Trong báo cáo ngày 23/6 của Sở Giao thông Vận tải gửi UBND TP Hà Nội về kết quả thực hiện phương án điều chỉnh nút giao thông, giải quyết ùn tắc trên một số tuyến đường, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất xe khách từ 24 chỗ trở lên, xe công vụ, xe cứu nạn, cứu thương được chạy trên đường dành riêng cho buýt nhanh BRT.
Theo kết quả khảo sát của Viện Kinh tế xã hội Hà Nội giữa năm 2021 cho thấy, kể từ khi đưa vào hoạt động, vào các khung giờ cao điểm xe BRT đạt 40-45 khách/chuyến, giảm được 400-500 phương tiện cá nhân ra vào nội đô, góp phần giảm ùn tắc, giảm khí thải gây ô nhiễm.
Ấy vậy mà dưới bài viết, tôi thấy có rất nhiều bình luận đòi dẹp bỏ làn đường cho buýt nhanh BRT này. Lý do họ đưa ra là vì không hiệu quả, buýt nhanh chiếm chỗ của các xe khác.
Tôi có đính kèm video buýt nhanh ở Jakarta, Indonesia, một quốc gia Đông Nam Á. Chẳng hiểu vì sao họ làm và duy trì được hệ thống giao thông cộng này, còn ta thì không
Vì sao hệ thống buýt nhanh BRT chỉ giảm được 400-500 phương tiện cá nhân mà không giảm 5000 hay 10.000 phương tiện? Theo tôi, đơn giản là vì người Việt chúng ta quá khó để chiều chuộng, chín người nhưng hàng trăm ý khác nhau.
Khi hệ thống xe buýt cũ kỹ, lạc hậu, đi chậm... họ ước ao, đòi hỏi xe buýt sạch sẽ, đổi mới, đi nhanh hơn thì mới sử dụng. Khi có hệ thống này rồi, họ lại bảo tắc đường vì buýt nhanh một mình một cõi, không cho các xe khác đi vào làn đường này.
Và rồi, bây giờ hệ thống được đầu tư 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bị nhiều người quay lưng đòi dẹp bỏ.
Ánh Dương
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.