Ba ngày trước đó, Tổng thống Donald Trump làm rung chuyển Washington với thông báo bất ngờ rằng ông sẽ không ký dự luật ngân sách và cứu trợ Covid-19 vốn đã được lưỡng viện quốc hội đàm phán kỹ lưỡng nhằm cấp ngân sách cho chính phủ, trợ cấp cho những người thất nghiệp, kích thích kinh tế và các khoản viện trợ cần thiết khác cho hàng triệu người dân Mỹ.
Nhiệm vụ thuyết phục Tổng thống được các thành viên trong đảng giao cho thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Nam Carolina Lindsey Graham. Thế nên, Graham tức tốc tới câu lạc bộ golf của Trump ở Florida vào đúng ngày Giáng sinh để giải quyết vấn đề: Tìm giải pháp khả thi có thể giúp Tổng thống Mỹ hài lòng mà không buộc quốc hội phải tái đàm phán dự luật.
"Chúng tôi đánh một cú, gọi một cuộc điện thoại. Đánh một cú, lại gọi một cuộc điện thoại. Đánh một cú rồi bàn về những thứ làm nên một thỏa thuận tốt", Graham hồi đầu tuần cho biết. "Đó là một ngày Giáng sinh vô cùng căng thẳng".
Hai ngày sau, Trump chấp thuận ký dự luật và đưa ra một tuyên bố dài thể hiện những nỗi bất bình và kỳ vọng của ông. Ngày 28/12, Hạ viện đáp lại, biểu quyết thông qua một trong những yêu cầu chính mà Tổng thống đưa ra: Tăng mức hỗ trợ cho mỗi người dân Mỹ từ 600 USD lên 2.000 USD.
Bằng cách ký gói cứu trợ, Trump đã tránh được việc đẩy chính quyền của mình vào hỗn loạn hơn nữa trong những ngày cuối, chưa kể tới những xáo trộn gây ra đối với cuộc sống hàng triệu người dân Mỹ.
Nếu Trump không ký dự luật, trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ kinh tế cho người dân sẽ bị trì hoãn cùng với nguồn ngân sách bổ sung cho việc phân phối vaccine Covid-19. Nó cũng dẫn tới kịch bản đóng cửa chính phủ có thể kéo dài tới ngày 20/1/2021, thời điểm Trump rời Nhà Trắng, nhường lại quyền lực cho người kế nhiệm Joe Biden.
Phản ứng của Trump đối với gói cứu trợ tiếp tục làm bật lên mối quan hệ không bằng phẳng giữa Nhà Trắng và quốc hội. Nhiều lần, Tổng thống Mỹ cho thấy ông không hứng thú hoặc bị phân tâm khi tham gia vào các cuộc đàm phán dự luật, để rồi lại bất ngờ phản đối những thỏa thuận đã được lưỡng viện nhất trí sau quá trình thảo luận căng thẳng.
Hai năm trước, Trump suýt phá tan một dự luật chi tiêu, cam kết sẽ "không bao giờ ký một dự luật nào khác giống thế nữa", đồng thời chỉ trích các nhà lập pháp vì trình nó lên với những điều khoản mà ông phản đối.
Lần này, trong lúc các nghị sĩ quốc hội đàm phán dự luật ngân sách, Trump chỉ theo đuổi nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử mà không mấy quan tâm tới các cuộc thảo luận ở nghị trường.
Chỉ đến khi dự luật được lưỡng viện thông qua và gửi tới Nhà Trắng, Trump mới tuyên bố rằng nó chưa đáp ứng được các mong muốn cốt lõi của ông về khoản cứu trợ lớn hơn cho người Mỹ hay điều khoản trừng phạt các công ty công nghệ đang "kìm hãm" ông trên mạng xã hội.
