Thạc sĩ Võ Quang Đinh, giảng viên bộ môn Da Liễu, ĐH Y dược TP HCM cho biết, lạm dụng xà phòng, thuốc tẩy làm da tay mất đi vẻ đẹp vốn có, thậm chí biến da thành nơi để nấm phát triển. Nấm sống ký sinh trên da, khi môi trường thay đổi, chúng phát triển rất mạnh, nhất là vùng kẽ móng, gây viêm móng, biến dạng móng và còn nhiều bệnh khác về da.
Viêm da (chàm) tiếp xúc kích ứng: Xảy ra khi các tác nhân hoá học hoặc vật lý làm tổn thương da nhanh hơn khả năng sửa chữa các tổn thương của da. Viêm da (chàm) thường giới hạn rõ với đỏ da, ngứa, sưng phù, mụn nước, bóng nước và khô bong vẩy. Các chất gây kích ứng thường là những chất tiếp xúc hàng ngày như nước, chất tẩy rửa, dung môi, axít, kiềm, keo, hoá chất kim loại dạng lỏng và sự cọ xát. Độ nặng của viêm da thường thay đổi và phụ thuộc nhiều yếu tố: nồng độ và độ mạnh của chất gây kích ứng; thời gian và số lần tiếp xúc; mức độ nhạy cảm của da (dày, mỏng, nhờn, khô, cơ địa dị ứng hoặc các bệnh da có sẵn trước đó); môi trường (nhiệt độ, độ ẩm).
Viêm da tiếp xúc kích ứng có thể gặp ở mọi người, nếu tiếp xúc với chất gây kích ứng đủ mạnh sẽ làm tổn thương da. Những người bị viêm da thể tạng dễ bị viêm da kích ứng hơn. Trong trường hợp tiếp xúc với các chất gây kích ứng mạnh như axít hoặc kiềm, có thể gặp phản ứng viêm ngay tức thì (vài phút đến vài giờ) với biểu hiện đỏ da, phù nề, bóng nước kèm rát bỏng và đau nhức. Trường hợp tiếp xúc với các chất gây kích ứng nhẹ như nước, xà phòng, chất tẩy rửa trong vài tuần hoặc vài tháng, có thể làm da khô, ngứa, bong vẩy và nứt đau.
Viêm da tiếp xúc dị ứng: Là tình trạng da viêm, ngứa do phản ứng dị ứng chất tiếp xúc với da. Chất này được gọi là dị ứng nguyên. Bệnh thường xuất hiện chậm (12-72 giờ) sau khi tiếp xúc và giảm dần nếu da không còn tiếp xúc với dị ứng nguyên nữa. Các dị ứng nguyên thường gặp là kim loại (nickel, cobalt, chrome), kháng sinh (neomycine, bacitracine), chất bảo quản (paraben, phenoxylethanol…), cao su hoặc latex (chứa thiuram, carba mix), chất tạo mùi (cinnamic aldehyde), một số thực vật… Trong trường hợp cấp tính, da vùng viêm trở nên đỏ, sưng phù, mụn nước hoặc bóng nước kèm ngứa hoặc rát bỏng. Trong trường hợp mạn tính, da thường khô, bong vẩy, nứt kèm ngứa và đau giống viêm da tiếp xúc kích ứng.
Viêm da quanh móng mạn tính: Viêm da quanh móng chỉ tình trạng viêm da ở các nếp quanh móng. Viêm da quanh móng mạn tính thường tiến triển chậm, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm và có thể gây tổn thương móng. Bệnh thường bắt đầu ở một nếp quanh móng, sau đó lan dần qua các nếp khác. Nếp móng bị tổn thương sẽ sưng phù, đỏ, nhô cao và tách ra khỏi đĩa móng. Một số trường hợp có thể ấn ra mủ trắng, vàng hoặc xanh. Đĩa móng trở nên biến dạng và có rãnh ngang khi phát triển. Móng đổi màu vàng hoặc xanh và dễ gãy. Sau khi phục hồi, móng thường mất đến một năm mới mọc trở lại bình thường.
Viêm da quanh móng do Candida: Thường do nhiều vi sinh vật và/hoặc các bệnh gây viêm da khác như viêm da tiếp xúc, vẩy nến… Thường gặp nhất là sự kết hợp giữa vi nấm chủng Candida và vi trùng gram âm. Bệnh thường gặp ở những người mà bàn tay thường xuyên tiếp xúc với nước như nông dân, đánh cá, nội trợ và bán nước giải khát.
Bác sĩ Quang Đinh cũng đưa ra một số biện pháp giúp chị em bảo vệ tay khi làm việc nhà:
Mang găng tay: Để tránh tiếp xúc trực tiếp với xà phòng, chất tẩy, bột tẩy hoặc các hoá chất kích ứng tương tự, hãy chuẩn bị 4–5 đôi găng để luôn có sẵn trong nhà bếp, nhà tắm và phòng giặt (găng tay vinyl tốt hơn cao su do một số người dị ứng với cao su). Nếu găng bị thủng hoặc rách, hãy bỏ ngay (mang một găng tay thủng còn tệ hơn không mang). Lựa chọn găng tay chống nước tốt, để bên trong găng luôn khô; nếu cần, mang thêm một găng tay vải bên trong. Mang găng tay chống nước trong lúc lột và vắt chanh, cam, nho, khoai tây, cà chua… Nên để nhiều găng tay vải cotton khắp nhà để có thể dùng trong công việc khô. Cũng cần mang găng khi thời tiết lạnh hoặc nhiều gió để tay tránh khô và nứt. Giặt găng tay bằng máy, không bằng tay.
Rửa tay với nước ấm và xà phòng rất nhẹ. Rửa cho hết sạch xà phòng và lau khô bàn tay nhẹ nhàng. Tất cả xà phòng đều có thể gây kích ứng (không có loại xà phòng nào nhẹ nhàng cho da như lời quảng cáo cả). Nhẫn có thể làm nặng thêm tình trạng viêm da có sẵn do giữ các chất gây kích ứng bên dưới; hãy tháo nhẫn khi làm công việc nhà và trước khi rửa tay.
Thoa chất giữ ẩm mỗi ngày, ngay sau khi rửa tay. Trường hợp bị viêm da, nên thoa thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da. Đừng tự ý thoa các loại lotion, kem hoặc thuốc khác vì chúng có thể gây kích ứng.
Thoa chống nắng phổ rộng với SPF ≥ 30 vùng mặt lưng bày tay mỗi ngày dù trời lạnh hoặc có nhiều mây.
Trong trường hợp da bị viêm, hãy bảo vệ bàn tay ít nhất bốn tháng kể từ khi da đã lành.
Theo Sài Gòn tiếp thị