Chiều tối qua, câu chuyện người đi xe máy ùn ùn đi đổ xăng chiếm spotlight trên mạng xã hội. Một số người đùa với nhau rằng chỗ hẹn hò đắt giá nhất với bạn gái bây giờ là cây xăng.
Bởi nhìn vào đồ thị, từ ngày 10/12/2021 đến hôm nay, giá xăng đã trải qua sáu lần tăng giá liên tiếp, tiến sát đến ngưỡng 27 nghìn đồng một lít xăng. Hôm nay, theo nhiều người đồn đoán, giá xăng có nguy cơ lên 30 nghìn đồng một lít.
Nhiều người hỏi rằng xếp hàng như vậy chỉ mang lợi ít nhất 10, 20 nghìn đồng thì có đáng không? Một số trả lời rằng đỡ được đồng nào thì hay đồng đó.
Trong công ty tôi, mọi người bàn với nhau làm thế nào để đối phó với giá xăng dầu tăng? Sẵn có vài ca F0, mọi người đề xuất nên cho nhân viên làm ở nhà, hoặc mỗi tuần lên công ty 3 buổi.
>> 'Một xe buýt giúp giảm 161 ôtô'
Hạn chế đi lại để tiết kiệm xăng. Nhưng đề xuất này nhanh chóng bị phòng nhân sự gạt bỏ với quan điểm các nhân viên cần lên văn phòng để làm việc và tương tác trực tiếp.
Bản thân tôi từ sau Tết đến giờ đi làm bằng xe buýt. Nhà gần Bệnh viện Ung bướu 2, đến chỗ làm trong quận 3, cự ly là 25km. Giá vé xe buýt mỗi chiều là 7 nghìn đồng, mỗi ngày hai lượt đi về là 14 nghìn đồng. Một tháng đi làm 5 ngày là tốn 280 nghìn đồng. Nếu mua vé tháng chắc sẽ rẻ hơn.
Trước đây, dùng xe tay ga nên mỗi ba ngày một lần, tôi phải đổ đầy bình xăng, mỗi lần tốn gần 110 nghìn đồng. Đó là tính luôn tiền xăng đi chợ, siêu thị, đi lòng vòng quanh thành phố chứ không riêng việc đi làm và về nhà mỗi ngày.
Mỗi ngày vượt gần 50km đi về, tôi cũng khá mệt mỏi vì trên xe buýt không phải lúc nào cũng có chỗ để ngồi. Chưa kể sau khi sinh viên đi học lại, các bác tài chạy nhanh hơn, trên xe cũng đông đúc hơn.
Thế nhưng mỗi ngày nhìn dòng xe máy ken đặc trên cầu Rạch Chiếc, ngã tư MK, ngã tư Bình Thái, tôi rất cảm thông với họ bởi không phải ai cũng "rảnh" để vứt chiếc xe máy để leo lên xe buýt như mình.
Rồi tôi lại nhìn nhà chờ metro đối diện Suối Tiên gần nhà. Tôi nghĩ nếu tuyến metro này đúng tiến độ, thì có lẽ người dân sẽ có thêm một lựa chọn xe công cộng để đối phó với giá xăng tăng.
>> Tôi 'tự cưa chân' khi bán xe máy
Nhưng việc đi xe buýt cũng chỉ là cách ứng phó nhất thời. Mỗi lần xăng tăng giá là các mặt hàng khác tăng theo. Một mặt bằng giá cả mới đã được thiết lập từ sau Tết đến giờ.
Hôm đi làm ngày đầu sau Tết, tôi giật mình vì tô bún chay đã tăng lên 25 nghìn đồng một tô nhưng chỉ lèo lèo bún, vài miếng đậu hủ, cà chua. Giá trước Tết là 20 nghìn và hồi thời chưa có dịch Covid chỉ 15 nghìn đồng.
Các đồng nghiệp của tôi bây giờ đã thấm đòn khi giá cả tăng. Họ không còn săn đón mua hàng online, vào ra nhộn nhịp để nhận hàng nữa. Bây giờ cũng chẳng còn í ới rủ nhau đi ăn trưa ở ngoài mà chủ động đem cơm nhà theo ăn.
Khi đứng trước áp lực của bão giá, xăng tăng, mỗi người đều phải tự tìm một phương thức để tránh né, nhưng không biết được bao lâu?
Trịnh Tuấn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.