Trump tuyên bố với các cố vấn và đồng minh rằng ông sẽ không ký dự luật và sẽ tiếp tục đấu tranh. Tuy nhiên, chuyến chơi golf ngày Giáng sinh với Graham dường như đã khiến ông thay đổi suy nghĩ, theo một quan chức cấp cao am hiểu vấn đề.
"Cơ hội tốt nhất để thuyết phục ông ấy về bất cứ chuyện gì là đưa ông ấy ra sân golf rồi bắt đầu nói chuyện", nguồn tin cho hay. "Lindsey đã làm điều đó".
Graham không phải người duy nhất tham gia vào nỗ lực thuyết phục Tổng thống Trump. Trước khi Trump đăng video lên Twitter vào ngày 22/12 tuyên bố không ký dự luật, ông đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy, nghị sĩ đảng Cộng hòa bang California. McCarthy lúc bấy giờ đang ở một bệnh viện tại Bakersfield, chuẩn bị được gây mê để tiến hành phẫu thuật khuỷu tay bị thương.
Trong nhiều ngày tiếp theo, McCarthy ở nhà riêng với chiếc tay bó bột, liên tục gọi điện nhắc nhở Trump về những thắng lợi chính trị mà ông có thể đạt được nếu đồng ý thông qua dự luật, đồng thời tìm cách giải quyết những mối lo âu khác của Tổng thống.
Trong khi McCarthy thuyết phục Trump qua điện thoại từ California, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cũng làm điều tương tự từ nhà nghỉ dưỡng của mình ở Mexico.
Nỗ lực đó cuối cùng cũng le lói ánh sáng thành công khi Graham cùng Trump rảo bước trên sân golf ở Florida, khởi đầu ba ngày điên cuồng chỉ có vung gậy, giải thích và thuyết phục.
Graham xác định rằng có hai nỗi bất bình mà Tổng thống đặc biệt quan tâm. Ông cảm thấy số tiền hỗ trợ 600 USD, vốn được giới hạn ở con số này nhằm giữ cho gói cứu trợ không vượt quá một nghìn tỷ USD theo yêu cầu từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa, đơn giản là quá thấp.
Mặt khác, Trump cũng rất tức giận khi Quốc hội đã không làm gì để can thiệp vào một luật liên bang quan trọng, Điều 230 trong Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông, vốn tạo ra lá chắn chắc chắn cho các nền tảng trực tuyến né tránh trách nhiệm pháp lý đối với nội dung mà người dùng dịch vụ mà họ đăng tải.
"Suy nghĩ chi phối Tổng thống là 'Tôi sẽ không nhượng bộ đến bao giờ tôi có được một cuộc biểu quyết về gói cứu trợ kinh tế tại Thượng viện và tôi sẽ không ký dự luật cho đến khi chúng ta xử lý xong Điều 230'", Graham hôm 28/12 cho biết. "Cam kết có một cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện đã tạo ra rất nhiều khác biệt đối với Tổng thống".
Dù vậy đến nay, số phận của khoản hỗ trợ 2.000 USD và Điều 230 vẫn chữa rõ ràng. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, vẫn từ chối đề cập đến việc Thượng viện sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu như thế nào.
Theo hai cố vấn giấu tên, Tổng thống Trump luôn tin rằng số tiền 600 USD hỗ trợ khá vô nghĩa đối với những người dân Mỹ đang gặp khó khăn và ông muốn được nhìn nhận như một chiến binh vẫn không ngừng đấu tranh cho họ.
"Có những lời chỉ trích rằng Tổng thống làm vậy vì không nghĩ đến ai khác và chỉ đang dồn chút sức lực cuối cùng cho nỗ lực tại vị", một quan chức cấp cao trong chính quyền nói. Nhưng bằng việc yêu cầu mức hỗ trợ lớn hơn, Tổng thống Trump có lẽ tính toán rằng ông có thể truyền đi một thông điệp mạnh mẽ tới những người ủng hộ mình: "Đừng bao giờ quên. Tôi ở đây. Tôi đang chiến đấu cho các bạn".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)