Trong trận đánh đầu tiên của chiến dịch phản công gần thành phố Orekhov thuộc tỉnh Zaporizhzhia, đại đội bộ binh cơ giới của Ukraine mắc kẹt trong bãi mìn, sau đó bị trực thăng vũ trang Ka-52 của Nga phóng tên lửa tấn công. Đòn không kích khiến đại đội Ukraine mất xe tăng chủ lực Leopard 2 và nhiều xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley.
Chưa rõ bao nhiêu phương tiện chiến đấu bị phá hủy trong trận đánh hoặc được phục hồi sau đó, Ukraine cũng không công bố số binh sĩ thiệt mạng. Tuy nhiên, hình ảnh được truyền thông Nga công bố cho thấy trở ngại mà lực lượng Ukraine đối mặt khi cố gắng phá vỡ tuyến phòng thủ của đối phương.
Quân đội Ukraine và giới chuyên gia phương Tây từ lâu cảnh báo không quân Nga, với tiêm kích và trực thăng vũ trang, có thể dễ dàng tiêu diệt tăng thiết giáp của đối phương. Trong khi đó, lực lượng Ukraine tại tiền tuyến thiếu các tổ hợp phòng không nhằm ngăn chặn máy bay Nga.
Stas, một binh sĩ thuộc đơn vị vận hành máy bay không người lái (UAV) của Ukraine, cho biết từng chứng kiến trực thăng Nga tung đòn không kích vào đội hình tiến công của đối phương. "Họ tấn công bằng bom dẫn đường laser từ khoảng cách xa", Stas nói.
Binh sĩ này đánh giá việc Nga dùng trực thăng vũ trang Ka-52 bay treo để tấn công tăng thiết giáp Ukraine là "chiến thuật rất hiệu quả", trong khi đối phương không có biện pháp đối phó nào tương xứng. Stas cũng kêu gọi phương Tây cung cấp cho Ukraine trực thăng tấn công AH-64 Apache do Mỹ sản xuất, bên cạnh tiêm kích F-16.
Truyền thông phương Tây đưa tin Nga đầu tháng 6 triển khai thêm 20 trực thăng, trong đó có mẫu Ka-52, tới sân bay tại thành phố Berdyansk nằm cách Orekhov khoảng 100 km. Đây là một trong những căn cứ chính phục vụ cho trực thăng Nga.
"Trong cuộc đua không ngừng giữa tác chiến đường không và các biện pháp đối phó, Nga dường như giành lợi thế tạm thời ở phía nam Ukraine, đặc biệt với trực thăng vũ trang sử dụng tên lửa tầm xa tập kích mục tiêu dưới đất", Bộ Quốc phòng Anh cuối tuần trước nhận định.
Dù có năng lực vượt trội, không quân Nga chưa kiểm soát hoàn toàn bầu trời Ukraine, do nước này sở hữu lượng lớn tổ hợp phòng không từ thời Liên Xô và một số hệ thống do phương Tây viện trợ. Nếu vượt quá xa chiến tuyến, máy bay Nga đối mặt nguy cơ cao bị phòng không Ukraine bắn hạ.
Tuy nhiên, ở tiền tuyến, Ukraine không có lưới phòng không mạnh và không quân Nga đang tận dụng điểm yếu này. Do thiếu các tổ hợp phòng không cỡ lớn để bao quát hoàn toàn bầu trời, binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến phải phụ thuộc vào tên lửa vác vai tầm ngắn, vốn đòi hỏi xạ thủ phải nhìn thấy mục tiêu trước khi bắn.
"Tên lửa phòng không vác vai không hiệu quả lắm vào ban đêm. Chúng tôi cần các hệ thống có khả năng phát hiện và dẫn đường như radar hoặc tổ hợp quang - điện tử", một phi công Ukraine nhận định.
Justin Bronk, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cho biết trực thăng Nga gắn tên lửa chống tăng dẫn đường đã phát huy uy lực lớn trong cản trở chiến dịch phản công của Ukraine.
