Làn sóng Covid-19 thứ tư ở miền Nam từ TP HCM lan ra các tỉnh từ cuối tháng 5. Đến nay, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Phú Yên... là những tỉnh xuất hiện số ca nhiễm nhiều nhất với sự gia tăng ngày càng nhanh.
Hồi tháng 5, trung bình một ngày mỗi tỉnh chỉ ghi nhận 10-20 ca nhiễm. Nhưng một tuần qua, đồ thị số ca nhiễm ở 5 tỉnh này theo hình "bò tót" (tăng và có xu hướng tăng), với số ca nhiễm một ngày ở mỗi tỉnh lên đến 50, có nơi hơn 100 ca. Tổng ca dương tính trong làn sóng thứ tư ở 5 tỉnh tính đến chiều tối 7/7 là 2.288, chiếm khoảng 11% cả nước.
Ca nhiễm đầu tiên được Long An ghi nhận vào ngày 28/5, là đầu bếp khách sạn, liên quan nhóm truyền giáo ở TP HCM. Ba ngày sau, khi tỉnh này xuất hiện thêm ca nhiễm thì tỉnh Đồng Tháp ở lân cận cũng xác định trường hợp dương tính do tiếp xúc với người ở Long An.
Cũng trong ngày 31/5, ba ca dương tính đầu tiên ở Bình Dương được phát hiện đều bị lây nhiễm từ hai nữ sinh ở TP HCM trở về. Tại Tiền Giang, bệnh nhân đầu tiên trong cộng đồng được phát hiện muộn hơn vào ngày 5/6, cũng liên quan đến nhóm truyền giáo. Phú Yên đến 23/6 mới phát hiện trường hợp nhiễm do tiếp xúc với tài xế lái xe tuyến TP HCM - Đà Nẵng.
Ban đầu, ngành y tế các tỉnh điều tra dịch tễ những ca này để khoanh vùng, dập dịch. Nhưng đến cuối tháng 6, khi dịch ngày càng diễn biến phức tạp, ngành y tế nhận định nguồn lây từ TP HCM không phải duy nhất.
Để phòng chống dịch, Long An và TP HCM đã nâng mức giãn cách xã hội, các tỉnh khác đều giãn cách ở các "điểm nóng", lập chốt kiểm tra y tế, xét nghiệm sàng lọc, tiêm vaccine. Đồng Tháp, Bình Dương, Long An, Tiền Giang yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính Covid-19. Một số tỉnh đề xuất cho F1 cách ly tại nhà vì sợ lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Bình Dương, số ca nhiễm bắt đầu tăng vọt sau khi vợ chồng bán trà sữa ở đường Đồng Cây Viết, phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một dương tính hồi giữa tháng 6.
Do 11 ca F1 liên quan đến vợ chồng này là công nhân trong các công ty ở thị xã Tân Uyên và thành phố Thuận An dương tính, nên Bình Dương mở rộng xét nghiệm trong các khu công nghiệp và phát hiện trung bình mỗi ngày 10-20 người dương tính trong mười ngày liên tiếp.
Sau ngày 24/6, từ gần 30 ca nhiễm một ngày, tốc độ ca nhiễm ngày càng tăng. Những ngày ghi nhận con số ca cao như: 30/6 (81 ca), 1/7 (90 ca), 3/7 (38 ca), 4/7 (87 ca), 5/7 (114 ca), 6/7 (92) và 7/7 (140 ca).
Đến chiều qua, Bình Dương đã ghi nhận 998 ca dương tính sau 37 ngày (theo CDC Bình Dương). Số ca nhiễm ở Bình Dương tăng nhanh hơn TP HCM trong giai đoạn từ 29/4 đến 15/6, mất 47 ngày thành phố lớn nhất nước mới ghi nhận 961 ca. Tuy nhiên, tốc độ tăng ca nhiễm ở Bình Dương vẫn thấp hơn Bắc Giang, chỉ trong 16 ngày từ 8/5 đến 24/5 tỉnh Bắc Giang ghi nhận 1024 ca nhiễm.
