Thông báo chiều 20/1 của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, người đàn ông 52 tuổi ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng (Bình Phước) vừa tử vong do nhiễm cúm A (H5N1). Đây là ca nhiễm đầu tiên trong năm, sau 9 tháng không ghi nhận ca bệnh trên người.
Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết, sau ca tử vong vừa được ghi nhận, bệnh viện đã kiểm tra lại một lần nữa và tăng cường chặt chẽ hơn công tác phòng chống dịch, khu vực cách ly, chống nhiễm khuẩn, dụng cụ bảo hộ...
Theo bác sĩ Dũng, bệnh cúm A (H5N1) hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và văcxin phòng bệnh. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm do virus cúm tuýp A, chủng H5N1 gây ra, dễ dẫn đến tử vong. Virus cúm gây bệnh có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi, họng, phân gia cầm bệnh. Người tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ bị nhiễm phân, chất tiết của gia cầm bệnh sẽ dễ mắc bệnh.
Những người có yếu tố nguy cơ cao là người ở trong vùng dịch cúm gia cầm trong vòng 2 tuần, tiếp xúc gần với gia cầm bị bệnh (nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn thịt gia cầm bị bệnh, ăn tiết canh...); tiếp xúc gần gũi với người bệnh đang nghi ngờ hoặc đã xác định mắc cúm A (H5N1).
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay tình trạng giết mổ gia cầm tại các chợ rất mất vệ sinh, và điều đó làm tăng nguy cơ lây nhiễm cúm A từ gia cầm sang người. "Hôm 20/1, chúng tôi đi kiểm tra ở chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn) thì thấy đã hạn chế được việc nhập khẩu gia cầm qua biên giới nhưng vấn đề vệ sinh rất kém. Hàng gia cầm bán sát hàng quần áo, giết mổ tại chợ... Như vậy, nếu có dịch bùng phát việc lây nhiễm sẽ khó tránh", ông Phu cho biết.
Theo ông, ngoài cúm A (H5N1), thì cúm A (H7N9) hiện cũng tiến sát vào Việt Nam, nguy cơ xâm nhập là rất lớn. Cúm A (H7N9) cũng lây từ gia cầm sang người. Hiện nay một số tỉnh của Trung Quốc dịch cúm này đang bùng phát trở lại, trong đó có Quảng Đông - nơi có lượng người qua lại Việt Nam rất lớn. Ngoài ra lượng học sinh, sinh viên Việt Nam học tại Trung Quốc về nước ăn Tết cũng có nguy cơ mang mầm bệnh về theo.
Theo ông Trần Đắc Phu, để phòng ngừa bệnh cúm lây nhiễm từ gia cầm, những hộ chăn nuôi gia cầm lớn cần nghiêm chỉnh thực hiện bảo hộ lao động, vệ sinh chuồng trại. Người dân phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giết mổ gia cầm cần đeo khẩu trang. Phải sử dụng gia cầm có nguồn gốc, cần ăn chín uống sôi... Không tiếp xúc với gia cầm ốm, bệnh, không ăn gia cầm bị bệnh.
Một số biểu hiện của cúm A H5N1:
- Sốt trên 38 độ C.
- Các triệu chứng về hô hấp như ho khan hoặc có đờm, tức ngực, thở nhanh, tím tái..., có thể có ran khi nghe phổi. Diễn biến nhanh chóng tới suy hô hấp.
- Triệu chứng tuần hoàn: nhịp tim nhanh, huyết áp hạ, sốc.
- Một số các triệu chứng khác như: đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, suy đa tạng.
Thời điểm giáp Tết hiện nay, việc tiêu thụ gia cầm, thủy cầm tăng cao nên người dân cần lưu ý trong vấn đề phòng bệnh. Thêm nữa, với thời tiết lạnh như hiện nay, các bệnh hô hấp, bệnh cúm thường lây lan rất nhanh, cần có ý thức phòng ngừa.
Một số khuyến cáo phòng ngừa bệnh:
- Không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng thịt và các sản phẩm của gia cầm, thủy cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc.
- Khi phát hiện gia cầm, thủy cầm ốm, chết phải thông báo ngay cho cán bộ thú y, y tế, chính quyền địa phương.
- Không được vứt xác gia cầm, thủy cầm bừa bãi hoặc vứt ra đồng ruộng, ao hồ, sông suối.
- Không ăn tiết canh, thịt, trứng gia cầm, thủy cầm chưa nấu chín kỹ.
- Khi tiếp xúc, giết mổ gia cầm, thủy cầm phải đeo găng tay, khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng.
- Khi có biểu hiện sốt cao, ho, khó thở, đau ngực phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Lê Phương - Minh Thùy