. Phụ nữ cần tiêm phòng sởi trước khi có kế hoạch mang thai ba tháng hoặc 1 tháng tùy theo loại vaccine. Tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine có hiệu quả phòng bệnh lên đến 98%.
Ngoài sởi, thủy đậu và các bệnh gây sốt, tiêu chảy như Rotavirus, thương hàn, tả, viêm gan A, cúm cũng đã có vaccine.
Trong đó, thủy đậu tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau một hoặc ba tháng tùy theo độ tuổi, giúp phòng bệnh lên đến 98%. Vaccine ngừa Rotavirus có chỉ định cho trẻ từ 6 tuần tuổi và có giới hạn uống đến trước 32 tuần tuổi. Vaccine cúm tiêm được cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn, tiêm nhắc một mũi hằng năm.
Ngoài vaccine, cha mẹ nên cho con ăn đủ chất dinh dưỡng, ngủ nghỉ hợp lý để tăng cường sức đề kháng. Gia đình cũng nên thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, lau rửa các đồ dùng, đồ chơi của trẻ. Với nhà trường cần phun khử khuẩn, vệ sinh lớp học, dụng cụ học tập thường xuyên. Khi trẻ có biểu hiện sốt, đau bụng, tiêu chảy... cần cách ly, đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Tuấn An