Bình Dương có số lượng khu công nghiệp, công nhân nằm trong tốp đầu cả nước. Hiện, tỉnh có 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp với 1,2 triệu lao động. Dịch len vào hơn 40 công ty và hàng chục nhà trọ công nhân, nhiều ca không xác định nguồn nhiễm. Sở Y tế tỉnh đánh giá, việc có nhiều nhà trọ đan xen với nhà máy trong và ngoài khu công nghiệp là nguyên nhân dịch bùng phát mạnh, rất khó kiểm soát và có thể số ca bệnh sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Tỉnh này đã thành lập 100 tổ kiểm tra giám sát, hướng dẫn công tác phòng chống dịch tại các công ty, nhà máy. Tỉnh sẽ thí điểm cho công ty tự xét nghiệm nhanh cho công nhân; khuyến khích người lao động ở lại làm việc trong nhà máy.
Đồng Tháp ghi nhận số ca nhiễm sau Bình Dương với 361 ca ở làn sóng thứ 4 (theo CDC Đồng Tháp, tính đến chiều 7/7). Dịch ở tỉnh này tưởng chừng yên ắng sau ca đầu tiên được phát hiện cuối tháng năm, nhưng từ 24/6, Covid-19 bùng phát với số ca mỗi ngày càng cao. Từ ngày 2/7 đến 7/6 số trường hợp dương tính mỗi ngày lần lượt là 32, 51, 94, 10 và 45 . Đặc biệt, 10 bệnh nhân tử vong trong 12 ngày, đều có nhiều bệnh nền.
Ông Nguyễn Lâm Thái Thuận, Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp, xác định ổ dịch đáng lo ngại nhất là ở huyện Châu Thành với khoảng 150 ca. "Xử lý ổ dịch này là hết sức khẩn cấp", ông Thuận nói.
Một nguy cơ khác của Đồng Tháp là tình trạng F0 đi "lang thang", cụ thể đã có người đến tỉnh Vĩnh Long khám bệnh thì xét nghiệm dương tính. Tương tự, một người khác được phát hiện nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí (TP Cao Lãnh) và hai ca tại Bệnh viện Mắt Quang Đức (TP Sa Đéc).
Giáp ranh tỉnh này và TP HCM, Long An đến tối qua ghi nhận 253 ca (theo CDC Long An). Số ca nhiễm bắt đầu tăng lên từ ngày 24/6 với khoảng 10-20 ca mỗi ngày. Nhưng đến ngày 5/7, tỉnh phát hiện đến 67 ca một ngày.
Hiện 13 huyện, thành phố và thị xã tại Long An đã xuất hiện ca bệnh. Trong đó, ổ dịch Bệnh viện Đa khoa Long An đang diễn biến phức tạp với 62 ca sau 10 ngày. Hiện bệnh viện này ngưng nhận bệnh, trừ các ca cấp cứu.
Ông Phạm Tấn Hòa, Phó chủ tịch UBND Long An cho biết, sẽ tổ chức xét nghiệm ở các khu công nghiệp và các khu đông dân. Cụ thể, theo CDC Long An, tỉnh có 62 cụm công nghiệp, 35 khu công nghiệp với khoảng 230.000 công nhân. Ngành y tế sẽ xét nghiệm sàng lọc tất cả, trừ những doanh nghiệp đã tổ chức xét nghiệm, chi phí do doanh nghiệp trả. Ngoài ra, CDC sẽ tập trung tầm soát ngẫu nhiên người dân ở những nơi đông người như bến đò, chợ.
Tại Tiền Giang đến chiều 7/7 đã xác định 317 người dương tính (theo CDC Tiền Giang). Đặc biệt trong một tuần qua, trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 30 ca nhiễm. Trong số ca dương tính, 197 ca đã được Bộ Y tế công bố, một người tử vong, 5 người bệnh nặng, 2 ca chuyển viện, 6 người được xuất viện, số bệnh nhân còn lại đang điều trị tại các bệnh viện dã chiến của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch tỉnh cho biết, sau 31 ngày ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên, đến nay địa phương xuất hiện 9 chùm lây nhiễm, hơn 2.000 F1, F2. Hiện toàn bộ các trạm, trung tâm y tế cùng 6 bệnh viện tuyến tỉnh, 2 phòng khám tư nhân có thể thực hiện test nhanh. Tuy nhiên, tỉnh chỉ có duy nhất một máy xét nghiệm khẳng định PCR tại Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh.
Tiền Giang có 4/7 khu công nghiệp đang hoạt động với 91.000 công nhân, người lao động, 27 cụm công nghiệp với khoảng 17.300 công nhân, người lao động. Lãnh đạo tỉnh cho biết ngành y tế sẽ tập trung lấy mẫu test nhanh cho người lao động ở các doanh nghiệp nghi xuất hiện ca mắc Covid-19.