"Trực thăng Nga có thể bay treo tại chỗ, phát hiện mục tiêu và phóng tên lửa chống tăng với tầm bắn vượt xa tên lửa phòng không vác vai hoặc pháo phòng không", chuyên gia Bronk nói.
Mối đe dọa từ trực thăng tấn công của Nga đẩy lực lượng Ukraine vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu không triển khai các tổ hợp phòng không hiện đại ra tiền tuyến, xe tăng và thiết giáp của họ sẽ dễ dàng hứng đòn không kích từ trực thăng Nga.
Nhưng nếu đẩy các hệ thống phòng không hiện đại tới sát trận địa, chúng có nguy cơ bị tập kích bởi các loại UAV tự sát mà Nga đang sử dụng. Họ cũng phải triển khai các tổ hợp phòng không này để bảo vệ các thành phố, đô thị quan trọng khi Nga tăng cường tập kích tên lửa và UAV từ đầu tháng 5.
Sau những tổn thất của lực lượng Ukraine trong các trận đánh đầu của chiến dịch phản công do không quân Nga gây ra, phương Tây gấp rút tìm cách viện trợ thêm hệ thống phòng không và đạn tên lửa cho Kiev.
Anh tuần trước thông báo đang cùng Mỹ, Đan Mạch và Hà Lan "mua hàng trăm tổ hợp phòng không tầm ngắn và tầm trung từ thời Liên Xô" để chuyển cho Ukraine vào những tuần tới.
"Vấn đề quan trọng nhất đối với Ukraine là chúng tôi phải cùng lúc làm hai nhiệm vụ phòng không là bảo vệ các khu đô thị lớn cùng tổ hợp công nghiệp, cũng như trên tiền tuyến", Mykola Bielieskov, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia của Ukraine, cho biết.
Theo ông Bielieskov, đây là thách thức đối với lực lượng Ukraine trong lúc thiếu nhiều tổ hợp phòng không. Ông cũng cảnh báo những hệ thống này có thể trở thành mục tiêu của UAV tự sát Nga như mẫu Lancet.
Trực thăng Ka-52 không phải "bất khả chiến bại" trên chiến trường. Bộ Quốc phòng Nga hồi đầu tháng 6 công bố video mẫu trực thăng "Cá sấu" này sử dụng cảm biến để phóng tên lửa vào vật thể được cho là xe tăng Leopard 2 trên cánh đồng, nhưng giới chuyên gia phương Tây sau đó nhận định mục tiêu bị hạ là xe phun thuốc trừ sâu.
Trực thăng Ka-52 cũng dễ bị tấn công bởi tên lửa đất đối không khi lọt vào tầm bắn. Trang theo dõi thông tin tình báo mở Oryx cho biết Nga mất ít nhất 35 trực thăng Ka-52 sau khi chiến sự với Ukraine bùng phát tháng 2/2022.
Tuy nhiên, Ka-52 đôi khi thoát ly về căn cứ an toàn sau khi trúng hỏa lực phòng không của Ukraine nhờ thiết kế với hai bộ cánh quạt quay ngược chiều, thay vì một trục quạt lớn và bộ cánh quạt nhỏ ở đuôi. Video công bố ngày 19/6 cho thấy một chiếc Ka-52 tiếp tục bay về căn cứ khi cánh đuôi đúng gãy gập sang phải, một phần buồng lái hư hỏng.
Thiết kế hai bộ cánh quạt đặc trưng của Ka-52 cho phép trực thăng thực hiện các động tác cơ động linh hoạt không kém máy bay cánh bằng. Thiết kế cũng giúp phi công duy trì kiểm soát khi đuôi máy bay hư hại, trong khi các loại trực thăng bình thường sẽ nhanh chóng xoay vòng khi mất đuôi, thậm chí vỡ nát trên không và rơi tại chỗ.
Nguyễn Tiến (Theo FT)