Xem nhiều chương trình văn nghệ không ít lần tôi thấy mất hứng vì ca sĩ hát sai lời. Ca từ trong bài hát cùng với giai điệu như nói lên những tâm tư, tình cảm và nỗi lòng của nhạc sĩ, vì thế nếu hát sai có thể gây hiểu lầm hoặc ngộ nhận.
Ca khúc Ai nhớ chăng ai của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ không ít lần được ca sĩ biến tấu ca từ "xương đớn đau trăm đường" thành "vương đớn đau trăm đường". Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là người Quảng Trị, người dân ở vùng này gọi "gánh" là "xương". Vậy, câu hát ấy có nghĩa là "người mẹ già gánh mọi điều đớn đau". Nếu hát thành "vương" tức là không hiểu ý tác giả.
Một ca khúc nổi tiếng khác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là Một cõi đi về cũng thường xuyên bị hát sai lời. Thật chói tai khi nghe "con tinh yêu thương" biến thành "con tim yêu thương". Chất Huế độc đáo đã được nhạc sĩ họ Trịnh đưa vào âm nhạc của mình khi các cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp và tinh nghịch ở Huế thường được người thân, bạn bè gọi yêu là "con tinh", nay lại bị hiểu sai.
Thu, hát cho người của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cũng không ít lần bị đổi chủ thể khi được trình bày trên sân khấu. Ca từ trong bài hát là: "Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó. Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió". Thế nhưng, một nữ ca sĩ lại hát thành: "Em vẫn chờ anh dưới gốc sim già đó. Đêm nguyệt cầm em gọi anh trong gió". Ca từ của ca khúc là tâm trạng của một chàng trai gửi cho người bạn gái đã được ca sĩ chuyển sang thành tâm trạng của một cô gái gửi cho chàng trai.
>> 'Dễ dãi với nghệ sĩ lệch chuẩn'
Một bài nhạc xuân nổi tiếng là Anh cho em mùa xuân được nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ thành ca khúc từ bài thơ Nụ hoa vàng ngày xuân của nhà thơ Kim Tuấn vẫn được nhiều người vô tư hát sai. Nhà thơ Kim Tuấn viết bài thơ này để nhớ về quê mẹ Hà Tĩnh – vùng đất sỏi đá nhiều hơn cơm gạo, với ước mơ "đất mẹ gầy có lúa". Vậy mà nhiều người hát thành "đất mẹ gầy cỏ lúa" hoặc "đất mẹ gầy cỏ úa". Rồi "đồng ta xanh mấy mùa" được đổi thành "đồng xa xanh mấy mùa", hoặc "đồng xanh xa mấy mùa", làm mất hẳn ý nghĩa nguyên tác.
Bài hát như là một phương tiện để chuyên chở những thông điệp của nhạc sĩ đến với con người và cuộc sống, vì vậy hãy trân trọng những tác phẩm nghệ thuật mang lại hương vị cho đời. Khi ca sĩ trình bày, đôi khi họ muốn hòa vào tâm trạng của chính mình, trở thành người trong cuộc để bài hát có hồn hơn, nhưng không thể vì thế mà tự ý sửa đổi ca từ được.
Mỗi chữ trong lời nhạc đều có một ý đồ, một nội dung nhất định theo khuôn phép của thanh nhạc, bị chi phối bởi dấu giọng và từ ngữ chọn lọc hơn so với một bài thơ hay một truyện ngắn để có tính văn học và tính nghệ thuật sâu sắc. Ca sĩ chỉ sửa một vài từ cũng có thể làm hỏng cả nội dung bài hát và đôi khi làm hư luôn tiết mục của chính mình trên sân khấu.
Trong điều kiện hiện nay, việc tìm kiếm những văn bản gốc của lời bài hát không khó. Với những chương trình ca nhạc lớn, các đạo diễn và biên tập viên nên chỉn chu hơn trong việc tổng duyệt và khi cần có thể góp ý để ca sĩ hát đúng lời. Hát đúng ca từ trong những tác phẩm âm nhạc còn thể hiện sự tôn trọng tác giả, trân trọng những tác phẩm nghệ thuật và thể hiện sự nghiêm túc trong nghề nghiệp. Mong rằng những hạt sạn – hát sai ca từ sẽ dần dần biết mất để mang lại cho khán, thính giả những giây phút thư giãn và lắng đọng với những giai điệu đẹp.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.