Phú Yên là tỉnh Nam Trung Bộ ghi nhận tốc độ phát hiện lây nhiễm cao nhất, từ 8 ca đầu tiên sáng 24/6, sau 14 ngày số ca tăng lên 359, trong đó một người tử vong.
Bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, cho biết tỉnh xác định có ba nguồn lây nhiễm chính. Thứ nhất liên quan "bệnh nhân 13690", 53 tuổi, bà chủ quán cơm ở TP Tuy Hòa. Thứ hai là "bệnh nhân 16052" ở thị xã Đông Hòa. Thứ ba là "bệnh nhân 15541" ở huyện Sơn Hòa.
Theo Giám đốc Sở Y tế, địa phương gặp nhiều khó khăn về nhân lực, trang thiết bị y tế không đủ đáp ứng nhu cầu truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, phải nhờ sự hỗ trợ từ địa phương khác. Ngành y tế chưa có kinh nghiệm trong phòng chống dịch cộng đồng. Trong khi, số ca nhiễm tăng, nguồn lây nhiễm bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng với số lượng lớn, khiến việc truy vết, xét nghiệm gặp lúng túng.
"Số F1 hiện nay cách ly khá cao, hơn 3.000 người. Khả năng kết quả xét nghiệm lần 2, lần 3 của nhóm này có thể thêm nhiều người dương tính, đồng thời có thể có F1 khai báo chưa đầy đủ nên trong cộng đồng vẫn có nguy cơ tiềm ẩn dịch cao", bà Ngọc nhận định.
Tỉnh này đề nghị Bộ Y tế tăng cường bác sĩ chuyên khoa Hồi sức tích cực có kinh nghiệm điều trị Covid-19 nặng và các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh tại các bệnh viện dã chiến; hỗ trợ thiết bị, chuyên gia điều trị bệnh nhân nặng sử dụng ECMO và 5 máy lọc máu.
Tại cuộc họp khẩn về phòng chống dịch với các tỉnh phía Nam hôm 4/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, dịch ở phía Nam đang diễn biến nhanh, phức tạp, dự báo tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới do mầm bệnh đã lưu hành trong một thời gian dài tại nhiều nơi, trong đó có các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch như các nhà máy, khu công nghiệp, các chợ dân sinh...
Bộ trưởng cho rằng các tỉnh thành đã và đang nỗ lực, đưa ra các biện pháp giãn cách để kiểm soát tình hình. Song, việc phòng chống dịch gặp một số khó khăn, đã có những lúng túng, bị động khi số ca bệnh tăng nhanh trong thời gian ngắn.
Ông Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng dịch lây lan nhanh ra nhiều tỉnh thành miền Trung và miền Nam do các tỉnh có sự giao lưu đi lại với TP HCM. Một số tỉnh dịch lây theo lái xe đường dài, dẫn tới không phát hiện kịp thời, lây ra cộng đồng. Nhiều bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh; F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0. Điều này chứng tỏ virus đã âm thầm lây lan trong một khoảng thời gian từ lâu, khiến ổ dịch tại TP HCM nói riêng và dịch tại các tỉnh phía Nam phức tạp hơn.
Trong thông báo của Văn phòng Chính phủ hôm 6/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, dịch bệnh tại các tỉnh Đông Nam Bộ "cơ bản được kiểm soát", tuy nhiên tại TP HCM vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, đang lây lan nhanh sang một số địa phương lân cận. Vì vậy, các đơn vị cần sớm có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để đẩy lùi dịch bệnh.
Ngoài việc kêu gọi người dân cảm thông nếu TP HCM và các địa phương khác phải phong tỏa, giãn cách diện rộng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Công Thương, Giao thông Vận tải cần có kịch bản để phân luồng giao thông, lưu thông hàng hóa, cung ứng vật tư, nhu yếu phẩm, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. Các biện pháp nhằm không làm xáo trộn lớn cuộc sống của người dân. Khi đã phong tỏa, kể cả diện rộng, chính quyền phải thần tốc xét nghiệm, nhanh chóng phát hiện và kịp thời đưa F0 ra khỏi khu vực, không để lây chéo.
Phạm Linh - Phước Tuấn - Hoàng Nam - Ngọc Tài - Xuân Ngọc